THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
   

Những kết quả đạt được trong công tác kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Thanh Hóa năm 2023

Ngày tạo:  20/12/2023 16:09:13
Nhằm nắm bắt tình hình và kết quả hoạt động của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Qua đó kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.

Trên cơ sở Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 22/9/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã thành lập 03 Đoàn kiểm tra (các Trưởng đoàn là lãnh đạo của các cơ quan: Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các thành viên đoàn kiểm tra là thành viên hoặc thư ký các cơ quan thuộc Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh) và đã tiến hành kiểm tra tại 06 đơn vị (Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thiệu Hóa, Nông Cống, Sầm Sơn, Triệu Sơn) và các đơn vị cơ sở (gồm: Xã Thạch Long, huyện Thạch Thành; Xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc; Xã Xuân Thịnh huyện Triệu Sơn; Phường Quảng Thọ, Thành phố Sầm Sơn). Kết quả kiểm tra đã chỉ ra nhiều mặt đạt được, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. 

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành kịp thời các văn bản theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên và theo chức năng nhiệm vụ, đồng thời đã quán triệt đầy đủ, kịp thời Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, nhấn mạnh ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trên địa bàn nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi của các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng công PBGDPL và hòa giải ở cơ sở. 

Hội đồng phối hợp PBGDPL đã được chú trọng kiện toàn khi có sự thay đổi về nhân sự; có sự phân công cụ thể nhiệm vụ cho thành viên HĐPH. Qua đó đã phát huy vai trò tư vấn, giúp UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp triển khai các hoạt động PBGDPL, bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL.

Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh có 132 người. Báo cáo viên pháp luật cấp huyện có 586 người. Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã 6.855 người (trong đó tại 06 huyện, thị xã, thành phố được kiểm tra hiện có 125 báo cáo viên pháp luật huyện, 2.023 tuyên truyền viên pháp luật xã). Trong năm, các đơn vị đã thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật mới, qua đó phát huy năng lực, tích cực tham gia triển khai tuyên truyền nhiều văn bản pháp luật đến cán bộ và Nhân dân. 

Qua kết quả kiểm tra tại các đơn vị cho thấy năm 2023 các đơn vị đã triển khai nhiều hình thức PBGDPL, đã tổ chức 780 hội nghị cho 95.042 đại biểu. Qua các Hội nghị tuyên truyền pháp luật, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân đã được phổ biến về nhiều nội dung pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống, công tác theo định hướng tại Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh. Trên cơ sở bám sát chủ đề "Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tổ chức và thi hành pháp luật; tăng cường công tác truyền thông; phản ứng chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa"… các đơn vị đã tổ chức triển khai Ngày pháp luật Việt Nam, bằng nhiều hoạt động thiết thực. Các huyện đã tích cực triển khai hội nghị, tọa đàm, lồng ghép tuyên truyền hưởng ứng ngày pháp luật với nhiệm vụ trọng tâm, công tác phổ biến các văn bản pháp luật mới được Quốc hội ban hành trong tháng 11 nhằm hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam; tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc thi tìm hiểu pháp luật như: Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; tăng cường phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội; triển khai hoạt động tuyên truyền pháp luật qua mô hình “câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nuôi dạy con tốt với pháp luật.....

Các đơn vị đều quan tâm, chỉ đạo, tăng cường củng cố, kiện toàn tủ sách pháp luật của các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn các huyện, thành phố. Các tủ sách pháp luật được trang bị với nhiều đầu sách pháp luật đa dạng, phòng phú, phần nào đáp ứng nhu cầu đọc, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. 

                                              (Một số hình ảnh công tác PBGDPL của các địa phương được kiểm tra)

 

Ngoài ra, các đơn vị được kiểm tra còn quan tâm PBGDPL thông qua nhiều hình thức khác, như: thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, câu lạc bộ pháp luật (câu lạc bộ Nông dân với pháp luật,  tuyên truyền lưu động; Câu lạc bộ pháp luật học đường; Ngôi nhà ánh dương); lồng ghép PBGPDL qua các phiên tòa, hoạt động hoà giải ở cơ sở; Tuyên truyền phổ biến qua các pano, áp phích, trực quan sinh động; tuyên truyền qua hoạt động xây dựng các đội chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.... góp phần tháo gỡ các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, phòng ngừa tội phạm, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kéo dài, vượt cấp của công dân.

Trong thời gian qua, các địa phương luôn quan tâm, bám sát tình hình thực tế để có những phương pháp tuyên truyền PBGDPL thiết thực hiệu quả cho đối tượng đặc thù. Đã đẩy mạnh công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc miền núi. thông qua việc tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hội thi, phiên tòa giả định, phát hành tài liệu pháp luật, tuyên truyền trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép tuyên truyền pháp luật với diễn văn nghệ, tiểu phẩm... cho đồng bào dân tộc miền núi; lồng ghép triển khai đề án “đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa"; “hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”.

Thành phố Sầm Sơn đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hội nghị; cấp phát tờ gấp pháp luật; tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh về Luật Thủy sản, hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới, cảng biển; tuyên truyền cho ngư dân, không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Tuyên truyền, vận động từng hộ, từng chủ tàu, thuyền chấp hành các quy định của pháp luật của Nhà nước, nhất là quy định về chủ quyền biển, đảo, đảm bảo an ninh trật tự; bảo vệ tài nguyên môi trường; động viên ngư dân vươn khơi bám biển, không từ bỏ ngư trường, kiên trì bảo vệ chủ quyền, ủng hộ chiến dịch “Kết nối biển Đông”, góp phần định hướng dư luận tư tưởng cho nhân dân hướng về biển, đảo Tổ quốc.... Qua công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển, chấp hành các quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển của cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

   Bên cạnh đó, đơn vị Thiệu Hóa và Nông Cống thường xuyên quan tâm, tổ chức công tác PBGDPL cho học sinh các quy định về Luật An toàn giao thông, phòng chống đuối nước, phòng chống cháy nổ, bạo lực học đường, phòng chống gây thương tích, xâm hại tình dục, bảo vệ chủ quyền biển đảo….; Phối hợp với MTTQ các cấp thực hiện Đề án 01/138 về “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư. Huyện Ngọc Lặc tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, tổ chức sân chơi dưới hình thức sân khấu hoá các hoạt động, tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia hoạt động. Trong năm 2023, có 52 đơn vị (TH, THCS, TH&THCS, Trung tâm GDNN-GDTX) và 22.461 học sinh ở các nhà trường được tham gia chương trình phổ biến giáo dục pháp luật thông qua tiết học ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, phòng GD&ĐT đã kiểm tra, đánh giá công tác giáo dục pháp luật trong môn giáo dục công dân ở nhà trường; huyện Thạch Thành thường xuyên rà soát đội ngũ dạy môn Giáo dục công dân (cấp THCS) và môn Đạo đức (cấp Tiểu học) đảm bảo chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đủ về số lượng, được tạo điều kiện về tài liệu giảng dạy, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường theo định hướng phát triển năng lực người học nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật tại các nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thành phố Sầm Sơn chỉ đạo Thành đoàn Sầm Sơn phối hợp với Công an thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai hơn 80 đợt giáo dục pháp luật được Đoàn cơ sở, Liên đội triển khai lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, phòng chống tác hại của thuốc lá…; 26/26 trường từ Tiểu học đến THCS nâng cao chất lượng dạy và học môn học đạo đức, môn học giáo dục công dân theo hướng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen xử sự theo pháp luật của học sinh. 

Ngoài ra các đơn đang tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 21/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị đã chủ động xây dựng triển khai Đề án của Chương trình PBGDPL như Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”: Đề án nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân: Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” … bằng nhiều hình thức PBGDPL linh hoạt, bám sát với nhu cầu cuộc sống được các huyện, thành phố quan tâm triển khai, góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL. 

Đối với công tác hòa giải ở cơ sở: Tại 6 đơn vị được kiểm tra trực tiếp cho thấy: các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các xã, phường, thị trấn rà soát, kiện toàn tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải đảm bảo cơ cấu, số lượng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Định kỳ hàng năm tiến hành bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng này. Nhờ vậy, các Tổ hòa giải ở cơ sở đã phát huy vai trò hoạt động, tích cực tham giam giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, giảm bớt khiếu nại tố cáo, ổn định an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư.

Từ kết quả kiểm tra nhận thấy kết quả đạt được là cơ bản, xong vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ làm công tác PBGDPL đã được củng cố, kiện toàn, song một số báo cáo viên, tuyên truyền viên kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn chưa kịp thời. Hình thức PBGDPL tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là cấp cơ sở. Một số địa phương còn thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức, biện pháp PBGDPL phù hợp với trình độ của người được tuyên truyền và đặc thù của địa bàn; Nguồn nhân lực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL còn bất cập, chưa ngang tầm với nhiệm vụ và đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong tình hình mới; Công tác tuyên truyền PBGDPL chưa thực sự phát huy được vai trò phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. 

Đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn các huyện tuy đông về số lượng nhưng trình độ học vấn và kỹ năng hòa giải, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Đội ngũ làm công tác hòa giải chủ yếu là kiêm nhiệm nên kết quả hòa giải chưa thật cao. Chưa tạo được chuyển biến lớn về số vụ việc tiếp nhận hòa giải và kết quả hòa giải thành chưa có bước đột phá. Ở một số nơi, hoạt động hòa giải vẫn còn thụ động. Kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn thấp. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện còn chưa được chú trọng.

Trên cơ sở những tồn tại hạn chế đặt ra, các Đoàn kiểm tra đã có những đề xuất, kiến nghị đối với Đề nghị UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh: Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật, biểu dương khen thưởng kịp thời các đơn vị triển khai có hiệu quả; Tăng cường chỉ đạo hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các huyện, thị xã, thành phố và các ngành để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời phát hiện những mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền pháp luật để phổ biến nhân rộng; Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên và hoà giải viên ở cơ sở. 

Các đơn vị được kiểm tra cần: Tiếp tục tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Tăng cường công tác phối hợp giữa UBND với MTTQ và các tổ chức đoàn thể, huy động nguồn lực xã hội hóa phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; xây dưng mô hình, hình thức PBGDPL hiệu quả. Quan tâm bố trí kinh phí dành PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, cấp nhật kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở. Khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Kịp thời có các hình thức biểu dương, khen thưởng (cấp huyện) đối với các Tổ hòa giải cơ sở có những cách làm hay, hiệu quả. Đề nghị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các Báo cáo viên, truyên truyền viên và hòa giải viên cơ sở; Tăng cường hỗ trợ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện để tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở. Đề nghị bố trí kinh phí cụ thể, rõ ràng đảm bảo hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở, hỗ trợ hòa giải viên, hỗ trợ chi phí tổ chức hòa giải thành....

Với những kết quả kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở theo Kế hoạch của UBND tỉnh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ về kiểm tra và có những kiến nghị để đảm bảo công tác này đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới và nhu cầu của người dân trong bối cảnh hiện nay./.


Hoàng Thùy

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.