THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ
   

TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TRONG ĐÁNH GIÁ XÃ ĐẠT TIÊU CHÍ TIẾP CẬN PHÁP LUẬT ĐỂ PHỤC VỤ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO

Ngày tạo:  13/03/2023 15:20:21
Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 quy định “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là nội dung tiêu chí thành phần 18.4. Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; tiêu chí 16 về tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

     Để được xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trước hết xã phải đạt chuẩn nông thôn mới, điều đó có nghĩa với việc xã đó đã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. 

Tiêu chí 16 về tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đặt ra một số yêu cầu (Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận; Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải thành; Tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu) cao hơn đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới và được xác định cụ thể tại Phần II Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP, bao gồm:

     1. Có mô hình điển hình về PBGDPL và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả.

     a) Mô hình điển hình về PBGDPL hoạt động hiệu quả.

Để xác định là mô hình điển hình về PBGDPL thì phải đáp ứng đầy đủ 03 yêu cầu sau đây:

- Tiêu chí 2 “Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật” theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP đạt điểm số tối đa.

Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, quy định Tiêu chí 2 “Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật” phải đạt 30 điểm tối đa. Căn cứ để xác nhận tiêu chí này đạt điểm tối đa được dựa vào Quyết định công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu do Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thẩm định.

- Huy động được nguồn lực hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nguồn lực hỗ trợ trong nội dung này được hiểu bao gồm nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất khác từ nguồn xã hội hóa (ngoài nhà nước). Việc hỗ trợ kinh phí hoặc nguồn lực khác từ cơ quan nhà nước cấp trên cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của xã không được tính là đáp ứng yêu cầu này.

Tài liệu làm căn cứ đánh giá: Văn bản của tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ (Thông báo, Công văn, Hợp đồng, Báo cáo…) về việc tài trợ, hỗ trợ, đóng góp nguồn lực (kinh phí, công sức, các điều kiện khác) phục vụ triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp huyện hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng; trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình này.

Việc hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng mô hình được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện thực hiện thông qua một trong các văn bản: Công văn, Kế hoạch, Chỉ thị, Thông báo kết luận, Báo cáo… của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tư pháp cấp huyện, trong đó có nội dung hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng mô hình. 

Việc xây dựng, triển khai, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới hiệu quả trong công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở đã được chỉ đạo, hướng dẫn trong các Kế hoạch, văn bản của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, tại điểm c tiểu mục 1, điểm c tiểu mục 2, mục I phần II Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP quy định một trong những yêu cầu của mô hình điển hình là “…trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình này”. Theo quy định này, đối tượng được khen thưởng là các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình PBGDPL, mô hình hòa giải ở cơ sở. Việc các tổ chức, cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở nói chung không được tính để xét điều kiện này.

      b) Mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả 

Để xác định là mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở thì phải đáp ứng đầy đủ 03 yêu cầu sau đây:

- 100% tổ hòa giải của xã được hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên đúng quy định pháp luật hòa giải ở cơ sở.

Cách tính tỷ lệ %: Tỷ lệ %= Số hòa giải được hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động của tổ hòa giải và thù lao hòa giải viên theo định mức tối đa/Tổng số tổ hòa giải của xã x 100%.

Mức hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động của tổ hòa giải và thù lao hòa giải viên được xác định theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức chi thực hiện công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn. Trong trường hợp chính quyền cấp tỉnh chưa ban hành văn bản về nội dung này, mức hỗ trợ kinh phí được xác định theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. 

  Tài liệu đánh giá gồm: Văn bản về việc hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải;  Hồ sơ, tài liệu thực hiện chi kinh phí hỗ trợ tổ hòa giải, thù lao hòa giải viên; Danh sách tổ hòa giải, hòa giải viên xác nhận được hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Có hoạt động phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật trong tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hòa giải.

  Việc phối hợp tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc hỗ trợ hòa giải có thể với một hoặc tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên; được thực hiện bằng hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn, hai bên cùng phối hợp tổ chức tập huấn hoặc phân công, cử cán bộ, báo cáo viên, chuyên gia tập huấn cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hòa giải. 

Tài liệu đánh giá: Hồ sơ, tài liệu (Kế hoạch, Giấy mời, Báo cáo kết quả tập huấn…) thể hiện sự phối hợp của một trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân (Tòa án nhân dân, Hội Luật gia, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự…) trong việc tập huấn, bồi dưỡng hòa giải viên hoặc hỗ trợ hòa giải cho tổ hòa giải; Báo cáo kết quả hòa giải, biên bản hòa giải, văn bản cho ý kiến (nếu có) thể hiện sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp huyện hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng; trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình này.

Việc hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng mô hình được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện thực hiện thông qua một trong các văn bản: Công văn, Kế hoạch, Chỉ thị, Thông báo kết luận, Báo cáo… của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tư pháp cấp huyện, trong đó có nội dung hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng mô hình. 

Đối tượng được khen thưởng là các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình hòa giải ở cơ sở. Trường hợp tổ chức, cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cơ sở nói chung không được tính để xét yêu cầu này.

       c) Một số nội dung lưu ý:

- Xã đạt tiêu chí về tiếp cận pháp luật phải có đồng thời mô hình điển hình về PBGDPL và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở. PBGDPL và hòa giải ở cơ sở là các lĩnh vực quản lý độc lập, được triển khai thực hiện bằng mô hình khác nhau, thông qua đó giúp người dân trên địa bàn tiếp cận, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật. Do đó, đối với mỗi lĩnh vực, xã phải có ít nhất 01 mô hình điển hình thì mới đạt được yêu cầu của tiêu chí về tiếp cận cận pháp luật.

- Quy trình công nhận các mô hình điển hình: Quyết định số 1723/QĐ-BTP không quy định riêng quy trình công nhận mà đưa ra các yêu cầu để đánh giá một mô hình PBGDPL hay mô hình hòa giải ở cơ sở đang được vận hành trên thực tế có hiệu quả hay không hiệu quả. Theo đó việc công nhận mô hình điển hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả đã được lồng ghép vào quy trình, thủ tục đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm tra, Sở Tư pháp thực hiện thẩm định mức độ đạt các yêu cầu của mô hình điển hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả (tổng hợp trong Báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn nông thôn nâng cao của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Báo cáo đánh giá, xác nhận mức độ đạt chuẩn đối với tiêu chí 16 về tiếp cận pháp luật của Sở Tư pháp) làm căn cứ để Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thảo luận, bỏ phiếu xét đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao theo quy định tại Điều 7, Điều  8 và Điều 9 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này nhằm tránh phát sinh các thủ tục cho địa phương trong đánh giá nông thôn mới.

        2. Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải thành đạt từ 90% trở lên

- Cách tính tỷ lệ % = (Tổng số vụ, việc hòa giải thành/Tổng số vụ, việc được thực hiện hòa giải ) x 100.

- Hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận.

- Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

Mâu thuẫn giữa các bên là mâu thuẫn do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác.

Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, như: tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn.

Vụ việc khác thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở là các vụ việc do vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP; vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính và những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

- Tài liệu đánh giá: Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; văn bản hòa giải thành; Báo cáo của Ủy ban nhân dân xã về kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.         

- Cơ quan thực hiện: Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo, hướng dẫn tổ hòa giải trên địa bàn rà soát, tổng hợp, báo cáo kết quả vụ, việc hòa giải thành và vụ, việc hòa giải không thành để tổng hợp, xác định tỷ lệ % phục vụ việc đánh giá, công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

       3. Tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu đạt tỷ lệ từ 90% trở lên

- Cách tính tỷ lệ % = (Tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý/Tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý có yêu cầu trợ giúp pháp lý) x 100.

Tổng số người dân thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý là tổng số người dân trong các vụ việc trợ giúp pháp lý đã được thụ lý theo quy định tại Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. 

Tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý có yêu cầu trợ giúp pháp lý là tổng số người dân có yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Ví dụ: Tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý là 30 người. Tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý có yêu cầu trợ giúp pháp lý là 60 người. Theo đó tỷ lệ (%) người dân thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu là (30/60) x 100 = 50%.

Trong trường hợp trên địa bàn xã có người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý nhưng không có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì tỷ lệ vẫn được tính tối đa để bảo đảm không ảnh hưởng đến tổng thể chung khi đánh giá, xếp loại xã nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, chỉ được tính tỷ lệ tối đa vì nguyên nhân khách quan mà không phải do địa phương không thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Tài liệu đánh giá: Số liệu về tổng số người thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý trên địa bàn xã được trợ giúp pháp lý do Trung tâm trợ giúp pháp lý tổng hợp và cung cấp; Số liệu về tổng số người thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý trên địa bàn xã có yêu cầu trợ giúp pháp lý do Trung tâm trợ giúp pháp lý tổng hợp và cung cấp.

- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đầu mối tổng hợp thông tin nêu trên. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để xác định tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý, tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý có yêu cầu trợ giúp pháp lý là công dân cư trú trên địa bàn xã để tính tỷ lệ % phục vụ việc đánh giá, công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Lưu ý: Việc thực hiện đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá xã nông thôn mới nâng cao không thực hiện theo một quy trình riêng như đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mà thực hiện cùng với quy trình đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

        4. Sử dụng số liệu phục vụ chấm điểm, đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật phục vụ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Khoản 4 Điều 2 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg quy định nguyên tắc sử dụng kết quả đánh giá đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như sau:

- Trong trường hợp tổ chức xét, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được tổ chức đồng thời với đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá.

- Trong trường hợp tổ chức xét, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được tổ chức trước thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề năm đánh giá hoặc sử dụng kết quả của năm đánh giá nhưng phải tuân thủ đúng quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP (Tại Quyết định số 1723/QĐ-BTP đã hướng dẫn việc số liệu phục vụ chấm điểm tiêu chí tiếp cận pháp luật tại mục IV của Hướng dẫn thì số liệu phục vụ chấm điểm tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đánh giá). 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.