THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NGOẠI VỤ
   

Giải đáp một số tình huống pháp luật trong công tác đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Ngày tạo:  26/12/2022 15:42:53
Ngày 22 tháng 7 năm 2021 Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg về quy định, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để triển khai và hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2021/T-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2021. Một số câu hỏi, tình huống liên quan đến công tác chuẩn tiếp cận pháp luật là tài liệu để công chức làm công tác này tham khảo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Câu 1. Tiêu chí để đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg gồm có:

A. 5 tiêu chí 25 chỉ tiêu

B. 5 tiêu chí 20 chỉ tiêu

C. 8 tiêu chí 41 chỉ tiêu

D. 8 tiêu chí 25 chỉ tiêu

Trả lời: Đáp án B. 

Theo Điều 3 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định: về Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu gồm:

1. Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn

a) Chỉ tiêu 1: Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao;

b) Chỉ tiêu 2: Ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

2. Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

b) Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;

c) Chỉ tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

d) Chỉ tiêu 4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở;

đ) Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

e) Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý

a) Chỉ tiêu 1: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

b) Chỉ tiêu 2: Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

c) Chỉ tiêu 3: Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

4. Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

a) Chỉ tiêu 1: Tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo đúng quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương;

b) Chỉ tiêu 2: Tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

c) Chỉ tiêu 3: Tổ chức để Nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

d) Chỉ tiêu 4: Tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

đ) Chỉ tiêu 5: Tổ chức để Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

5. Tiêu chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

a) Chỉ tiêu 1: Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo;

b) Chỉ tiêu 2: Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính;

c) Chỉ tiêu 3: Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Chỉ tiêu 4: Đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

6. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là 10 điểm. Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung, điểm số và cách tính điểm của các tiêu chí, chỉ tiêu quy định tại Điều này.

Câu 2. Đâu là một trong các điều kiện để công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

B. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

C. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

D. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trả lời: Đáp án B

Theo Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tại khoản 3 có quy định “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.” 

Câu 3. Để xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tổng số điểm của các tiêu chí phải đạt:

A. Từ 80 điểm trở lên

B. Từ 70 điểm trở lên

C. Từ 90 điểm trở lên

D. Từ 70 điểm trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80 điểm trở lên đối với cấp xã loại II, từ 90 điểm trở lên đối với cấp xã loại III.

Trả lời: Đáp án A

Tại Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg về Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, khoản 1 có quy định: Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên.

Câu 4. Thời gian đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định thư thế nào?

A. Hàng năm, tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đánh giá

B. Hàng năm, tính từ ngày 01/11 năm trước năm đánh giá đến ngày 30/10 của năm đánh giá.

C. Hàng năm, tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/11 của năm đánh giá.

Trả lời. Đáp án đúng là A.

Theo Điều 5 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg về Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tại Khoản 1 có quy định: Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hàng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.

Câu 5. Thời hạn UBND cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là:

A. Trước ngày 31/12 của năm đánh giá

B. Trước ngày 05/01 của năm liền kề sau năm đánh giá

C. Trước ngày 10/01 của năm liền kề sau năm đánh giá

D. Trước ngày 15/01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Trả lời. Đáp án đúng là C.

Theo Quyết định 25/2021/QĐ-TTg, tại Điều 5 về Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Khoản 2 có quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Câu 6. Thời hạn Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là:

A. Trước ngày 31/12 của năm đánh giá

B. Trước ngày 15/01 của năm liền kề sau năm đánh giá

C. Trước ngày 05/02 của năm liền kề sau năm đánh giá

D. Trước ngày 10/02 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Trả lời. Đáp án đúng là D.

Theo Quyết định 25/2021/QĐ-TTg, tại Điều 5 về Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Khoản 3 có quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Câu 7. Hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn gồm có?

A. Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu; Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có); Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

B. Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu; Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

C. Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có); Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

D. Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có); Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Các tài liệu khác có liên quan (nếu có). 

Trả lời. Đáp án đúng là A.

Theo Quyết định 25/2021/QĐ-TTg, tại Điều 5 về Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Khoản 4 có quy định: 

 Hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm:

- Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu;

- Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);

- Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Câu 8. Cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn được tổ chức khi nào?

A. Trước khi thực hiện công khai kết quả tự đánh giá, chấm điểm

B. Trong khoảng thời gian thực hiện công khai kết quả tự đánh giá, chấm điểm

C. Sau khi kết thúc thời gian công khai kết quả tự đánh giá, chấm điểm

Trả lời: Đáp án A.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 3 Quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tại khoản 1 quy định: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) tổ chức triển khai việc tự chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy trình sau đây:

a) Các công chức chuyên môn cấp xã theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tự chấm điểm, tổng hợp kết quả; lấy ý kiến và tổng hợp kết quả đánh giá hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở; chuẩn bị tài liệu đánh giá; đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);

b) Xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu; thông tin, số liệu của Báo cáo đánh giá và Bản tổng hợp điểm số được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá, đối với chỉ tiêu 4 của tiêu chí 5 thì sử dụng kết quả công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an;

c) Niêm yết công khai dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày; đăng tải trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày hoặc thông báo trên Đài truyền thanh cấp xã (nếu có) ít nhất 03 (ba) lần trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày;

d) Tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, khách quan ý kiến của Nhân dân, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có) về Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và các vấn đề khác liên quan đến việc chấm điểm, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

đ) Tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn. Cuộc họp do đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì. Thành phần cuộc họp bao gồm các công chức chuyên môn được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu; đại diện Công an cấp xã; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; Trưởng thôn, làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn); Tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố);

e) Căn cứ kết quả cuộc họp, nếu xã, phường, thị trấn đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) đến Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Đối với xã, phường, thị trấn chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá để Phòng Tư pháp tổng hợp, lập danh sách xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Như vậy, Cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn được tổ chức trước khi thực hiện. Sau khi kết thúc thời gian công khai kết quả tự đánh giá, chấm điểm

Câu 9. Thành phần cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn bao gồm?

A. Các công chức chuyên môn được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu; đại diện Công an cấp xã;

B. Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã;

C. Trưởng thôn, làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn); Tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố);

D. Tất cả các thành phần nêu trên

Trả lời: Đáp án D.      .

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 3 Quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tại khoản 1, điểm đ quy định: Tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn. Cuộc họp do đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì. Thành phần cuộc họp bao gồm các công chức chuyên môn được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu; đại diện Công an cấp xã; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; Trưởng thôn, làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn); Tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố);

Câu 10. Chủ thể nào có trách nhiệm tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp xã?

A. Văn phòng - Ủy ban nhân dân cấp huyện

B. Phòng Tư pháp

C. Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

Trả lời: Đáp án B.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 3 Quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tại khoản 2, điểm a quy định: Phòng Tư pháp tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chậm nhất trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Câu 11. Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện chức năng tư vấn, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn qua hình thức nào sau đây:

A. Cuộc họp Hội đồng

B. Cho ý kiến bằng văn bản

C. Cả phương án A và phương án B

D. Phương án A hoặc phương án B đều đúng

Trả lời: Đáp án D.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 3 Quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tại khoản 2, điểm b quy định: Tổ chức cuộc họp Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Hội đồng để tư vấn, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn.

Câu 12. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gì trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Phân công cơ quan chuyên môn làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện; bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật 

B. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định pháp luật; sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương

C. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp về kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các giải pháp bảo đảm tính thực chất, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

D. Các phương án trên đều đúng

Trả lời: Đáp án D.

Theo Quyết định 25/2021/QĐ-TTg, tại Điều 6 về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, Khoản 4 có quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định này tại địa phương; phân công cơ quan chuyên môn làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện; bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Căn cứ kết quả thực tế của việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

c) Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định pháp luật;

d) Sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương;

đ) Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp về kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các giải pháp bảo đảm tính thực chất, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Câu 13. Nhiệm vụ chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là trách nhiệm của chủ thể nào trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

B. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

C. Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

D. Ủy ban nhân dân cấp huyện

Trả lời: Đáp án C.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 5 Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, tại khoản 1, điểm b quy định: Tư vấn các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu;

Câu 14. Sở Tư pháp có trách nhiệm gì trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg tại địa phương

B. Làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 09/2021/TT-BTP tại địa phương

C. Kịp thời báo cáo, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xử lý kịp thời khi có kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về các vấn đề liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn.

D. Các phương án trên đều đúng

Trả lời: Đáp án D

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 6 trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, tại khoản 5,6 quy định:

 “5. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch là đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này tại địa phương.

6. Khi có kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về các vấn đề liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch kịp thời báo cáo, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp kiểm tra, chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.”

Câu 15. Chủ thể nào có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

B. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

C. Ủy ban nhân dân cấp huyện

D. Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

Trả lời: Đáp án B.

Theo Quyết định 25/2021/QĐ-TTg, tại Điều 5 về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật,  Khoản 3 có quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Câu 16. Đâu không phải nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Thẩm định, đánh giá hồ sơ, kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

B. Tư vấn các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu

C. Chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

D. Thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

Trả lời: Đáp án C.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 5 Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật  tại khoản 1 quy định:

“1. Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật (sau đây gọi chung là Hội đồng) tư vấn, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thẩm định, đánh giá hồ sơ, kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Tư vấn các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu;

c) Thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.”

Câu 17. Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ gì trong đánh giá, công  nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Đề nghị thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; bảo đảm sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa thành viên Hội đồng với Phòng Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

B. Chuẩn bị tài liệu, nội dung cuộc họp Hội đồng và gửi các thành viên Hội đồng chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc trước ngày tổ chức cuộc họp; tiếp thu, hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổng hợp đề xuất của thành viên Hội đồng để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định;

C. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn, thẩm định của Hội đồng theo quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ.

D. Các phương án trên đều đúng

Trả lời: Đáp án  D.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 5 Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tại khoản 6 quy định:

“6. Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Đề nghị thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Bảo đảm sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa thành viên Hội đồng với Phòng Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

c) Chuẩn bị tài liệu, nội dung cuộc họp Hội đồng và gửi các thành viên Hội đồng chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc trước ngày tổ chức cuộc họp;

d) Tiếp thu, hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổng hợp đề xuất của thành viên Hội đồng để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định;

đ) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu;

e) Thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn, thẩm định của Hội đồng theo quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ.”

Câu 18. Đâu không phải là trách nhiệm của Phòng Tư pháp trong tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Đề nghị thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

B. Tư vấn các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu

C. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu

D. Tiếp thu, hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Trả lời: Đáp án  B.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 5 Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật  tại khoản 6 quy định:

“6. Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Đề nghị thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Bảo đảm sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa thành viên Hội đồng với Phòng Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

c) Chuẩn bị tài liệu, nội dung cuộc họp Hội đồng và gửi các thành viên Hội đồng chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc trước ngày tổ chức cuộc họp;

d) Tiếp thu, hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổng hợp đề xuất của thành viên Hội đồng để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định;

đ) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu;

e) Thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn, thẩm định của Hội đồng theo quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ.”

Câu 19. Chủ thể nào có thẩm quyền phân công các công chức chuyên môn theo dõi thường xuyên, chấm điểm, đánh giá từng tiêu chí, chỉ tiêu gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ của công chức?

A. Ủy ban nhân dân cấp xã

B. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

C. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

D. Công chức Tư pháp – Hộ tịch

Trả lời: Đáp án A.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 6 trách nhiệm của cơ quan, tổ chức,  tại khoản 4 quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, tổ chức thực hiện Thông tư này tại địa phương; phân công các công chức chuyên môn theo dõi thường xuyên, chấm điểm, đánh giá từng tiêu chí, chỉ tiêu gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ của công chức.

Câu 20. Công chức nào là đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

A. Công chức Văn phòng – Thống kê

B. Công chức Tư pháp – Hộ tịch và công chức Văn phòng – Thống kê

C. Công chức Tư pháp – Hộ tịch

D. Công chức Văn hóa – Xã hội

Trả lời: Đáp án C.

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTP, Điều 6 trách nhiệm của cơ quan, tổ chức,  tại khoản 5 quy định: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch là đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này tại địa phương.

Câu 21. So sánh điều kiện công nhận xã, phường, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Quyết số 25/2021/QĐ-TTg so với Quyết định số 619/QĐ-TTg

Trả lời: 

* Điều kiện công nhận xã, phường, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Quyết số 25/2021/QĐ-TTg được quy định tại Điều 4 như sau:

1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;

2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;

3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Điều kiện công nhận xã, phường, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Quyết định số 619/QĐ-TTg được quy định tại khoản 1 Điều 6 gồm:

1. Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa;

2. Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III;

3. Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Quy định này đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên;

4. Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

  Như vậy điều kiện công nhận xã, phường, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Quyết số 25/2021/QĐ-TTg so với Quyết định số 619/QĐ-TTg đã có những điều kiện khác nhau.

 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.