Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh và là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, trong 06 tháng đầu năm 2025, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương triển khai, thực hiện PBGDPL liên quan đến công tác trẻ em và đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản liên quan đến trẻ em như: Bộ Luật Hình sự; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Hộ tịch; Luật Bảo hiểm y tế; Bộ luật Lao động …Tăng cường các hoạt động truyền thông, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các sở, ngành có liên quan triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em bằng nhiều hình thức; công tác đăng ký, quản lý về đăng ký khai sinh cho trẻ em được quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Thực tế hiện nay các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra trong cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình có tính chất phức tạp, nghiêm trọng. Các kiểu bạo lực, xâm hại trẻ em thường bắt gặp chủ yếu bạo lực về mặt thể chất; bạo lực về mặt xã hội, bạo lực tinh thần; bạo hành trẻ em trên không gian mạng với nước có mức độ sử dụng Internet cao như ở Việt Nam. Trên không gian mạng trẻ em có thể bắt gặp những thông tin xấu, độc, bị kẻ xấu tung hình ảnh xâm hại đời tư, hay là bị tiếp cận, làm quen bằng những tin nhắn gạ gẫm, ép buộc, đe dọa. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục, thực thi quyền trẻ em cần được tăng cường trong giai đoạn hiện nay. Hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được Sở Tư pháp thực hiện phong phú, đa dạng như:
- Tuyên truyền pháp luật liên quan đến công tác trẻ em trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo.
- Xây dựng, đăng tải tin, bài liên quan đến pháp luật về trẻ em trên Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh;
- Phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng: Phối hợp với Báo Thanh Hoá, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh… để tăng thời lượng phát sóng, đăng tải các chương trình, chuyên trang, chuyên mục có nội dung tuyên truyền pháp luật có liên quan đến công tác phòng chống tội phạm liên quan đến trẻ em; ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông kịp thời, định hướng dư luận xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng, vận động hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích và xâm hại.
Bằng các hoạt động tuyên truyền nêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện, phát triển toàn diện trẻ em, qua đó giúp trẻ em thấy được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội để tự bảo vệ quyền lợi của mình, đấu tranh chống lại mọi hành vi vi phạm pháp luật, mọi hình thức kỳ thị, phân biệt đối xử và nạn bạo hành đối với trẻ em.
Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi cũng được chỉ đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Trong 06 tháng đầu năm 2025 có 28.856 trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh: trong đó 28.535 trẻ em đăng ký đúng hạn. Số trẻ em đăng ký khai sinh quá hạn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đăng ký nuôi con nuôi về cơ bản được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng cho các đối tượng trợ giúp pháp lý, đặc biệt là tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động tại các Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong 06 tháng đầu năm 2025, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 11 vụ (11 đối tượng là trẻ em), qua đó đã góp phần bảo vệ cũng như tuyên truyền những kiến thức pháp luật liên quan đến công tác trẻ em cho những người tham gia tố tụng.
Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và công tác phối hợp của các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các cấp, đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của công tác trẻ em, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động xã hội nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để làm được điều này, thời gian tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em cần chú trọng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em; Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến công tác trẻ em. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật Triển khai công tác tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác đăng ký khai sinh, đăng ký nuôi con nuôi cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh; Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Có thể nhận thấy rằng, trong thời gian qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em ngày càng được quan tâm đi vào chiều sâu, qua đó góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng chống tại nạn thương tích ở trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định. Hi vọng trong thời gian tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về liên quan đến công tác trẻ em, đặc biệt là phòng chống xâm hại trẻ em sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực./.
Hoàng Anh |
Nguồn tin: Phổ biến, giáo dục pháp luật |
File đính kèm |