THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BAN DÂN TỘC
   

Kết quả 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  26/07/2023 10:21:41
Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017 và có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2018. Ngay sau khi Luật được thông qua, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 01/10/2017 về việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trên địa bàn tỉnh.

    Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại đơn vị, địa phương. Hằng năm, trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã ban hành Kế hoạch riêng hoặc lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác hằng năm để triển khai các nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước. 

     Để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh, cùng với việc ban hành các Kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2004/QĐ-UBND ngày 12/06/2023 về quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ, pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bồi thường nhà nước; tổ chức kiểm tra các địa phương về việc triển khai các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Qua đó, đã góp phần triển khai thống nhất, đồng bộ Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

     Để quán triệt, triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngay sau khi Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 được thông qua, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho cán bộ chủ chốt các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Lãnh đạo các huyện thị xã, thành phố. Sau hội nghị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp xã; in, phát hành 5.000 cuốn sách cẩm nang nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; trên 60.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phát luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước cấp phát cho cán bộ, công chức, người dân ở cơ sở. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước còn được Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức khác, như lồng ghép tuyên truyền nội dung pháp luật về Trách nhiệm bồi thường nhà nước thông qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác chuyên môn; tuyên truyền trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Trang tin điện tử, Bản tin tư pháp, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…nhằm phổ biến rộng rãi đến cán bộ, công chức các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành với các nội dung pháp luật liên quan thiết thực đến cán bộ, công chức và các tâng lớp nhân dân, như: Phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước, các giấy tờ làm căn cứ yêu cầu bồi thường nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường nhà nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác bồi thường nhà nước… Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về nội dung các quy định pháp luật, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

     Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan định kỳ hằng năm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành có nội dung liên quan đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Kết quả rà soát đến thời điểm hiện nay, tỉnh Thanh Hóa không ban hành văn bản quy pháp luật có nội dung liên quan đến Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Việc thực hiện các nội dung liên quan đến lĩnh vực pháp luật này trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

     Công tác hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ công chức được giao thực hiện công tác bồi thường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm thực hiện. Theo định kỳ hằng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức pháp luật về bồi thường nhà nước cho cán bộ, công chức làm công tác bồi thường nhà nước. Trong 05 năm qua, Sở Tư pháp tổ chức 16 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp, pháp luật, nghiệp vụ công tác về bồi thường nhà nước cho hơn 7.000 lượt cán bộ, công chức tư pháp, công chức làm công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh.

     Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có trường hợp cá nhân, tổ chức nào yêu cầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường, nên công tác xác định cơ quan giải quyết bồi thường mới chỉ tập trung vào công tác chỉ đạo, quán triệt thực hiện để các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ này kịp thời khi có yêu cầu bồi thường phát sinh. Sở Tư pháp đã luôn quan tâm phối hợp với các sở, ngành, địa phương quán triệt, phổ biến đến cán bộ, công chức làm công tác bồi thường nhà nước các quy định pháp luật về xác định cơ quan giải quyết bồi thường, nhất là xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp sáp nhập, chia tách, hợp nhất, giải thể; trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại đang công tác tại các cơ quan khác nhau…theo quy định tại điều 40, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và điều 32 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Đồng thời, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong mọi vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, Sở Tư pháp đều phải tham gia xác định cơ quan giải quyết bồi thường.

     Đối với công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hằng năm, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch kiểm tra và tổ chức kiểm tra công tác bồi thường nhà nước tại các huyện, thị xã, thành phố. Mỗi năm, Sở Tư pháp đã tổ chức kiểm tra công tác thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước từ 5 đến 7 đơn vị cấp huyện. Qua kiểm tra cho thấy các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai công tác bồi thường nhà nước theo Kế hoạch của tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp, quan tâm bố trí công chức làm đầu mối thực hiện công tác bồi thường nhà nước; tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn bằng các hình thức phù hợp. Đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không phát sinh khiếu nại, tố cáo về công tác bồi thường nhà nước.

     Tại Sở Tư pháp, đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường gồm có 3 người đều là kiêm nhiệm. Tại các Sở, ban, ngành tỉnh: Các cơ quan, tổ chức đều đã bố trí công chức Văn phòng hoặc Thanh tra…là đầu mối kiêm nhiệm công tác bồi thường nhà nước. Tại các huyện, thị xã, thành phố: đều bố trí công chức Tư pháp, Tư pháp - hộ tịch là dầu mối thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Về trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác bồi thường nhà nước hầu hết đều có trình độ đại học chuyên ngành Luật trở lên.

     Công tác thống kê, báo cáo về công tác bồi thường nhà nước luôn được Sở Tư pháp quan tâm chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu thực hiện nghiêm túc, đúng quy định chế độ báo cáo thống kê về công tác bồi thường nhà nước theo định kỳ 6 tháng, hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. 

     Công tác phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước Trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường nên công tác phối hợp đã và đang tập trung vào một số hoạt động như: Phối hợp trong công tác báo cáo thống kê; xây dựng kế hoạch, Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước…Qúa trình thực hiện các hoạt động này, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh.

     Có thể đánh giá, qua 05 năm triển khai Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Với việc quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước của của bộ, công chức và người dân. Giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của mình trong 6 việc yêu cầu bồi thường khi cơ quan nhà nước gây thiệt hại. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, hạn chế sai phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước; giúp cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm công tác bồi thường nhà nước nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước, nếu có phát sinh các vụ việc về bồi thường thì giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại, qua đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.