THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NGOẠI VỤ
   

UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Ngày tạo:  13/09/2022 08:22:35
Ngày 12 tháng 9 năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 13399/UBND-KSTTHCNC chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Công thương; Sở Xây dựng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

            Theo đó, UBND tỉnh đã nêu rõ:

          Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT), cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người (karaoke, vũ trường, bar và các cơ sở loại hình tương tự), nhà ở hộ gia đình gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như: Vụ cháy nhà dân xảy ra ngày 21/4/2022 tại phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, TP. Hà Nội làm 05 người chết, 02 người bị thương; Vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ISIS tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội ngày 02/8/2022 làm 03 cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) hy sinh khi tham gia chữa cháy và CNCH; vụ cháy quán karaoke tại số 166C, phố 1A, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương ngày 6/9/2022 làm 33 người chết, nhiều người bị thương,…Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy trên là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ sở và người dân còn hạn chế; công tác kiểm tra, xử lý của các đơn vị quản lý nhà nước còn chưa triệt để, quyết liệt,… Qua thống kê của Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 862 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar, trong đó Công an tỉnh quản lý nhà nước về PCCC đối với 271 cơ sở; UBND các xã, phường, thị trấn quản lý nhà nước về PCCC đối với 591 cơ sở. Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về PCCC của các loại hình cơ sở này còn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ dẫn đến cháy, nổ. Bên cạnh đó, loại hình đối tượng này tập trung nhiều dịch vụ nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT, nguy cơ phát sinh tội phạm hình sự, tệ nạn, xã hội, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp “bay lắc”, “thác loạn” trong thanh thiếu niên, gây tác hại nhiều mặt. 

          Trước tình hình trên, để tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 683/CĐ-TTg ngày 01/8/2022, Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 07/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2530/VPCP-NC ngày 21/4/2022 và Công văn số 5910/VPCP-NC ngày 8/9/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng 2 cường thực hiện các biện pháp, giải pháp về đảm bảo an toàn PCCC và CNCH sau khi xảy ra các vụ cháy nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

          1. Công an tỉnh 

          - Tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra đối với một số cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người trên địa bàn tỉnh. - Xây dựng Kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tổng kiểm tra, rà soát tổng thể các điều kiện về ANTT, an toàn PCCC và CNCH đối với tất cả các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar phải hoàn thành việc kiểm tra trước 30/9/2022. Quá trình kiểm tra cần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng; không để xảy ra các vụ việc tương tự. 

          - Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo về PCCC và CNCH, sử dụng điện an toàn,… bằng nhiều hình thức như: Gửi tin nhắn (SMS) đến các thuê bao di động, trên các kênh truyền hình, mạng xã hội,… Tuyên truyền, tập huấn cho người dân những kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH và thoát nạn. Công khai danh sách các cơ sở vi phạm quy định về ANTT, PCCC và CNCH để khuyến cáo mọi người không sử dụng dịch vụ của các cơ sở này. 

          - Tổ chức thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC, nghiệm thu về PCCC, cấp giấy chứng nhận về ANTT đối với các loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, tập trung đông người theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, CNCH các tình huống cháy, nổ phức tạp như: Nhiều người mắc kẹt, cứu người trên cao, chữa cháy tại các cơ sở trong ngõ sâu mà lực lượng, phương tiện chữa cháy và CNCH khó tiếp cận,… Tổ chức tốt công tác thường trực, sẵn sàng chữa cháy và CNCH để ứng phó kịp thời các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố; hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn khi các tình huống thiên tai, bão lũ, thảm họa khẩn cấp xảy ra. 

          - Điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng theo quy định. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện vụ cháy, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở xảy ra cháy, nổ. 

          - Phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất Bộ Công an, UBND tỉnh trang bị thêm các phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH, dụng cụ bảo hộ cá nhân cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chuyên nghiệp để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. 

          2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

          Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, quản lý chặt chẽ công tác cấp phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar và loại hình tương tự; tăng cường hướng dẫn, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. 

          3. Sở Công thương

          Chủ trì, phối hợp với Điện lực tỉnh có các giải pháp quản lý an toàn điện (sau công tơ điện) tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh rượu, bia tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar và loại hình tương tự. 

          4. Sở Xây dựng Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư xây dựng; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với các dự án công trình vi phạm quy định trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định; thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC; đặc biệt là các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT.

           5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, phòng chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar và loại hình tương tự. 

          6. Sở Thông tin và Truyền thông

           - Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí, các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, toàn dân tham gia PCCC và CNCH. 

          - Đưa tin, bài, chuyên mục, phóng sự tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, chú trọng tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC, CNCH. Phối hợp Công an tỉnh công khai danh sách cơ sở kinh doanh có điều kiện vi phạm quy định về ANTT, PCCC và CNCH. 

          7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố 

          - Chỉ đạo Công an cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra các điều kiện về ANTT, an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người được phân cấp quản lý. Trong đó, yêu cầu:

          + Riêng đối với loại hình cơ sở karaoke, vũ trường, bar tiến hành tổng kiểm tra, rà soát và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (Qua Công an tỉnh) trước ngày 30/9/2022. 

          + Quá trình kiểm tra cần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, kiên quyết xử lý theo quy định; yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt,…); chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn. 

          + Trường hợp cần thiết thì thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện (hoặc báo cáo UBND tỉnh đưa vào danh sách kiểm tra của đoàn liên ngành cấp tỉnh), để xử lý triệt để, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép ANTT, giấy phép kinh doanh có điều kiện đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng. 

          - Triển khai thực hiện tốt các biện pháp quản lý nhà nước về ANTT, PCCC và CNCH đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. 

          - Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC với những mô hình điểm đã và đang triển khai, nhất là mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “điểm chữa cháy công cộng”,… để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng nhân dân tham gia chữa cháy và CNCH ngay từ khi mới phát sinh. 

          - Củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng, quan tâm đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ công tác PCCC và CNCH theo quy định; duy trì hiệu quả các hoạt động tuần tra, nắm tình hình của lực lượng dân phòng để phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng này trong việc xử lý kịp thời các vụ cháy, nổ tại các cơ sở, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư.

           8. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cơ sở hoạt động không phép, không đủ điều kiện xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng do thiếu tinh thần trách nhiệm.

          Việc chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cũng như UBND các cấp và và người đứng đầu các cơ quan đơn vị, đảm bảo an toàn PCCC và CNCH sau khi xảy ra các vụ cháy. Để kinh tế phát triển bền vững, tránh thiệt hại xẩy ra thì công tác đảm bảo an toàn trong phòng cháy chữa cháy cần được quan tâm đúng mức và đảm bảo hiệu quả trong việc phòng, chống cháy nổ cũng như kịp thời khắc phục những hậu quả nếu sự việc đã xẩy ra là hết sức cần thiết, an toàn là mục tiêu hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh vì hậu quả khi xẩy ra cháy nổ luôn nặng nề và nhiều khi không đóng đếm được bằng tài tài sản mà thiệt hại bằng chính mạng sống của nhân dân, nên việc chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Thanh Hóa, việc nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan, ban ngành, các cấp, ý thức tự giác của mỗi cán bộ và nhân dân sẽ đảm bảo cho một xã hội an toàn về cháy nổ, góp phần tạo môi trường ổn đinh, tạo sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.