THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
   

Sở Tư pháp Thanh Hóa tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật - Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong ngành Tư pháp Thanh Hóa năm 2022.

Ngày tạo:  07/10/2022 18:25:32
Nhằm hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022. Đồng thời thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng kiến thức pháp luật thuộc phạm vi ngành Tư pháp, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức, viên chức góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao và phát huy tinh thần chủ động học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trong đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp Thanh Hóa.

Trên cơ sở Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 05/10/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Chương trình công tác của Sở Tư pháp năm 2022, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 652/KH-STP ngày 05/10/2022 tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật - Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong ngành Tư pháp Thanh Hóa năm 2022,

Với yêu cầu việc tổ chức Cuộc thi phải đảm bảo nội dung thiết thực, phù hợp với năng lực và trình độ của đội ngũ công chức, viên chức. Đồng thời, huy động đông đảo công chức, viên chức ngành Tư pháp trên địa bàn tỉnh tham gia. Công tác tổ chức Cuộc thi được tiến hành chặt chẽ, chú trọng chất lượng và hiệu quả. Sở Tư pháp đã quyết định lấy tên gọi của Cuộc thi là Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật - Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong ngành Tư pháp Thanh Hóa năm 2022.

Đối tượng dự thi là toàn thể công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. 

Về nội dung thi: Tìm hiểu về mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tìm hiểu pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật; pháp luật về hòa giải ở cở sở và các quy định về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi viết (đánh máy hoặc viết tay), các đối tượng dự thi sẽ viết bài theo nội dung thi và nộp về Ban tổ chức.

Thời gian dự thi: Cuộc thi được tổ chức phát động trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp bắt đầu từ ngày 05/10/2022 đến ngày 25/10/2022.

Sở Tư pháp sẽ tặng Giấy khen và tiền thưởng cho 01 giải nhất, 03 giải nhì; 06 giải ba; 10 giải khuyến khích; Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 03 giải phụ cho Thí sinh có bài dự thị trình bày xuất sắc nhất, thí sinh trẻ tuổi nhất và thí sinh cao tuổi nhất đã tích cực tham gia cuộc thi.

Trên cơ sở Kế hoạch tổ chức Cuộc thi, Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 197/QĐ-STP ngày 05/10/2022 thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật - Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong ngành Tư pháp Thanh Hóa năm 2022, theo đó Ban Tổ chức Cuộc thi do 01 đồng chí Phó Giám đốc Sở làm Trưởng Ban, ngoài ra các thành viên Ban Tổ chức còn có các đồng chí thuộc phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Lãnh đạo Văn phòng Sở, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Bí thư Đoàn thanh niên.

Để tổ chức Cuộc thi, Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 199/QĐ-STP ngày 07/10/2022 ban hành Thể lệ Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật - Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong ngành Tư pháp Thanh Hóa năm 2022. Cùng ngày 07/10/2022, Sở Tư pháp đã có Thông báo số 660/TB-STP về Bộ câu hỏi Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật - Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong ngành Tư pháp Thanh Hóa năm 2022. Bộ câu hỏi gồm:

1. Đối với câu hỏi trắc nghiêm, có 10 câu:

Câu 1: Khẳng định nào sau đây là đúng?

Một trong những nguyên tắc thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là:

a. Lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

b. Lấy Nhân dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

c. Lấy Nhân dân ở cơ sở làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Câu 2: Khẳng định nào sau đây là đúng?

Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi:

a. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên.

b. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên.

c. Trong năm đánh giá không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

d. Tất cả các điều kiện trên.

Câu 3: Khẳng định nào sau đây là đúng?

a. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

b. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước các cấp.

c. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của đội ngũ công chức ngành Tư pháp và báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.

Câu 4: Khẳng định nào sau đây là đúng?

Theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 thì:

a. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

b. Nhân dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

c. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật.

Câu 5: Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở những cấp nào?

a. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

b. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

c. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Câu 6: Khẳng định nào sau đây là đúng?

a. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

b. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân.

c. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Câu 7: Đâu không phải là nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở?

a. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

b. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

c. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

d. Tất cả các tranh chấp trên địa bàn đều được hòa giải viên giải quyết.

Câu 8. Hòa giải ở cơ sở không được tiến hành đối với các trường hợp nào?

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;

d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

 đ) Tất cả các trường hợp trên.

          Câu 9. Đâu không phải là tiêu chuẩn của hòa giải viên?

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

          a. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

          b. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

          c. Có thâm niên công tác trong các lĩnh vực xã hội, hoặc pháp luật.

        Câu 10. Đâu là quy định đúng của pháp luật về tổ hòa giải?

a. Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

b. Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

c. Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Số lượng Hòa giải viên do UBND cấp xã quyết định, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

2. Đối với câu hỏi tự luận, có 04 câu:

Câu 1: Nêu mục đích, ý nghĩa đối với quy định của pháp luật về Ngày pháp luật Việt Nam. Liên hệ thực tiễn và đề xuất giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ này? 

Câu 2: Trình bày mục đích, ý nghĩa của việc triển khai Luật phổ biến giáo dục pháp luật. Liên hệ thực tiễn và đề xuất giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ này? 

Câu 3: Trình bày các quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đang có hiệu lực). Liên hệ thực tiễn và đề xuất giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ này? 

Câu 4: Trình bày mục đích, ý nghĩa của việc triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở. Liên hệ thực tiễn và đề xuất giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ này? 

Việc tổ chức Cuộc thi là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 của Sở Tư pháp, do đó để Cuộc thi thu được nhiều kết quả, lan tỏa ý nghĩa tích cực và sâu rộng tới đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp Thanh Hóa, ngày 07/10/2022 Giám đốc Sở Tư pháp đã có Công văn số 1807/STP-PBGDPL phát động Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật - Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong ngành Tư pháp Thanh Hóa năm 2022 đến toàn thể công chức, viên chức Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã phát huy vai trò, trách nhiệm tích cực tham gia Cuộc thi nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam. 

Cuộc thi được tổ chức không chỉ là đợt sinh hoạt pháp luật rộng khắp của đội ngũ công chức ngành Tư pháp mà kết quả của Cuộc thi sẽ là hành động thiết thực để hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của ngành Tư pháp Thanh Hóa./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.