THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BAN DÂN TỘC
   

Huyện Hà Trung: Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực tiễn hoạt động của cán bộ ở cơ sở

Ngày tạo:  15/01/2021 23:08:09
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình an ninh trật tự ở mỗi địa phương.

Xác định được vai trò đó, công tác PBGDPL luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Hà Trung và các địa phương trong huyện tập trung triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Một điều đáng chú ý ở một số xã, thị trấn trong huyện đó là đã gắn liền công tác PBGDPL với thực tiễn hoạt động của cán bộ ở cơ sở.

Thôn Hà Hợp, xã Hà Sơn có 118 hộ dân với 560 nhân khẩu. Đây là địa bàn dân cư nằm ven chân núi, cách xa trung tâm huyện. Trước đây, làng quê khá bình lặng, người dân trong độ tuổi lao động chủ yếu làm nông nghiệp, công nhân, thợ xây... Từ năm 2019, không khí ở đây nhộn nhịp hơn vì là thôn duy nhất trong xã có dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn gần 1 km. Để thực hiện dự án có 57 hộ dân có đất ở và đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có 46 hộ bị ảnh hưởng về đất ở (bao gồm 23 hộ phải bố trí tái định cư). Công tác kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư được các phòng, ngành chức năng gấp rút triển khai thực hiện. Nhiệm vụ của cán bộ ở cơ sở chính là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của dự án cũng như những quy định của pháp luật về đất đai, nhất là các quy định liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, tái định cư.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hà Hợp - một trong số những thành viên tích cực trong các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho người dân chia sẻ: Khi được biết Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn, ông cùng ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể trong thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về chủ trương, niềm vinh dự khi thôn đóng góp một phần nhỏ trong một dự án giao thông đặc biệt quan trọng của quốc gia. Khi công tác kiểm kê, bồi thường GPMB được thực hiện, cán bộ thôn luôn tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ giải đáp một số nội dung mà người dân còn thắc mắc; đồng thời nắm bắt nguyện vọng, kiến nghị của người dân để đề xuất lên xã, huyện, tỉnh kịp thời giải quyết. Chính nhờ sự sâu sát đó của cán bộ ở cơ sở, công tác GPMB ở đây đạt những kết quả tích cực, 100% các hộ dân đã đồng thuận nhận tiền bồi thường, GPMB; đa số các hộ phải tái định cư đang gấp rút làm nhà tại nơi ở mới. Một số hộ sau GPMB có diện tích nhỏ, hẹp, méo đang đề nghị cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho gia đình được mua đất về khu ở mới...

Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Hà Sơn khẳng định: Để có được sự đồng thuận ủng hộ và tự giác bàn giao mặt bằng phục vụ dự án, xã Hà Sơn đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của dự án quốc gia đi qua địa bàn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, của cả nước và những lợi thế riêng của địa phương. Để thực hiện được điều đó, đội ngũ cán bộ trong thôn chính là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về đất đai, GPMB, tạo sự đồng thuận, khách quan và tin tưởng. Không chỉ ở lĩnh vực GPMB ở thôn Hà Hợp, mà trên địa bàn 8 thôn trong xã, hoạt động PBGDPL gắn với thực tiễn hoạt động của cán bộ ở cơ sở. Cán bộ các thôn, các tổ hòa giải ở cơ sở luôn tận tình, trách nhiệm, đến tận nhà các hộ dân tuyên truyền, phổ biến, giải quyết, phân xử các vụ tranh chấp trong khu dân cư, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Hoạt động này được gắn với các phong trào thi đua ở từng thôn hàng năm nên được thực hiện rất tích cực và hiệu quả. Nhờ vậy mà từ nhiều năm trở lại đây, xã Hà Sơn không có đơn, thư vượt cấp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm.

Hà Đông là xã có nhiều diện tích đất rừng, trong đó có 167 hộ dân trong xã được giao đất rừng sản xuất. Công tác tuyên truyền, PBGDPL mà chính quyền xã Hà Đông quan tâm chú trọng đó là các quy định của pháp luật liên quan đất đai, nhất là đất lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Phạm Thế Chinh, Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết: Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác PBGDPL của địa phương để người dân hiểu biết được cụ thể quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng khi thực hiện các hoạt động lâm nghiệp trên diện tích đất, rừng được giao. Các hoạt động tuyên truyền không đơn thuần trong các hội nghị, trên loa truyền thanh hay cấp phát tài liệu mà bằng những trường hợp cụ thể ngay tại địa phương. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã có phát sinh một số vụ việc tranh chấp diện tích đất rừng sản xuất giữa các hộ gia đình. Các vụ việc đã được chính quyền địa phương trực tiếp tiếp nhận và giải quyết bằng phương thức hòa giải. Cách thức mà cán bộ địa phương thực hiện đó là căn cứ vào hồ sơ, bản đồ qua các thời kỳ, hiện trạng sử dụng đất, UBND xã đã giao nhiệm vụ cho tổ công tác là đại diện lãnh đạo UBND xã, công chức chuyên môn, trưởng thôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật có liên quan. Tổ công tác được giao nhiệm vụ còn trực tiếp mời đại diện các gia đình đến vị trí đất rừng xảy ra tranh chấp để phân tích, giải thích, xem bản đồ, so sánh với thực tế, để người dân hiểu rõ vấn đề và tự hòa giải, thỏa thuận thống nhất cách thức giải quyết hợp lý, hợp tình. Những vụ việc hòa giải thành như vậy chính là hoạt động hữu hiệu gắn công tác PBGDPL của cán bộ ở cơ sở với thực tiễn chấp hành pháp luật của người dân tại địa phương.


Minh Hiền
Nguồn tin: (Baothanhhoa.vn)

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.