THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
   

TÌM HIỂU LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Ngày tạo:  09/12/2023 09:31:47
Ngày 22/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thông qua Luật Giao dịch điện tử (GDĐT). Luật GDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, thay thế cho Luật GDĐT năm 2005 (trừ một số trường hợp quy định chuyển tiếp).

Luật GDĐT năm 2023 giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số. Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Luật GDĐT năm 2023 gồm có 8 chương với 53 điều, trong đó kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật GDĐT năm 2005, cụ thể:

1. Chương I. Những quy định chung

Chương này gồm 06 điều, mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động GDĐT tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Luật GDĐT sẽ quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng của hoạt động GDĐT, tạo khung pháp luật thống nhất về hoạt động GDĐT trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Các điều luật cụ thể như:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 

Điều 2. Đối tượng áp dụng ;

Điều 3. Giải thích từ ngữ;

Điều 4. Chính sách phát triển giao dịch điện tử;

Điều 5. Bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử;

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử;

2. Chương II. Thông điệp dữ liệu

Chương này gồm 15 điều quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, gửi nhận thông điệp dữ liệu và chứng thư điện tử. Theo đó, các quy định tập trung sửa đổi, chi tiết hoá cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Bổ sung quy định về chứng thư điện tử nhằm tháo gỡ vướng mắc về kết quả giao dịch để có thể đưa một giao dịch lên trực tuyến toàn trình (end-to-end).

Với những sửa đổi trên, Luật GDĐT sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai GDĐT an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.

Các điều luật cụ thể như:

Điều 7. Hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu 

Điều 8. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu 

Điều 9. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản 

Điều 10. Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc ;

Điều 11. Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ 

Điều 12. Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu 

Điều 13. Hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu 

Điều 14. Người khởi tạo thông điệp dữ liệu 

Điều 15. Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu 

Điều 16. Nhận thông điệp dữ liệu 

Điều 17. Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu

Điều 18. Gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu

Điều 19. Giá trị pháp lý của chứng thư điện tử

Điều 20. Chuyển giao chứng thư điện tử 

Điều 21. Yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử 

 3. Chương III. Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy

Chương này gồm 12 điều quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong GDĐT. 

Về chữ ký điện tử, Luật GDĐT cơ bản không thay đổi về nguyên tắc so với Luật GDĐT năm 2005, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng. Luật GDĐT cũng góp phần giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai GDĐT an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.

Về dịch vụ tin cậy, Luật GDĐT quy định về dịch vụ tin cậy, trong đó ngoài dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng) và dịch vụ cấp dấu thời gian đã có và được triển khai trên thực tế, Luật bổ sung thêm dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.

Các điều luật cụ thể như:

Điều 22. Chữ ký điện tử

Điều 23. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử 

Điều 24. Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ

Điều 25. Sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn 

Điều 26. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài 

Điều 27. Chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế

Điều 28. Dịch vụ tin cậy 

Điều 29. Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy

Điều 30. Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy 

Điều 31. Dịch vụ cấp dấu thời gian 

Điều 32. Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu 

Điều 33. Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng 

4. Chương IV. Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

Chương này gồm 06 điều quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Luật GDĐT bổ sung thêm quy định về hợp đồng được ký kết thông qua hệ thống thông tin tự động, cơ bản sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, cập nhật với tính sẵn sàng của công nghệ và thực tiễn triển khai trong nước và quốc tế, bảo đảm triển khai giao dịch hợp đồng điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên môi trường mạng.

Các điều luật cụ thể như:

Điều 34. Hợp đồng điện tử

Điều 35. Giao kết hợp đồng điện tử

Điều 36. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử 

Điều 37. Việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử 

Điều 38. Giá trị pháp lý của thông báo trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

5. Chương V. GDĐT của cơ quan nhà nước

Chương này gồm 05 điều quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Luật GDĐT bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động GDĐT, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các nội dung của Chương này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ GDĐT của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân, tháo gỡ các vướng mắc về các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng với giải pháp khả thi để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

Các điều luật cụ thể như:

Điều 39. Các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước 

Điều 40. Quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung 

Điều 41. Tạo lập, thu thập dữ liệu 

Điều 42. Kết nối, chia sẻ dữ liệu 

Điều 43. Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước 

Điều 44. Hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử

6. Chương VI. Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT

Chương này gồm 04 điều quy định về các loại hệ thống thông tin (HTTT) phục vụ giao dịch điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ GDĐT, trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước và biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử.

Các quy định tại Chương này là cơ sở để tăng cường quản lý nhà nước trong GDĐT, thực hiện việc giám sát đối với các nhà cung cấp nền tảng số phục vụ GDĐT để bảo đảm quyền lợi người sử dụng, bảo đảm hoạt động GDĐT diễn ra an toàn, tin cậy.

Các điều luật cụ thể như:

Điều 45. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

Điều 46. Tài khoản giao dịch điện tử

Điều 47. Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

Điều 48. Báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

7. Chương VII. Quản lý nhà nước về GDĐT

Chương này gồm 02 điều quy định về nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐT. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về GDĐT. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về GDĐT. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về GDĐT trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về GDĐT trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.

Các điều luật cụ thể như:

Điều 49. Nội dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

Điều 50. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

8. Chương VIII. Điều khoản thi hành

Chương này gồm 03 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để đảm bảo việc thực thi Luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia hoạt động GDĐT trước thời điểm Luật GDĐT có hiệu lực.

Các điều luật cụ thể như:

Điều 51. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan 

Điều 52. Hiệu lực thi hành 

Điều 53. Quy định chuyển tiếp 

 MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT

1. Thông điệp dữ liệu

- Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

- Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật.

- Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

- Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, như bản gốc, có giá trị dùng làm chứng cứ.

- Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu cần đáp ứng các yêu cầu quy định tại Luật GDĐT và được Chính phủ quy định chi tiết.

2. Chữ ký điện tử, dịch vụ tin cậy

2.1. Chữ ký điện tử

- Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có thể được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký.

- Chữ ký điện tử được phân loại theo phạm vi sử dụng, bao gồm: Chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng công vụ.

- Chữ ký điện tử chuyên dùng và chữ ký số phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Luật GDĐT.

- Các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu mà không phải là chữ ký điện tử thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.2. Dịch vụ tin cậy

- Dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bao gồm: Dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

- Tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, trừ dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại. Thời hạn của giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy là 10 năm.

3. GDĐT của cơ quan nhà nước

3.1. Quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung

- Dữ liệu trong cơ quan nhà nước được tổ chức thống nhất, được phân cấp quản lý theo trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

- Cơ sở dữ liệu quốc gia: chứa dữ liệu chủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ, chia sẻ với Bộ, ngành, địa phương.

- Cơ sở dữ liệu Bộ, ngành, địa phương: dữ liệu dùng chung của Bộ, ngành, địa phương.

3.2. Kết nối, chia sẻ dữ liệu

- Cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo đảm khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ GDĐT.

- Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, cơ quan nhà nước có trách nhiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan, tổ chức khác; không cung cấp thông tin qua hình thức văn bản giấy đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin; không thu phí việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.

- Cơ quan nhà nước phải áp dụng phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến trên môi trường mạng giữa các hệ thống thông tin của cơ quan cung cấp dữ liệu và cơ quan, tổ chức khai thác dữ liệu, trừ trường hợp thông tin liên quan đến bí mật nhà nước hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3.3. Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

- Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.

- Dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, được cập nhật mới nhất, có khả năng truy cập và sử dụng trên mạng Internet, bảo đảm khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được, tuân thủ định dạng mở và miễn phí.

4. Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT

4.1. Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT

- Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT là tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu được thiết lập với chức năng, tính năng chính để phục vụ GDĐT, bảo đảm xác thực, tin cậy trong GDĐT. 

- Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT được phân loại theo: Chủ quản hệ thống thông tin; chức năng, tính năng; quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam.

4.2. Nền tảng số phục vụ GDĐT

- Nền tảng số phục vụ GDĐT là hệ thống thông tin tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ.

- Nền tảng số trung gian phục vụ GDĐT là nền tảng số mà chủ quản nền tảng số độc lập với các bên thực hiện giao dịch.

4.3. Tài khoản GDĐT

- Tài khoản GDĐT do chủ quản hệ thống thông tin phục vụ GDĐT cấp và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật GDĐT. Tài khoản GDĐT được sử dụng để thực hiện GDĐT, nhằm lưu trữ lịch sử giao dịch và bảo đảm chính xác trình tự giao dịch của chủ tài khoản, có giá trị chứng minh lịch sử giao dịch của các bên tham gia.

- Lịch sử giao dịch có giá trị pháp lý khi: Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT bảo đảm an toàn thông tin; Gắn duy nhất với một chủ tài khoản giao dịch; Bảo đảm chính xác thời gian giao dịch từ nguồn thời gian theo quy định của pháp luật về nguồn thời gian chuẩn quốc gia.

4.4. Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin

- Tuân thủ quy định của Luật GDĐT và pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Cung cấp thông tin bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ công tác đo lường, thống kê, giám sát, thanh tra, kiểm tra, báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về GDĐT; chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về GDĐT.

- Giám sát an toàn hệ thống thông tin phục vụ GDĐT của mình theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.


Hoàng Thùy

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.