THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ XÂY DỰNG
   

PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC MỘT SỐ HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN MIỆNG PHÁP LUẬT

Ngày tạo:  24/02/2022 11:54:18

PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC MỘT SỐ HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN MIỆNG PHÁP LUẬT

 

  1. Mở các lớp tập huấn

Nội dung tập huấn có thể là một văn bản pháp luật quan trọng kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành hoặc nhiều văn bản pháp luật độc lập. Những văn bản pháp luật này có thể là văn bản tuyên truyền lần đầu hoặc là văn bản được tuyên truyền lặp lại. Học viên của lớp tập huấn là những báo cáo viên, biên tập viên, phóng viên, cán bộ thi hành pháp luật, cán bộ quản lý trong lĩnh vực văn bản điều chỉnh.

Ở các lớp tập huấn, giảng viên không chỉ giới thiệu về các nội dung cơ bản của văn bản mà phải đi sâu vào những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực nghiệp vụ nhất định: thẩm quyền của các chủ thể, các biện pháp quản lý, thủ tục tiến hành các công việc. Chú trọng đổi mới phương pháp tập huấn, kết hợp phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại, lấy người học là trung tâm, áp dụng phương pháp tích cực, mọi người cùng tham gia, có sự trao đổi qua lại giữa học viên và giảng viên, huy động tính tích cực tham gia của học viên, giảng viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học viên vừa học lý thuyết vừa thực hành; kết hợp với các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, băng hình để buổi tập huấn sinh động, người học dễ tiếp thu, thuộc bài ngay tại lớp và biết vận dụng thành thạo trong thực tiễn

Việc tổ chức các lớp tập huấn có thể ở quy mô lớn (mấy trăm người) cũng có thể ở quy mô nhỏ (mấy chục người). Lưu ý cần bố trí thời gian để triệu tập được đúng, đủ học viên, có quy chế để việc học tập được nghiêm túc. Cũng cần tổ chức viết thu hoạch hoặc kiểm tra, tổ chức đánh giá kết quả tập huấn (qua phiếu, phỏng vấn trực tiếp…), cấp chứng chỉ để kích thích ý thức và tinh thần học tập của học viên. Về hình thức nên có trang trí, khai mạc, bế mạc để lớp học trang trọng và tăng tính hiệu quả.

2. Nói chuyện chuyên đề về pháp luật

Một buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật thường là một buổi nói về một lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quản lý... gắn với một số chế định, ngành luật. Một buổi nói chuyện chuyên đề thường không đóng khung trong phạm vi pháp luật, trong khuôn khổ một vấn đề khép kín mà mở ra nhiều lĩnh vực có liên quan, nhiều hướng suy nghĩ. Chính vì thế, các buổi nói chuyện chuyên đề thường thu hút được đông đảo báo cáo viên pháp luật, cán bộ nghiên cứu, cán bộ xây dựng pháp luật, cán bộ tuyên truyền pháp luật, hòa giải viên, thành viên các Câu lạc bộ pháp luật... tham gia.

Báo cáo viên trong các buổi nói chuyện chuyên đề phải là người có kiến thức chuyên ngành sâu rộng về lĩnh vực được trình bày và am hiểu pháp luật.

Khi tổ chức một buổi nói chuyện chuyên đề nói chung và chuyên đề pháp luật nói riêng, người ta thường gắn vào các sự kiện chính trị, thời sự, những ngày có ý nghĩa lịch sử...

3. Lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật vào một buổi họp

Do đối tượng dự, buổi họp rất đa dạng, có thể là cán bộ, công chức; người quản lý doanh nghiệp; người lao động; người dân ở thôn, bản, tổ dân phố, cho nên tùy từng đối tượng mà người tuyên truyền lựa chọn nội dung pháp luật để lồng ghép cho phù hợp. Nội dung pháp luật được truyền tải có thể trên cơ sở kế hoạch của cấp trên hoặc có thể do cán bộ tuyên truyền đề xuất trên cơ sở tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Khi lồng ghép nội dung pháp luật vào một buổi họp, điểm quan trọng bậc nhất là cách đặt vấn đề với người nghe. Cần đặt vấn đề sao cho người nghe thấy rằng vì sự quan trọng và cấp thiết của việc tuyên truyền văn bản pháp luật lồng ghép vào hội nghị, cuộc họp này chứ không phải “nhân thể” hội nghị, cuộc họp này mà phổ biến văn bản. Nếu có thể được, người nói công bố việc tuyên truyền pháp luật là một nội dung trong chương trình cuộc họp hoặc công bố chương trình cuộc họp trước cho người dự cuộc họp. Một việc quan trọng nữa là xác định thời điểm, bối cảnh để phổ biến pháp luật sao cho hợp lý nhất để người nghe dễ tiếp thu và tạo không khí thoải mái cho người nghe. Qua đó, việc lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào cuộc họp sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

4. Tuyên truyền miệng cá biệt

Tuyên truyền miệng cá biệt là hình thức tuyên truyền miệng về pháp luật mà đối tượng (người nghe) chỉ có một hoặc vài ba người. Nếu như tuyên truyền trong hội nghị cung cấp cho người nghe hiểu biết chung về pháp luật thì tuyên truyền cá biệt thường cung cấp cho người nghe những nội dung pháp luật cụ thể; vận dụng pháp luật trong những trường hợp, hoàn cảnh cụ thể mà người nghe đang quan tâm. Hình thức tuyên truyền này thường được sử dụng trong trường hợp người thừa hành pháp luật làm việc với đối tượng của mình; người tư vấn pháp luật hướng dẫn, giải thích cho người được tư vấn; cán bộ trợ giúp pháp lý hướng dẫn, trợ giúp pháp luật cho người được trợ giúp...

Trong tuyên truyền cá biệt, người nói thường ở vị trí “có lợi” đối với người nghe. Nhưng không vì thế mà trong khi thực hiện nhiệm vụ, người nói có thái độ áp đặt, lời nói mệnh lệnh đối với họ mà phải làm cho họ thực sự hiểu, tin, tôn trọng pháp luật, từ đó tự giác tuân thủ pháp luật. Muốn vậy người nói phải căn cứ từng đối tượng mà có biện pháp tuyên truyền thích hợp; tìm hiểu sâu hoàn cảnh, truyền thống của gia đình họ, vận dụng đạo lý, phong tục, tập quán, mục đích, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật để giải thích, thuyết phục họ.

Để chuẩn bị cho buổi tuyên truyền cá biệt đạt kết quả, cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật cần chuẩn bị các nội dung sau đây:

- Các quy định pháp luật liên quan đến sự việc của đương sự;

- Dự kiến tình huống, câu hỏi mà đương sự có thể hỏi, chất vấn;

- Phong tục, tập quán ở địa phương, đạo lý và những kiến thức xã hội có thể phải vận dụng;

- Nhân thân đương sự: Hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của đương sự trước đây; điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống gia đình, nguyện vọng ... của đương sự.

Khi tuyên truyền cá biệt đòi hỏi phải vận dụng kỹ năng tuyên truyền miệng hết sức tinh tế. Người nói còn phải là người nhạy cảm, tâm lý và có kinh nghiệm trong công tác này. Bên cạnh đó, để thuyết phục người nghe, tin ở pháp luật thì người nói phải thể hiện để người nghe tin mình là một cán bộ, công chức tốt (không có biểu hiện tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà, có trách nhiệm với công việc, liêm khiết...). Trong khi tuyên truyền miệng cá biệt, những quy tắc tuyên truyền hội nghị không thể áp dụng một cách cứng nhắc, thậm chí học hàm, học vị, chức vụ... của người nói không có ý nghĩa lớn đối với người nghe.

Điều quan trọng nhất là người nói phải tạo được lòng tin, sự tôn trọng của người nghe; làm sao để người nghe tin rằng vận dụng pháp luật vào điều kiện, hoàn cảnh này là hoàn toàn chính xác. Như vậy, nếu một buổi tuyên truyền pháp luật ở hội nghị nhằm đạt yêu cầu chung là nâng cao niềm tin, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người nghe bằng cách cung cấp các hiểu biết, nhận thức chung về pháp luật cho họ thì tuyên truyền cá biệt có mục đích cao hơn là thông qua việc vận dụng pháp luật vào một hoàn cảnh, sự việc cụ thể để nâng cao niềm tin, ý thức chấp hành pháp luật của người nghe. Để đạt được mục đích, yêu cầu này người nói không những phải am hiểu pháp luật, hiểu biết đời sống xã hội mà phải có sự cảm thông sâu sắc với cuộc sống của đối tượng. Đôi khi, trong quá trình tuyên truyền cá biệt người nói cần phải tâm sự chân tình, chia sẻ với người nghe về hoàn cảnh của họ; có những lời khuyên, động viên một cách chân thành, tình cảm để tạo sự tin tưởng, yêu mến của người nghe với mình. Đó là những yếu tố cơ bản để thuyết phục đối tượng.

 



File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.