THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

THANH TRA TỈNH
   

Một số kết quả nổi bật của công tác trợ giúp pháp lý Thanh Hóa trong quá trình triển khai và thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Ngày tạo:  12/10/2022 10:28:55
Trong 5 năm qua (từ năm 2017 đến năm 2022) công tác Trợ giúp pháp lý Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật

Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai và thi hành có hiệu quả, công tác trợ giúp pháp lý đã dần chuyển về đúng bản chất vốn có của nó, không “lấn sân” sang thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực tế đã minh chứng, số lượng vụ việc, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng đã tăng lên đáng kể. Đối với các trợ giúp viên pháp lý, 100% các Trợ giúp viên đã thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và hoàn thành chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao. Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cũng ngày càng tăng lên, có nhiều vụ việc hiệu quả giúp người được trợ giúp pháp lý được tuyên mức án nhẹ hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. 

          Có thể nói, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Thanh Hóa đang dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình, được các cơ quan tiến hành tố tụng, người được trợ giúp pháp lý ghi nhận và đánh giá cao. Từ những kết quả thực tiễn trong thời gian qua đã củng cố thêm định hướng tập trung vào vụ việc, nhất là vụ việc tham gia tố tụng - chính là thời điểm mà người được trợ giúp pháp lý cần sự giúp đỡ của Nhà nước nhất là hoàn toàn đúng đắn. Đến nay, cơ sở pháp lý cho sự phát triển bền vững của công tác trợ giúp pháp lý đã tương đối đầy đủ. Công tác này được ổn định, dần đi vào chiều sâu, thực chất, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án Hình sự, Dân sự... được người dân tin tưởng.

          Trong 5 năm qua (từ năm 2017 đến năm 2022) công tác Trợ giúp pháp lý Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật có thể chỉ ra trong số đó là:

          Về kết quả vụ việc trợ giúp pháp lý:

          - Từ năm 2018 đến 2021, Trung tâm TGPL đã thực hiện 2.777 vụ việc, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng là 2.734 vụ việc. Số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành từ khi thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến nay liên tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước: Năm 2018 là 516 vụ việc; năm 2019 là 541 vụ việc; năm 2020 là 645 vụ việc; năm 2021 là 796 vụ việc và 6 tháng đầu năm 2022 là 236 vụ việc. 

          - Đánh giá việc tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý trong năm 2018 và năm 2019: Các Trợ giúp viên pháp lý đều tích cực tham gia thực hiện vụ việc, 100% Trợ giúp viên pháp lý đều hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp yêu cầu, trong đó, số Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt chiếm tỷ lệ: 48% (năm 2018), 50% (năm 2019); 55% (năm 2020) và 59% (năm 2021). 

          - Đánh giá về kết quả của việc quản lý, thẩm định và đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý: Từ khi triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý 2017, hàng năm Trung tâm trợ giúp pháp lý đều thành lập cá Tổ thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo đó, 100% vụ việc hoàn thành đều được thẩm định đánh giá chất lượng trước khi thanh toán. Tỷ lệ vụ việc đạt chất lượng tốt chiếm trên 80%. Ngoài ra, hàng năm Sở Tư pháp cũng thành lập Hội đồng để đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo đó, Hội đồng đánh giá chất lượng Sở Tư pháp sẽ đánh giá trung bình mỗi năm từ 50- 70 vụ việc. Qua kiểm tra, thẩm định, Đoàn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp không phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ các hồ sơ trợ giúp pháp lý được lựa chọn đánh giá. Số hồ sơ đạt chất lượng tốt chiếm trên 80%. 

          Về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý:

          - Về phát triển đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý. Hiện nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hóa có 24 Trợ giúp viên pháp lý, chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Đối với đội ngũ luật sư thực hiện TGPL, năm 2021, Trung tâm TGPL đã ký hợp đồng với 4 luật sư. Tuy nhiên sau 01 năm hoạt động, chỉ có 01 Luật sư thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và có nhu cầu ký tiếp hợp đồng, còn lại 3 luật sư đã chấm dứt hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. 

          - Về công tác bồi dưỡng. Hàng năm, 100% các Trợ giúp viên pháp lý đều được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng trợ giúp pháp lý. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm TGPL đã tổ chức 16 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng và trao đổi chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và các Chuyên viên pháp lý của Trung tâm với hơn 900 lượt người tham dự. Thông qua việc tổ chức các Hội nghị tập huấn, các lớp bồi dưỡng, tổ chức các buổi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, các Trợ giúp viên pháp lý có cơ hội trau dồi kiến thức và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, qua đó nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đối tượng trợ giúp pháp lý, bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. 

          - Số lượng viên chức được cử tham gia bồi dưỡng đào tạo nghề luật sư: 03 viên chức; Số lượng viên chức đã và đang tham gia tập sự trợ giúp viên pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý: 04 viên chức; Số lượng Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý: 02 viên chức. 

          - Số lượng Trợ giúp viên pháp lý được cử tham gia bồi dưỡng các chức danh nghề nghiệp hạng II: 04 Trợ giúp viên.

          Việc huy động lực lượng xã hội tham gia trợ giúp pháp lý đã được quan tâm hiện nay có 01 Công ty Luật đã ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và 01 luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý. 

          Kết quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý: Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng tới công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý để ngày càng có nhiều người dân biết đến hoạt động của Trung tâm và tìm đến Trung tâm để được TGPL, cụ thể: Từ năm 2018 đến 30/6/2022, Trung tâm TGPL đã tổ chức 622 đợt truyền thông về TGPL, biên soạn 933 chuyên mục để phát trên Đài phát thanh của các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, lắp đặt 699 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng tại cấp tỉnh và 27 huyện, thị, thành phố, trụ sở tiếp công dân UBND 27 huyện, thị, thành phố và 559 xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh; in 840 Tờ thông tin TGPL, In ấn biên soạn 435.600 tờ gấp pháp luật. Hàng năm, Trung tâm TGPL đều phối hợp với Báo Thanh Hóa viết các bài về vụ việc trợ giúp pháp lý do các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoặc đưa tin về hoạt động trợ giúp pháp lý, giới thiệu về đối tượng được TGPL (mỗi tháng 01 bài); Phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh làm phóng sự về hoạt động TGPL (mỗi năm trung bình từ 3- 4 phóng sự); duy trì đường dây nóng về TGPL hoặc thông qua các cơ quan khác như Hội nông dân, Hội phụ nữ; Đoàn thanh niên để giới thiệu đối tượng đến với Trung tâm.

          Công tác phối hợp trong hoạt động TGPL: Trung tâm TGPL luôn tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trên địa bàn toàn tỉnh trong việc giới thiệu đối tượng được trợ giúp pháp lý đến với Trung tâm và Chi nhánh để được trợ giúp pháp lý, mục đích là tất cả các đối tượng được trợ giúp pháp lý đều được trợ giúp khi có vướng mắc pháp luật. Ngoài ra, Trung tâm còn tích cực phối hợp với tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp ở địa phương như Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh. 

          Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý, cụ thể trong việc cập nhật thông tin, tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý, cập nhật vụ việc trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, đối với việc cập nhật thông tin vụ việc trợ giúp pháp lý trên hệ thống phần mềm Cục trợ giúp pháp lý nhiều khi phần mềm quản lý vụ việc bị lỗi và chưa hoàn thiện một số chức năng như biểu số 24 phần tổng số và chia theo các đối tượng không khớp nhau dẫn tới công tác thống kê báo cáo gặp khó khăn; chưa có chức năng để quản lý, kiểm soát việc chậm cập nhật vụ việc hoàn thành.

          Các hoạt động khác: Trong thực hiện nhiệm vụ Trung tâm trợ giúp pháp lý luôn quan tâm đặc biệt đến nhóm đối tượng đặc thù trên địa bàn như người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người dân tộc thiểu số, trẻ em; trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực giới...Các nhóm đối tượng này họ có những hạn chế và đặc thù riêng nên hàng năm Trung tâm đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng đặc thù cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.

          Những thành tích của Trung tâm tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ghi nhận và ngày 07 tháng 10 năm 2022 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3358/QĐ-UBND tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2022 gồm:

          1. Bà Nguyễn Thị Ngà, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp; 

          2. Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ I, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp; 

          3. Bà Lê Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ II, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp; 

        4. Ông Đặng Văn Đương, Trưởng Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp; 

          5. Ông Trịnh Đình Hợp, Trưởng Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 6, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp; 

          6. Ông Lê Khắc Hải, Phụ trách Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 3, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp.

          Giám đốc Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 184/QĐ-STP ngày 09/9/2022 tặng Giấy khen cho 11 cá nhân thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, có thành tích đóng góp cho công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2022.

          Với sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Sở Tư pháp, sự ghi nhận của UBND tỉnh về những thành tích của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hóa, việc tạo điều kiện của các cơ quan tố tụng cũng như cơ quan liên quan, đặc biệt là sự tin yêu của Nhân dân đối với đội ngũ trợ giúp viên và công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ là nguồn động viên, cổ vũ để Trợ giúp pháp lý Thanh Hóa tiếp tục vượt qua những khó khăn thử thách, đồng hành cùng Nhân dân đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội để bảo vệ công lý bảo vệ quyền lợi cho nhân dân và các đối tượng của Trợ giúp pháp lý, thiết thực góp phần vào sự ổn định chính trị. xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.