THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NGOẠI VỤ
   

Thanh Hóa chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới

Ngày tạo:  04/05/2023 18:46:47
Ngày 04 tháng 5 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn toàn tỉnh.

         Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đã chỉ rõ Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông và thiệt hại do TNGT gây ra vẫn ở mức cao. Riêng trong Quý I năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 3 nghìn vụ TNGT, trong đó 12 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, một số vụ gây hậu quả thảm khốc làm chết nhiều người trong cùng địa phương, cùng gia đình; khoảng 70% nạn nhân TNGT trong độ tuổi lao động gây tổn thương đến gia đình người bị nạn và toàn xã hội. TNGT liên quan phương tiện vận tải hành khách có chiều hướng gia tăng, chiếm 7,6% tổng số vụ tai nạn. Trật tự, kỷ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét, một bộ phận người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật về giao thông như lái xe sử dụng cồn, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng; vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, phần đường; thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều... bất chấp sự an nguy của người tham gia giao thông. Tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 28 vụ, làm bị thương 10 cán bộ Cảnh sát giao thông, trong đó một số cán bộ bị thương nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

          Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do gia tăng quá nhanh phương tiện cá nhân trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt tại các thành phố lớn, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT, “khoán trắng” cho các lực lượng chuyên trách. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông. Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên một bộ phận người dân “nhờn luật” khi tham gia giao thông. Đầu tư nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

          Tình hình TTATGT hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT và đòi hỏi ý thức rất cao của người dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Công tác bảo đảm TTATGT phải quán triệt quan điểm: Đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.

          Từ tình hình đó, để thực hiện mục tiêu thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiểu TNGT, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

          Đối với Thanh Hóa, nhằm đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn toàn tỉnh.

          Trên cơ sở Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh.

          UBND tỉnh đã xác định rõ yêu cầu trong việc triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch trên địa bàn: Phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đòi hỏi ý thức rất cao của người dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.  Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Ban An toàn giao thông tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, đồng thời bố trí ngân sách phù hợp chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương, đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức.

          Để đảm bảo việc thực hiện đúng các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: 

          Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đoàn thể chính trị xã hội phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. 

           Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. 

          Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, như: Điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải… Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu kinh tế, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch…Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội. Căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện trên toàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.

          Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

          Phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, như: (i) hoàn thiện Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để trình Quốc hội thông qua; (ii) Rà soát, nghiên cứu sửa đổi các chế tài trong Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, chở quả tải trọng cho phép… 

           Xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương...; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang an toàn giao thông. Không đưa vào sử dụng các công trình giao thông khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khắc phục kịp thời các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Bảo đảm và tiếp tục nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện và hạ tầng.

          Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, theo hướng định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân. Tham gia nghiên cứu, thể chế hóa phương thức cấp biển kiểm soát phương tiện có giới hạn và trả phí sở hữu biển kiểm soát để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công, nguồn tài nguyên biển số. 

          Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông…; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Tài chính, Ngân hàng… Huy động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; năng lực cứu nạn, cứu hộ, cứu chữa nạn nhân.

          Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao những nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Ban An toàn giao thông tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

          Trên cơ sở sự chỉ đạo quyết liệt củaUBND tỉnh Thanh Hóa, với những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra và các nhiệm vụ cụ thể được chỉ đạo, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở và người dân đồng tỉnh ủng hộ và vào cuộc, sẽ góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra đảm bảo trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa./.


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.