THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ
   

Quy định về sở hữu chung trong pháp luật dân sự

Ngày tạo:  20/06/2024 14:48:11
Theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Dân sự năm 2015, sở hữu chung được định nghĩa là sở hữu chung của nhiều chủ thể đối với tài sản và được chia thành 2 loại gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.

          Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định chi tiết về các sở hữu chung như sau:

         - Sở hữu chung cộng đồng (Điều 211).

         - Sở hữu chung của các thành viên gia đình (Điều 212).

         - Sở hữu chung của vợ chồng (Điều 213).

         - Sở hữu chung trong nhà chung cư (Điều 214).

         - Sở hữu chung hỗn hợp (Điều 215).

         Quy định về sử dụng và định đoạt tài sản chung

        1. Về sử dụng sở hữu chung

        Điều 217 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

       - Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình.

      - Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung.

       2. Về định đoạt sở hữu chung

       Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

       - Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

      - Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

      - Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

       - Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

       - Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

      - Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

      - Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

     - Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật Dân sự 2015.

       3. Về phân chia sở hữu chung

       Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

      - Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

      - Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

     - Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

     4. Những trường hợp sở hữu chung chấm dứt

     Điều 220 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

   - Tài sản chung đã được chia.

   - Tài sản chung không còn.

   - Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung

   - Trường hợp khác theo quy định của luật.

 


Trường Giang
Nguồn tin: Bộ Luật Dân sự 2015

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.