Nâng cao nhận thức và hành động về BĐG
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông về BĐG; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện công tác BĐG; tiếp tục thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 28/3/2022 truyền thông về BĐG đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các ban, sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch, chương trình truyền thông về BĐG. Điển hình như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Thanh Hóa truyền thông về Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; tổ chức 49 lớp trang bị kiến thức về BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và kỹ năng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ truyền thông về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho 3.860 cán bộ, người dân tại cộng đồng và học sinh tại các trường THPT...
Sở Tư pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BĐG, hôn nhân gia đình, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của xã hội về bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ thông qua các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý và biên soạn, phát hành tờ gấp pháp luật, sổ tay hỏi đáp pháp luật. Riêng từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp đã thực hiện hoàn thành 1.763 vụ việc tham gia tố tụng, với 1.763 người được trợ giúp pháp lý (trong đó có 537 đối tượng được trợ giúp pháp lý là phụ nữ).
Ban Dân tộc cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức thực hiện Dự án 8 “Thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao nhận thức về BĐG cho phụ nữ và trẻ em. Tổ chức 241 sự kiện truyền thông về BĐG, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em, với 35.127 cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân thuộc vùng dự án tham gia. Chỉ đạo ra mắt 46 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, 245 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, 52 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”...
Các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; tuyên truyền trực quan như treo băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu về phòng, chống bạo lực gia đình và BĐG... Qua đó, tạo được hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác BĐG vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần phòng ngừa bạo lực giới, bạo lực gia đình, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực
Công tác truyền thông về BĐG được tăng cường với sự tham gia tích cực của các ban, sở, ngành, địa phương đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và BĐG trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định được bản thân trong xã hội.
Đến nay, tỷ lệ lãnh đạo nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp tăng: Cấp tỉnh có 7 nữ/65 đồng chí là ủy viên ban chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (tỷ lệ là 10,8%), trong đó có 1 nữ/17 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (tỷ lệ là 5,9%); cấp huyện có 174 nữ/887 đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ huyện (tỷ lệ là 19,62%); cấp xã có 1.702 nữ/7.056 đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ xã (tỷ lệ là 24,12%). Tỷ lệ các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 27,5%. Tính đến tháng 6/2024, số lao động nữ làm công hưởng lương là 411.115 người, đạt 48,2% (năm 2021 là 40,1%); số lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp là 318.145 người, đạt 37,3% (năm 2021 là 39,5%). Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp/hợp tác xã là 30,9%, tăng 1,4% so với năm 2023 (năm 2021 là 22,26%). Toàn tỉnh có 361 mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ...
Vấn đề BĐG trong gia đình đã đạt được kết quả nhất định, phụ nữ có sự tự tin và được tôn trọng, bình đẳng hơn trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nội dung về giới, BĐG đã được các sở, ngành, trường học đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học, THCS là 100%; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 43,5%...
Từ những kết quả đạt được trên cho thấy, công tác BĐG trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, hầu hết các chỉ tiêu thuộc 6 nhóm mục tiêu theo định hướng Chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh đều được thực hiện đảm bảo lộ trình và kế hoạch đề ra. Đặc biệt là trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo, kinh tế, lao động; đảm bảo BĐG trong đời sống gia đình và phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; lĩnh vực thông tin truyền thông đều vượt và tiệm cận so với chỉ tiêu đặt ra năm 2025, góp phần thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ phát triển.
Bài và ảnh: Ngân Hà |
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa |
File đính kèm |