THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NGOẠI VỤ
   

Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống

Ngày tạo:  05/06/2023 17:56:02
Ngày 22/5/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND nhằm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống trên địa bàn

         Để nâng cao công tác quản lý, phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kiến trúc với mục tiêu là xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 07/02/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc nông thôn truyền thống.

          Để thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/5/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND nhằm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

          Kế hoạch đã xác định rõ mục đích cần đạt được: Phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung của Chỉ thị 04/CT-TTg với mục tiêu xây dựng nền kiến trúc hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc nông thôn truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các yêu cầu, nhiệm vụ của Chỉ thị về quy hoạch, quản lý kiến trúc nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc nông thôn truyền thống; từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn các giá trị văn hóa, nâng cao ý thức của cộng đồng. Đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, hướng tới hoàn thiện theo các tiêu chí đô thị đối với các khu vực ven đô, khu vực dự kiến thành lập, mở rộng phát triển đô thị.

          Đồng thời xác định rõ những yêu cầu cụ thể: Đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc định hướng phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc nông thôn truyền thống. Xác định nội dung của Kế hoạch gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện kế hoạch. Xác định vai trò và mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa địa phương với kiến trúc nông thôn sẽ góp phần trong việc xây dựng kiến trúc nông thôn mới có bản sắc, duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển nông thôn nói chung và trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nói riêng.  Quá trình triển khai thực hiện phải đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý kiến trúc nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện, lồng ghép các chương trình, mục tiêu quốc gia. Đảm bảo sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cho phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn trên địa bàn tỉnh.

          Các nhiệm vụ trọng tâm được chỉ đạo, triển khai:

          Đối với công tác quy hoạch, kiến trúc: Các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác lập, thực hiện quy hoạch, quản lý kiến trúc trên địa bàn do mình quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn gắn với quá trình phát triển đô thị; đến năm 2030, đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030.  Tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn phù hợp với địa bàn quản lý, đảm bảo mục tiêu phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn Việt Nam phù hợp với Luật Kiến trúc, Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan. Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái nước mặt phục vụ mục tiêu thoát nước, kết hợp xử lý nước thải, tạo cảnh quan, vui chơi giải trí và các hoạt động khác.

          Đối với công tác thực hiện các chương trình, dự án xây dựng nông thôn: Trong giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực làm cơ sở hình thành các đô thị nhỏ trên địa bàn huyện. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện sống như điều kiện sống của người dân đô thị tại các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên. Khu vực ven đô cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hòa hợp với không gian đô thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt, tránh lãng phí trong đầu tư trong xây dựng. Nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Nghiên cứu quy hoạch bố trí các điểm dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng. Chủ động triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và kịp thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương để Bộ Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh trong thời gian tới. - Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình về nhà ở nông thôn trên địa bàn; cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu rõ và hưởng ứng tham gia các chính sách, đặc biệt là việc người dân tự nguyện vay vốn để làm nhà ở; đồng thời phải kết hợp, lồng ghép các chương trình giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn vào chương trình hỗ trợ chung để đảm bảo sự hỗ trợ công bằng, nhất quán, góp phần nâng cao chất lượng nhà ở của người dân.

          Công tác tuyên truyền, hướng dẫn: Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội dung quy hoạch xây dựng và chủ động tham gia vào công tác quy hoạch xây dựng cũng như đầu tư phát triển theo quy hoạch. Hướng dẫn các địa phương thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn (tập trung, phi tập trung) phù hợp với đặc thù của các địa phương; về thu gom, phân loại rác thải; cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, giảm thiểu chất thải nhựa ở khu vực nông thôn.

          Với những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch các Hội nghề nghiệp căn cứ vào các nội dung tại Kế hoạch để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quá đáp ứng được mục tiêu đề ra.


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.