THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ GIAO THÔNG - VẬN TẢI
   

Tìm hiểu một số quy định của Luật giá 2023 và việc ban hành các văn bản pháp luật có liên quan hướng dẫn thi hành.

Ngày tạo:  27/08/2024 09:48:40
Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2023. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Giá năm 2013.

      Để đảm bảo thi hành thống nhất các quy định của Luật Giá, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã ban hành hàng loạt các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành như: Nghị định 78/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Nghị định 85/2024/NĐ-CP ngày 10/07/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/07/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá;Thông tư số 28/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 30/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 quy định các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, Phạm vi công việc thẩm định giá, Cơ sở giá trị thẩm định giá, Hồ sơ thẩm định giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 31/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 quy định chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 32/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 quy định các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận thị trường, Cách tiếp cận chi phí, Cách tiếp cận từ thu nhập do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 34/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 quy định về thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 36/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 37/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 quy định chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 38/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 39/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và cấp chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 42/2024/TT-BTC ngày 16/05/2024 Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. 

          Luật giá năm 2023 có quy định những điểm mới như: quy định về việc bổ sung nguyên tắc áp dụng Luật Giá và Luật khác có liên quan. Theo đó, trường hợp có quy định khác nhau về giá giữa Luật Giá và luật khác được ban hành trước ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Giá, trừ trường hợp (bao gồm: Giá đất; giá nhà ở; giá điện và các dịch vụ về điện; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được, tiền đền bù đối với quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao theo quyết định bắt buộc) thì được thực hiện theo quy định tại pháp luật chuyên ngành.

          Luật Giá 2023 đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá theo từng nhóm đối tượng cụ thể, đó là:

          - Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá;

          - Đối với cá nhân, tổ chức;

          - Đối với doanh nghiệp thẩm định giá;

          - Đối với thẩm định viên về giá;

          - Đối với hội đồng thẩm định giá; thành viên hội đồng thẩm định giá:

          - Đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá:

          Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, Luật bổ sung hành vi mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá. Đối với cá nhân, tổ chức, Luật bổ sung các hành vi: Cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá giả cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc sử dụng chứng thư đó cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá. Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, Luật bổ sung các hành vi: cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; Phát hành khống chứng thư thẩm định giá; Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá…

          Luật Giá 2023 đã ban hành kèm theo 2 danh mục hàng hóa, dịch vụ đó là Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

          Đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Luật Giá 2023 đã bổ sung mặt hàng phân DAP, thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản. Theo đó, Danh mục tại Luật sẽ gồm 9 hàng hóa, dịch vụ là: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Phân đạm, phân DAP, phân NPK; Thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản; Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Thuốc bảo vệ thực vật; Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

          Đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Luật Giá 2023 đã quy định cụ thể các hàng hóa, dịch vụ, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ như dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống cho sản xuất điện, dịch vụ kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…, đồng thời đưa ra khỏi danh mục sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước, dịch vụ quy hoạch.

          Để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn, Luật Giá 2023 cũng đã quy định trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

          Luật Giá 2023 đã bổ sung tiêu chí hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

          Tại Điều 28 của Luật Giá 2023 đã quy định cụ thể về kê khai giá, bao gồm các vấn đề về giá kê khai; hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai; nội dung kê khai giá; đối tượng thực hiện kê khai giá; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong kê khai giá và tổ chức kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng kê khai giá.

          Với những quy định của Luật Giá 2023 và các văn bản pháp luật có liên quan, đã quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò quản lý nhà nước; xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp. Đồng thời pháp luật đã Khắc phục những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính. 

                


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.