THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NGOẠI VỤ
   

Tìm hiểu một số quy định của Luật Dầu khi năm 2022

Ngày tạo:  27/03/2023 16:21:42
Ngày 14 tháng 11 năm 2022, Quốc hội đã ban hành Luật dầu khí, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10, Luật số 10/2008/QH12 và Luật số 35/2018/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật Dầu khi được ban hành trên cơ sở thực tiễn 

Luật Dầu khí được ban hành ngày 06 tháng 7 năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 (Luật số 19/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000), năm 2008 (Luật số 10/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008) và năm 2018 (Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, đã bãi bỏ từ “quy hoạch” tại khoản 2 Điều 38 Luật Dầu khí).

Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí là hoạt động dầu khí (tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí) có tính đặc thù và rủi ro cao (địa chất phức tạp; rủi ro về trữ lượng, an toàn cháy nổ và bảo vệ môi trường; đặc biệt với các dự án dầu khí ngoài khơi, nước sâu, xa bờ điều kiện làm việc độc lập, môi trường biển khắc nghiệt, có nhiều yếu tố nguy hiểm bất ngờ như sóng, gió bão, dòng chảy…), có gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, biên giới chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới, gần đây có những biến động bất thường nằm ngoài dự báo của các tổ chức, tư vấn quốc tế. Ở trong nước, nhiều mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao đang trong đà suy giảm sản lượng nhanh. Các lô dầu khí mở có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, thuộc vùng nước sâu, xa bờ hoặc có địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu biến động khó lường nên công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo đánh giá, Luật Dầu khí hiện hành và các VBQPPL dưới Luật mặc dù về cơ bản đảm bảo quyền và trách nhiệm của nước chủ nhà và nhà đầu tư, tiệm cận với thông lệ dầu khí quốc tế, tuy nhiên thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu hoàn thiện. Hơn nữa, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến nhiều khó khăn, thách thức mới đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông của Việt Nam. 

Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008. Theo đó, các vướng mắc, bất cập tập trung vào các vấn đề như sau:

          a) Một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các VBQPPL dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi, cụ thể:

- Chưa có quy định điều chỉnh đối với đối tượng dầu khí phi truyền thống (như dầu khí sét, băng cháy,...).

- Chưa có quy định về các dự án khai thác dầu khí có hệ thống thiết bị được xây dựng ngoài diện tích hợp đồng đã được xác định ban đầu hoặc triển khai theo chuỗi.

- Quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn (hợp đồng có thời hạn dài hơn hoặc theo đời mỏ). 

- Chưa có quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại.

- Các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí theo lô dầu khí (thông qua hợp đồng dầu khí) đã được ban hành từ lâu (năm 2005), đến nay một số tiêu chí không còn phù hợp với tình hình thực tế (nhất là những vùng nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh); chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí theo lô, mỏ tận thu dầu khí, cận biên, phi truyền thống,...

- Quy định khung về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán hợp đồng dầu khí chưa đầy đủ; chưa có quy định về việc xử lý chi phí rủi ro trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí đối với doanh nghiệp nhà nước. 

- Chưa có quy định về việc cho phép bên thứ ba được tiếp cận các hạ tầng cơ sở sẵn có của ngành dầu khí để nâng cao hiệu quả sử dụng.

       b) Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác, cụ thể:

- Theo quy định của Luật Dầu khí hiện hành, trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư dầu khí thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (điểm b khoản 2 Điều 38). Tuy nhiên, từ năm 2020 theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động dầu khí thực hiện theo Luật Dầu khí (điểm đ khoản 3 Điều 4).

- Một số VBQPPL mới được ban hành phát sinh các vấn đề chưa được quy định trong hợp đồng dầu khí ký kết theo quy định của Luật Dầu khí ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động dầu khí của Nhà thầu (tiền thuê mặt nước, mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp trong nước, việc các nhà thầu bán chung các sản phẩm của hoạt động dầu khí là đối tượng miễn trừ của Luật Cạnh tranh…).

- Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (khoản 3 Điều 28) không cho phép việc công ty mẹ - công ty con cùng nhau thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) tương tự hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí nhưng hiện nhiều hợp đồng dầu khí (đang có hiệu lực) có sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

         c) Một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các Luật khác có liên quan, cụ thể

- Quy định các bước thực hiện hoạt động dầu khí/dự án dầu khí.

- Quy định về nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí.

Các nội dung nêu trên đang được quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật Dầu khí, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần thiết phải đưa vào Luật Dầu khí để nâng cao tính hiệu lực.

Như vậy, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

        Về chủ trương xây dựng Luật Dầu khí  

        Trong thời gian qua, việc hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí được đánh giá là hết sức cần thiết và đã được ghi nhận trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ. Cụ thể:

- Tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23 tháng 7 năm 2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 (Nghị quyết số 41-NQ/TW) đã nêu: “Hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, trong đó quy định rõ về hoạt động dầu khí…; Tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm hiệu lực, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí; Xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển dầu khí trong nước tại những vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm” (Điểm 1 Mục III - Nhiệm vụ và giải pháp).

- Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018) đã nêu: “Nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới...”; Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật… theo hướng phát triển bền vững” (Điểm 1 Mục III - Một số chủ trương lớn và khâu đột phá và Điểm 2 Mục IV - Các giải pháp chủ yếu).

- Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW) đã nêu: “Sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...” (Điểm 1 Mục III - Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu).

- Tại Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, Chính phủ giao Bộ Công Thương: “Về dầu khí: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển và cơ chế chính sách đối với ngành dầu khí để đề xuất với Chính phủ các nội dung sửa đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành dầu khí Việt Nam phát triển...” (Điểm 1 Mục II - Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu).

Căn cứ thực tiễn thi hành Luật Dầu khí và các quan điểm chỉ đạo nêu trên, tại Nghị quyết số 195/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2020, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi).

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại các Tờ trình số 63/TTr-CP ngày 25 tháng 02 năm 2021 và số 148/TTr-CP ngày 26 tháng 5 năm 2021, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó có dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) với kế hoạch trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5 năm 2022) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022).

        Mục đích và quan điểm xây dựng Luật dầu khí

      Với định hướng việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành, mục đích và quan điểm xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) được xác định như sau: 

       Mục đích

- Nâng cao tính thực tiễn, khả thi của Luật Dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. 

- Bảo đảm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí được an toàn cho con người và tài sản, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, đem lại hiệu quả, quyền lợi của quốc gia cũng như các nhà đầu tư trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước, làm cơ sở để định hướng và triển khai hoạt động dầu khí.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, sự không rõ ràng, chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật.

- Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp nhất là những khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh trên Biển Đông.

- Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định trên biển để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

        Quan điểm xây dựng Luật 

- Thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, địa phương; tạo sự minh bạch rõ ràng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong quản lý và thực hiện các hoạt động dầu khí.

- Kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

- Bảo đảm tính ổn định, nguyên tắc không hồi tố trong Luật Dầu khí để tránh các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí đã ký kết.

- Cơ bản không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính mới.

       Bố cục và nội dung cơ bản của Luật Dầu khi

      Luật Dầu khí năm 2022 có bố cục gồm 9 chương với 69 điều, với những nội dung cụ thể: 

- Chương I - Những quy định chung. Chương này gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9).

- Chương II - Điều tra cơ bản về dầu khí. Chương này gồm 5 điều (từ Điều 10 đến Điều 14).

- Chương III - Lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí. Chương này gồm 11 điều (từ Điều 15 đến Điều 25).

- Chương IV - Hợp đồng dầu khí. Chương này gồm 16 điều (từ Điều 26 đến Điều 41).

- Chương V - Hoạt động dầu khí. Chương này gồm 11 điều (từ Điều 42 đến Điều 52).

- Chương VI - Ưu đãi trong hoạt động dầu khí và chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lò dầu khí khai thác tận thu. Chương này gồm 3 điều (Điều 53 và Điều 55).

- Chương VII - Công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán trong hoạt động dầu khí. Chương này gồm 2 điều (Điều 56 và Điều 57).

- Chương VIII - Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu. Chương này gồm 2 điều (Điều 58 và Điều 59). 

- Chương IX - Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Chương này gồm 5 điều (từ Điều 60 đến Điều 64).

- Chương X - Quản lý nhà nước và trách nhiệm của ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Chương này gồm 2 điều (từ Điều 65 đến Điều 66). 

- Chương XI - Điều khoản thi hành. Chương này gồm 3 điều (từ Điều 67 đến Điều 69).

      Luật dầu khí quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

      Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, các vùng nước sâu, xa bờ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế. Nhà nước bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn đầu tư, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Nhà nước không thu tiền sử dụng khu vực biển để điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, xử lý, vận chuyển tài nguyên dầu khí khai thác được trong các vùng biển của Việt Nam về bờ bằng đường ống theo hợp đồng dầu khí. Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án dầu khí theo lô, mỏ dầu khí nhằm khuyến khích tìm kiếm thăm dò, phát triển, khai thác dầu khí phi truyền thống, các lô, mỏ dầu khí nằm ở vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp, các mỏ dầu khí cận biên; nâng cao hệ số thu hồi dầu khí. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài chia sẻ và tiếp cận, sử dụng cơ sở hạ tầng, công trình dầu khí để thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí theo thỏa thuận.

     Nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí: Tài nguyên dầu khí của Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ tài nguyên, di sản văn hóa và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải mua bảo hiểm đối với công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, bảo hiểm con người, bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Toàn bộ mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu thu được trong quá trình thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí do Nhà nước quản lý. Việc thu thập, giao nộp, quản lý, sử dụng, bảo mật các mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu thu được trong quá trình triển khai điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, thỏa thuận thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hợp đồng dầu khí.

     Các hành vi bị nghiêm cấm trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí: Thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây ô nhiễm môi trường. Lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí để khai thác tài nguyên, khoáng sản khác. Cản trở các hoạt động hợp pháp trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Cố ý phá hoại tài sản, thiết bị, công trình dầu khí; hủy hoại mẫu vật, thông tin, dữ liệu thu được trong quá trình điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Cung cấp trái pháp luật mẫu vật, thông tin, dữ liệu thu được từ điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.


Cao Phong
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.