THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
   

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư phục vụ phát triển

Ngày tạo:  14/03/2024 09:54:02
Để tạo cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thành phố Sầm Sơn xác định một trong những khâu đột phá là tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền điện tử nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

      Để thực hiện mục tiêu trên, công tác cải cách thủ tục hành chính đã và đang được thành phố chú trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, 100% các đơn vị trên địa bàn đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử. Trong năm 2023, tổng số văn bản đến được theo dõi trên phần mềm TDOffice là hơn 18.930 văn bản, tổng số văn bản đi là hơn 11.376 văn bản. Tại Bộ phận Một cửa thành phố, tổng số thủ tục hành chính tiếp nhận trong năm2023 là 11.627 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 10.817 hồ sơ (đạt 93,03%); hồ sơ giải quyết quá hạn là 62 hồ sơ (chiếm 0,53%, thuộc lĩnh vực đất đai); số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 405 hồ sơ (chiếm 3,48%); hồ sơ đang giải quyết quá hạn là 40 hồ sơ (chiếm 0,34%, thuộc lĩnh vực đất đai); hồ sơ chờ bổ sung là 250 hồ sơ (chiếm 2,15%); hồ sơ trả lại/xin rút là 53 (chiếm 0,46%).

       

Bộ phận một cửa, Ủy ban nhân dân Thành phố Sầm Sơn.

      Bên cạnh trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, việc nâng cao chất lượng điều hàn kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, phục vụ phát triển doanh nghiệp cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, năm 2023, Sầm Sơn đứng thứ 3/27 huyện, thị xã, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với điểm số 77,44; đứng thứ nhất về chỉ số tính năng động và vai trò của người đứng đầu, với điểm số 9,88 (theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh
cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2022, ngày 24/4/2023 của UBND tỉnh). Có thể nói, kết quả rất tích cực kể trên đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính. 

      Cùng với đó, để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, TP Sầm Sơn đã tập trung cao độ và thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo đó, thành phố đã kịp thời giải
quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện GPMB; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án… Nổi bật trong đó phải kể đến việc thành phố đã hoàn thành bồi thường GPMB dự án trọng điểm Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội; cơ bản hoàn dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương – Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn) theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT); 
dự án đường giao thông từ ngã ba Voi (TP Thanh Hóa) đi TP Sầm Sơn. Năm 2023, tổng số dự án cam kết tiến độ GPMB của thành phố là 24 dự án, với tổng diện tích 61,8 ha. Kết quả tính đến ngày 12/12/2023, thành phố đã tổ chức đo đạc, kiểm đếm 71 ha, đạt 115% so với kế hoạch; lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB 70 ha, đạt 113% so với kế hoạch và tổ chức chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB được 63,3 ha, đạt 103% so với kế hoạch, vượt chỉ tiêu GPMB theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Ngoài ra, cũng trong năm 2023, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án, điển hình như dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn; dự án khu đô thị Quảng trường biển; dự án khu vui chơi giải trí Nam Sông Mã; dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Sông Đơ; dự án khu đô thị biển Đông Á; dự án biệt thự Hùng Sơn…Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố.

     

       Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Sầm Sơn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025. Do vậy, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm lớn nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thành phố tiếp tục xác định một nhiệm vụ, cũng đồng thời là giải pháp trọng tâm, đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, thành phố sẽ tập trung thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Tiếp tục thực hiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của thành phố, nhằm duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu của toàn tỉnh.

Để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn, thành phố chú trọng việc gặp gỡ, đối thoại để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tập trung giải quyết, tháo gỡ các nút thắt về đất đai, hạ tầng, thủ tục hành chính… nhằm để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào địa bàn, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm và tiềm năng tài chính lớn. Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 13/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 139-KH/TU ngày 3/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

      

       Song song với đó là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực về vốn, đất đai, công nghệ. Khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp… Qua đó, phấn đấu trong năm 2024, thành phố sẽ thành lập mới được trên 150 doanh nghiệp.

     Ngoài ra, để xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ động giải quyết các vụ việc mới phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện tồn đọng, kéo dài. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình gây cản trở, khó khăn trong quá trình xử lý công việc... 

 

 

 


Trường Giang

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.