THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NGOẠI VỤ
   

Tìm hiểu một số nội dung về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) năm 2023

Ngày tạo:  31/07/2023 14:56:07
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22 tháng 6 năm 2023. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

    I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT

     1. Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước

     Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật GDĐT đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

  1.      Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị vềmột số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ rõ cần phải: “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng,... Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu”.
  2. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

     Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ   ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông: “Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch điện tử...”.

  1.      Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021, Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật GDĐT năm 2005 nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành luật để có các chính sách mới phù hợp; đồng thời không để khoảng trống pháp lý vì các công nghệ mới phát triển rất nhanh đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
  2.     Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã thống nhất các nội dung của dự án Luật GDĐT (sửa đổi) và giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể của dự thảo Luật, đồng thời cho phép Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật GDĐT (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

      2. Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành của Luật GDĐT năm 2005 bảo đảm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 

    Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật GDĐT năm 2005 cho thấy bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật GDĐT năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau: 

    Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển GDĐT hiện nay. Luật GDĐT năm 2005 loại trừ không áp dụng GDĐT đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các GDĐT trong các lĩnh vực đang bị loại trừ. 

     Thứ hai, Luật GDĐT năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong GDĐT như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy... Ngoài ra, Luật GDĐT năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

     Thứ ba, các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật GDĐT năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động. 

     Thứ tư, các quy định về GDĐT trong cơ quan nhà nước của Luật GDĐT năm 2005 đã có, tuy nhiên cần phải bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra. 

     Thứ năm, Luật GDĐT năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 và chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử, do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo Luật.

     Thứ sáu, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật GDĐT năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… Việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

      Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nêu trên, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng đảm bảo thích ứng được với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần thiết phải xây dựng Luật GDĐT sửa đổi, thay thế Luật GDĐT năm 2005.

    II. MỤC ĐÍCH VÀ QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT

    1. Mục đích 

   Sửa đổi, thay thế Luật GDĐT năm 2005 để tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. 

Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

    2. Quan điểm 

Thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Kế thừa các quy định hiện còn giá trị tại Luật GDĐT năm 2005. Hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

Luật GDĐT quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định.

Luật GDĐT không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong các lĩnh vực. Các bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về nội dung giao dịch trong các lĩnh vực trên môi trường thực ra sao thì lên môi trường điện tử vẫn sẽ chịu trách nhiệm quản lý đúng theo lĩnh vực đó.

     III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có kết cấu 08 chương và 54 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 08 chương và 53 điều, cụ thể như sau: 

Chương I. Những quy định chung gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6);

Chương II. Thông điệp dữ liệu, gồm 15 điều (từ Điều 7 đến Điều 21);

Chương III. Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, gồm 12 điều (từ Điều 22  đến Điều 33);

Chương IV. Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, gồm 5 điều (từ Điều 34  đến Điều 38);

Chương V. Giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, gồm 6 điều (từ Điều 39 đến Điều 44);

Chương VI. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, gồm 4 điều (từ Điều 45 đến Điều 48);

Chương VII.Quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, gồm 2 điều (Điều 49 và Điều 50);

Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (Điều 52 đến Điều 53).


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.