THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ CÔNG THƯƠNG
   

Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam

Ngày tạo:  05/06/2024 09:59:29
Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.

        Quốc tịch được hiểu là mối quan hệ pháp lý - chính trị có tính chất lâu dài, bền vững, ốn định cao về mặt thời gian, không bị giới hạn về mặt không gian giữa cá nhân cụ thể với chính quyền nhà nước nhất định. Chính vì thế Quốc tịch là chế định cơ bản của Luật quốc tịch thể hiện về địa vị pháp lý của công dân, là tiền đề pháp lý bắt buộc để cá nhân có thể đuợc hưởng các quyền và nghĩa vụ công dân của nhà nước.

          Đối với quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.

          Theo Luật Quốc tịch 2008 thì Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam và ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam (trừ trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi đó). 

          Vấn đề về nguyên tắc quốc tịch được pháp luật quy định: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.", như vậy, pháp luật nước ta đã xác định rõ nguyên tắc một quốc tịch để đảm bảo thống nhất trong quản lý và bảo đảm quyền lợi cho công dân, tuy nhiên, trong xu thế phát triển hội nhập, sự giao thoa giữa các nền văn hóa, giao lưu trong phát triển kinh tế, để thuận lợi cho người dân cũng như hiệu quả trong quản lý điều hành thì pháp luật cũng đã tạo cơ chế riêng để đảm bảo công dân có quyền có nhiều quốc tịch, nhưng phải được pháp luật quy định.

          Qua tìm hiểu nội dung này ta thấy:  Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi 2014 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật quốc tịch Việt Nam 2008 có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

          Đối với trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài: Theo Khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định, người nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài (trong các trường hợp: Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Theo Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định, người xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài và trình Chủ tịch nước xem xét nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. (Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.) Như vậy, người có quốc tịch nước ngoài vẫn có thể nhập quốc tịch Việt Nam mà không mất quốc tịch nước ngoài nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

          Đối với trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài: Theo Khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định, người được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài (trong các trường hợp sau đây: Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Theo Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài và trình Chủ tịch nước xem xét nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện (Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

          Như vậy, người trước đây có quốc tịch Việt Nam nhưng đã chuyển sang quốc tịch nước ngoài thì vẫn có thể xin trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời vẫn giữ song song với quốc tịch nước ngoài nếu thuộc một trong các trường hợp trên.

          Đối với trường hợp Trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì Theo Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định: Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy, trong trường hợp trẻ em là người mang quốc tịch Việt Nam được công dân nước ngoài nhận nuôi thì pháp luật Việt Nam vẫn cho phép trẻ em mang hai quốc tịch.

          Qua những quy định trên ta có thể xác định, Nhà nước Việt Nam hiện nay công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và công dân nếu rơi vào các trường hợp trên thì có thể có thêm quốc tịch của nước khác ngoài quốc tịch Việt Nam.

          Trên cơ sở công dân có quốc tịch Việt Nam thì nhà nước ta đã quy định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, trong đó xác định người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam và công dân Việt Nam được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước. Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

          Đồng thời pháp luật cũng quy định Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó.

          Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.

          Để tạo điều kiện và bảo vệ tối đa quyền lợi của công dân, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo đúng quy định.

          Với những trường hợp việc kết hôn, ly hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự và con chưa thành niên của họ (nếu có). Việc vợ hoặc chồng nhập, trở lại hoặc mất quốc tịch Việt Nam không làm thay đổi quốc tịch của người kia.

          Có nhiều loại giấy tờ có thể chứng minh quốc tịch Việt Nam như:  Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân: Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

          Người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:

          - Do sinh ra (Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam; Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam, trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam; Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam, Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam).

           - Được nhập quốc tịch Việt Nam; Được trở lại quốc tịch Việt Nam; Theo các quy định trong các trường hợp (Trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Các trẻ em này chưa đủ 15 tuổi không còn quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài; Chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài; Đối với trường hợp Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ. Khi chỉ cha hoặc mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam hoặc mất quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ. Trường hợp cha hoặc mẹ được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam, nếu cha mẹ không thỏa thuận bằng văn bản về việc giữ quốc tịch nước ngoài của người con; Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi).

          - Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

          Như vậy việc xác định có quốc tịch Việt Nam có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng đối với từng cá nhân trong xã hội, bởi vì quốc tịch Việt Nam là căn cứ, dấu hiệu nói lên mối quan hệ của một cá nhân đối với nhà nước Viêt Nam. Đây là mối quan hệ pháp lý có tính hai chiều giữa cá nhân là công dân với quốc gia. Về phía nhà nước, xác lập quốc tịch chính là hành vi thực hiện chủ quyền của quốc gia đối với dân cư, bởi vì, về mặt pháp lý, quốc tịch chính là căn cứ để xác định giới hạn thẩm quyền tài phán của nước ta trong các mối quan hệ pháp luật, đồng thời thể hiện ranh giới chủ quyền giữa nước ta với các quốc gia khác trong quan hệ quốc tế.

Với những quy định của pháp luật về quốc tịch có thể khẳng định vấn đề quốc tịch theo Luật Quốc tịch 2008 và được sửa đổi bổ sung năm 2014, cũng như các văn bản pháp luật có liên quan thì Quốc tịch là một khái niệm, một phạm trù chính trị - pháp lý xác định một mối quan hệ giữa cá nhân một con người với một Nhà nước nhất định. Quan hệ này cho phép xác định con người nào đó là công dân của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những điều kiện và quy định cụ thể. Mối liên hệ pháp lý này được biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó đối với quốc gia Việt Nam mà họ mang quốc tịch và tổng thể quyền và nghĩa vụ của Việt Nam đối với công dân của mình. Quốc tịch đó gắn liền với mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đi (nếu như không có sự thay đổi theo quy định) và là tiền đề để họ được hưởng các quyền công dân và làm nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.