THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NGOẠI VỤ
   

Tìm hiểu Luật Hợp tác xã (sửa đổi) năm 2023

Ngày tạo:  27/07/2023 17:02:29
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023.

     Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 115 của Luật này ( Khoản 3: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2023. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày 01 tháng 9 năm 2023 thì các bên tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng không được gia hạn hợp đồng. Khoản 4: Hợp tác xã đã thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần và doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của hợp tác xã đó kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2023 không được tăng tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần và trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2023 phải thực hiện theo quy định tại Điều 81, Điều 82 của Luật này.) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2023.

     I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

     1. Cơ sở chính trị

     - Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, giao “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt là Luật Hợp tác xã trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012”.

     - Nghị quyết số 134/NQ-CP của Chính phủ ngày 25/9/2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì "Xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã".

     - Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tiếp tục giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sau đây viết tắt là HTX) sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 để trình Quốc hội trong năm 2022.

     - Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tiếp tục chỉ đạo: “Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể.”;“Sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể”; “Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới;”. 

     2. Cơ sở thực tiễn

     Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của HTX trên thế giới. Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012[1], Luật HTX năm 2012 đã bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

       Một là, việc HTX gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường hiện nay còn gặp nhiều rào cản.

- Quy định về số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập HTX (07 thành viên), liên hiệp HTX (04 thành viên) đang cao hơn so với quy định ở một số nước như Hàn Quốc, Đức, Nga[2], gây khó khăn cho việc tập hợp đủ số lượng để thành lập. Việc giảm số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập không làm mất đi đặc trưng của HTX là ưu tiên phát triển thành viên, mà giúp tạo điều kiện thuận lợi cho HTX, liên hiệp HTX gia nhập thị trường và tiếp tục kết nạp mở rộng thành viên trong quá trình hoạt động của mình.

- Quy định về đăng ký thành lập HTX, liên hiệp HTX tại Điều 23 Luật HTX năm 2012 phức tạp, mất nhiều thời gian, như: yêu cầu về Phương án sản xuất kinh doanh là không cần thiết, thậm chí can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế này; thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX, liên hiệp HTX trong vòng 05 ngày, trong khi việc đăng ký thành lập doanh nghiệp quy định chỉ tối đa 03 ngày.

- Quy định hạn chế tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX ra bên ngoài chưa bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, chưa khuyến khích HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh khi tham gia thị trường; đồng thời, làm mất đi tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Hiện nay, nhiều HTX ở Việt Nam và trên thế giới có xu hướng mở rộng hoạt động tìm kiếm lợi nhuận bên ngoài giống như doanh nghiệp sau khi đã đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Nhu cầu tự thân của HTX tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu chính đáng để HTX tồn tại, phát triển và mang lại lợi ích gián tiếp cho thành viên, tạo tác động lan tỏa phục vụ, phát triển cộng đồng. 

- Quy định về giải thể phức tạp, gây khó khăn cho việc rút khỏi thị trường của các HTX. Điều 54 Luật HTX năm 2012 quy định thành lập Hội đồng giải thể phải đầy đủ thành phần (Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành, đại diện thành viên), nhưng thực tế nhiều HTX khó thành lập được Hội đồng giải thể này do người đại diện không hợp tác, ốm, mất tích, không liên lạc được…; quy định HTX phải nộp bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm con dấu, bản gốc giấy chứng nhận đăng ký HTX nhưng nhiều HTX cũ thành lập trước đây không còn lưu giữ đầy đủ hồ sơ[3].

      Hai là, chưa bảo đảm nguyên tắc mở cho thành viên khi gia nhập, rút khỏi HTX.

- Quy định tại Điều 13, 15 Luật HTX năm 2012 bắt buộc thành viên phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ đã hạn chế một số đối tượng trở thành thành viên hoặc không thể tiếp tục là thành viên của HTX như: người muốn đóng góp cho HTX bằng tài sản, vốn đầu tư, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, uy tín… hoặc thành viên làm việc lâu năm cho HTX đến tuổi nghỉ hưu muốn tiếp tục cống hiến cho HTX. Ngoài ra, quy định điều kiện trở thành thành viên HTX như:

+ Đối với cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên[4] đã hạn chế người chưa đủ tuổi vị thành niên tham gia các HTX trường học;

+ Đối với tổ chức chỉ bao gồm hộ gia đình, pháp nhân, không bao gồm các tổ chức không có tư cách pháp nhân như tổ hợp tác (sau đây viết tắt là THT), doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức không có tư cách pháp nhân khác được tham gia.

- Luật HTX năm 2012 chỉ có một loại thành viên, nhưng thực tế rất nhiều HTX[5] ngoài thành viên chính thức còn có các thành viên liên kết là cá nhân, hộ gia đình, THT, doanh nghiệp tham gia góp vốn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, chế biến, cung cấp và tiêu thụ dịch vụ, sản phẩm với HTX. Thành viên liên kết mặc dù đóng góp rất lớn vào HTX, nhưng không được pháp luật công nhận, không được hưởng lợi ích từ HTX, chưa được giáo dục, định hướng trở thành thành viên chính thức của HTX. 

- Quy định về một số trường hợp chấm dứt tư cách thành viên tại điểm b, khoản 2, Điều 16 Luật HTX năm 2012 phải trình Đại hội thành viên quyết định và quy định tại Điều 51 Luật HTX năm 2012 về trả lại vốn góp cho thành viên chỉ được thực hiện sau khi HTX quyết toán năm tài chính gây khó khăn, mất nhiều thời gian đối với thành viên khi có nhu cầu rút khỏi HTX. 

       Ba là, quy định về cơ cấu, tổ chức, quản lý HTX còn chưa phù hợp với thực tiễn.

-  Cơ cấu tổ chức HTX quy định hiện nay rất cồng kềnh, bao gồm: Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát/Kiểm soát viên và Giám đốc/Tổng giám đốc. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều HTX quy mô nhỏ, siêu nhỏ ít thành viên chỉ cần thành lập bộ máy quản trị đơn giản để tiết kiệm chi phí, hoạt động hiệu quả. 

-  Theo Điều 37, 38 Luật HTX năm 2012, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật duy nhất của HTX gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Trong khi đó, doanh nghiệp được phép có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. 

- Nhiều quy định của Luật HTX năm 2012 đã rất lạc hậu so với sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, môi trường pháp lý chưa thực sự thông thoáng so với Luật Doanh nghiệp như: chưa quy định cụ thể về các hình thức tổ chức họp trực tuyến, biểu quyết bằng điện tử, hoặc gửi kết quả qua đường bưu chính…; quy định về điều kiện tổ chức đại hội thành viên HTX phải có ít nhất 75% tổng số thành viên trong lần thứ nhất triệu tập và 50% tổng số thành viên trong lần thứ hai triệu tập[6]… gây khó khăn, tốn kém chi phí cho HTX khi tổ chức Đại hội thành viên, chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay.

- Luật HTX năm 2012 chưa quy định về điều kiện, năng lực Giám đốc/Tổng giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát/Kiểm soát viên để đáp ứng yêu cầu công việc, chuyên môn; còn nhiều kẽ hở như: chưa quy định trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc khi ra quyết định trái pháp luật, Điều lệ, Nghị quyết Đại hội thành viên; chưa quy định trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt không có người ủy quyền…

- Điều 3 Luật HTX quy định khi HTX, liên hiệp HTX phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX. Quy định này gây nhầm lẫn rằng HTX là mô hình tổ chức ở trình độ thấp của mô hình doanh nghiệp và chưa làm rõ mối quan hệ giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp do HTX, liên hiệp HTX thành lập.

      Bốn là, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn thiếu minh bạch, chưa bảo đảm độ tin cậy; chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước còn lạc hậu, chưa xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác (TCKTHT).

- Luật HTX năm 2012 chưa làm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin đối với thành viên của TCKTHT; chưa quy định cụ thể nội dung, hình thức, thời gian cung cấp thông tin cho thành viên.

- Kiểm toán HTX là rất cần thiết nhằm tạo sự minh bạch và phản ánh sức khỏe của HTX cho các thành viên và các đối tác của HTX, giúp Hội đồng quản trị và Ban giám đốc quản lý, điều hành hiệu quả, tạo điều kiện để HTX huy động vốn từ các tổ chức tín dụng bên ngoài và là cơ sở để Nhà nước hỗ trợ cho HTX. Luật HTX năm 2012 chưa quy định chi tiết về nội dung kiểm toán, đối tượng kiểm toán, tần suất kiểm toán nên trên thực tế, kiểm toán HTX gần như chưa được thực hiện.

- Quy định HTX phải gửi báo cáo về hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới hình thức bản giấy hằng năm cho các cơ quan chức năng còn cứng nhắc, lạc hậu so với Luật Doanh nghiệp, chưa cho phép HTX tự chủ động công bố thông tin lên trang thông tin điện tử của mình (nếu có). 

- Ngoài ra, hệ thống số liệu, thông tin của các HTX, liên hiệp HTX chưa đồng bộ, thiếu chính xác, chưa kịp thời, không đầy đủ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và triển khai các chính sách hỗ trợ đối với các TCKTHT. 

Năm là, quy định về tài sản, tài chính của HTX còn nhiều bất cập.

- Tài sản không chia là một đặc trưng riêng của HTX so với loại hình kinh tế khác. Theo nguyên tắc số 04 của Liên minh HTX quốc tế thì quỹ chung không chia (hay tài sản chung không chia) cần được trích lập hằng năm nhằm phát triển tài sản chung của HTX, thu hút các thành viên tham gia, gắn bó với HTX, để phát triển phong trào HTX đồng thời cũng hạn chế việc HTX giải thể, chuyển đổi. Tuy nhiên, Điều 48 Luật HTX năm 2012 quy định HTX tự quyết định việc trích một phần quỹ đầu tư phát triển để đưa vào “tài sản không chia” dẫn đến thực tế rất ít HTX thực hiện, tài sản không chia của HTX không phát triển, không thu hút được thành viên tham gia HTX.

- Luật HTX năm 2012 chưa có quy định để phân định rõ ràng giữa quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản góp vốn của thành viên với tài sản của HTX, gây khó khăn trong hoạt động và xử lý tài sản của HTX[7].

- Khoản 1 Điều 42 Luật HTX năm 2012 chưa liệt kê đầy đủ các loại tài sản dùng để góp vốn vào HTX như: vàng, công nghệ, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, loại tài sản góp vốn là “hiện vật” theo quy định hiện hành không tương thích với tài sản là “vật” trong khái niệm tài sản quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015[8].

      Sáu là, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa hiệu quả, thiếu trọng tâm.

- Điều 6 Luật HTX năm 2012 chỉ quy định nội dung về hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước cho HTX, chưa đưa ra nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể dẫn tới việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả, còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ cho các hoạt động thể hiện đặc trưng, phát huy bản chất tốt đẹp của các mô hình kinh tế hợp tác; còn tình trạng một số HTX thành lập “trá hình” để trục lợi chính sách.

- Hiện nay, doanh nghiệp nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư tại các địa phương theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP,... trong khi HTX ở nước ta đa số quy mô còn nhỏ, thành viên phần nhiều là đối tượng dễ bị tổn thương nhưng chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ và quan tâm thích đáng[9]. Do vậy, cần quy định chi tiết hơn, hỗ trợ nhiều hơn, tập trung nguồn lực hơn cho các TCKTHT để phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước[10].

- Luật HTX năm 2012 chưa quy định các chính sách hỗ trợ, phương thức hỗ trợ cụ thể, đặc thù cho HTX (như miễn, giảm thuế đối với giao dịch nội bộ trong HTX, hỗ trợ theo hình thức phi dự án,...), thiếu cơ chế đánh giá, kiểm tra trước khi HTX được hỗ trợ (thông qua công cụ kiểm toán HTX).

       Bảy là, chưa quy định đầy đủ các loại hình TCKTHT trong thực tiễn. 

- THT có cùng bản chất hợp tác, tương trợ và đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, văn hóa, xã hội, giống như các HTX. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về THT hiện nay gặp phải một số bất cập như: (i) Nhiều tổ chức THT có số thành viên đông lên đến hàng trăm người, có góp vốn, có hoạt động kinh doanh ổn định nhưng không đăng ký, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quan hệ kinh tế trong nội bộ thành viên và với các tổ chức khác; (ii) THT không trực tiếp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước[11]; (iii) Không có số liệu, không có thông tin đầy đủ về THT dẫn đến khó khăn trong việc thống kê, báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước và khó khăn trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho THT; (iv) Thiếu các quy định, chính sách mang tính định hướng cho THT phát triển lên các tổ chức cao hơn như HTX. 

- Theo kinh nghiệm quốc tế, ở nhiều quốc gia, Liên đoàn HTX phát triển rất mạnh, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ, hỗ trợ thành viên, vừa hoạt động như một tổ chức đại diện trong một ngành, lĩnh vực theo chiều dọc (như lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng, ngân hàng, ngành cá, ngành sữa, kiểm toán,...). Một số Liên đoàn HTX lớn trên thế giới như: Liên đoàn HTX Raffeisen (DGRV- CHLB Đức hoạt động về lĩnh vực kiểm toán), Liên đoàn HTX Nhà ở (CHLB Đức)), Liên đoàn HTX NATTCO (Phillipines) hoạt động lĩnh vực tín dụng, Liên đoàn HTX cung tiêu toàn Trung Quốc (ACFSMC), Liên đoàn quốc gia HTX những nhà bán lẻ thực phẩm (NCG- Mỹ), Liên đoàn quốc gia HTX nông nghiệp Hàn Quốc (NACF), Liên đoàn HTX Thái Lan (CLT)... 

- Việc chưa xác định và quy định đầy đủ các loại hình TCKTHT một cách đồng bộ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phát triển tự phát, thiếu hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các TCKTHT, chưa xây dựng được hệ sinh thái các TCKTHT mạnh ở nước ta trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, việc đưa các loại hình tổ chức này quy định trong Luật là rất cần thiết, phù hợp xu hướng phát triển của phong trào HTX thế giới, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể ở Việt Nam.

    II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT

    1. Mục đích

     Sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của các TCKTHT trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc CMCN lần thứ 4; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX; tạo điều kiện thuận lợi để các TCKTHT phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các TCKTHT, xây dựng hệ sinh thái các TCKTHT mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

    2. Quan điểm xây dựng luật

     Một là, bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX ở nước ta trong thời gian tới; bám sát chủ trương chỉ đạo tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, triển khai hiệu quả Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

      Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

      Ba là, kế thừa tối đa các quy định của Luật HTX năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời giữ vững các nguyên tắc cơ bản của HTX do Liên minh HTX quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21.

      Bốn là, các quy định Luật Các TCKTHT được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành (năm 2013), đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các TCKTHT trong bối cảnh mới. 

Năm là, xây dựng một Luật chung thống nhất cho các đối tượng trong khu vực kinh tế tập thể, lấy đối tượng HTX là trung tâm, đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

     III. BỐ CỤC CỦA LUẬT

Luật gồm 12 Chương, 115 Điều (Luật HTX năm 2012 bao gồm 11 Chương, 64 Điều), cụ thể như sau:

- Chương I: Những quy định chung, gồm 16 điều từ Điều 1 đến Điều 16, 

- Chương II: Chính sách của nhà nước về phát triển Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã gồm  13 Điều, từ Điều 17 đến Điều 29.

- Chương III: Thành viên của Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, gồm 18 điều từ Điều 30 đến Điều 37.

- Chương IV: Thành lập Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, gồm 18 điều từ Điều 38 đến Điều 55.

- Chương V: Tổ chức quản trị của Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã gồm 16 điều từ Điều 56 đến Điều 72.

- Chương VI: Tài sản, tài chính của Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã, gồm 19 Điều từ Điều 73 đến Điều 91.

- Chương VII: Tổ chức lại, giải thể, phá sản Hợp tác xã, Liên Minh hợp tác xã, gồm 13 điều từ Điều 92 đến Điều 104.

- Chương VIII: Kiểm toán Hợp tác xã, Liên Minh hợp tác xã, gồm 2 điều từ Điều 105 đến Điều 107.

- Chương IX: Tổ hợp tác, gồm 3 điều từ Điều 107 đến Điều 109.

- Chương X: Tổ chức đại diện của Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, gồm 2 điều từ Điều 110 đến Điều 111, 

- Chương XI: Quản lý nhà nước đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên Minh hợp tác xã gồm 2 điều, từ Điều 112 đến Điều 113.

- Chương XII: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều từ Điều 114 đến Điều 115 quy định về hiệu lực thi hành và chuyển tiếp.

 


 

[1] Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 ngày 15/02/2022 của Chính phủ.

[2] Số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập là 05 thành viên đối với HTX và 03 thành viên đối với liên hiệp HTX.

[3] Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, đến hết năm 2020 có khoảng 2.044 HTX khó khăn trong giải thể do vướng mắc quy định của Luật HTX năm 2012.

[4] Luật HTX Singapore quy định cá nhân trở thành thành viên HTX từ 16 tuổi trở lên hoặc 12 tuổi trở lên đối với HTX trường học.

[5] Ví dụ: HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố ở Bắc Kạn có 11 thành viên nhưng có hơn 100 thành viên liên kết là cá nhân, hộ gia đình. Thành viên liên kết được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, ưu đãi về giá thu mua, cung cấp sản phẩm cho HTX sơ chế, chế biến, đóng gói tiêu thụ ra bên ngoài thị trường. 

[6] Luật Doanh nghiệp năm 2020 sửa đổi giảm tỷ lệ này xuống 50% tổng số thành viên lần 01 và 33% tổng số thành viên lần 02.

[7]HTX là một pháp nhân, có tài sản độc lập và chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó theo Điều 81,87 Bộ luật Dân sự năm 2015, bởi vậy cần và phải tách bạch tài sản, trách nhiệm của pháp nhân HTX với tài sản, trách nhiệm của thành viên đối với hoạt động của pháp nhân theo Điều 74, 87 Bộ luật Dân sự năm 2015

[8] Theo đó, tài sản là vật (tuỳ theo cách phân chia) bao gồm vật chính, vật phụ, vật đồng bộ, vật đặc định….

[9] Theo Liên minh HTX Việt nam, chỉ có 1,47% số lượng HTX được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

[10] Quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII

[11] Hiện nay, người đại diện hoặc thành viên THT phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.