THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BAN DÂN TỘC
   

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa-từng bước đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công

Ngày tạo:  29/02/2024 09:55:56
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội.

      Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm nên lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện của các phòng, ban và đơn vị. Hằng tháng, Đảng ủy sở đưa nội dung cải cách hành chính vào Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ. Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu, phương hướng và biện pháp cụ thể để từ người đứng đầu đến từng đảng viên trong đảng bộ gương mẫu thực hiện. Ngay đầu năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính, trong đó, người đứng đầu mỗi phòng, ban, đơn vị tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được giao trách nhiệm với phương châm rõ người, rõ việc trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Kỷ cương, kỷ luật hành chính của mỗi cá nhân thực hiện nghiêm túc và được kiểm điểm, đánh giá thường xuyên. Mặc dù những văn bản quy phạm pháp luật của ngành lao động, thương binh và xã hội phát sinh nhiều, liên quan tới nhiều lĩnh vực và thường xuyên có sự thay đổi, sửa đổi, bổ sung nhưng không vì thế cán bộ, nhân viên của sở ngại khó không thực hiện nhiệm vụ đột phá. Nhiều phòng, ban của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc cả ngày nghỉ, giải quyết các thủ tục, hồ sơ thuộc lĩnh vực mình quản lý với phương châm “hết việc chứ không hết giờ”, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân.

Quầy tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của Sở LĐTB&XH tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

      Để tạo ra bước chuyển trong cải cách hành chính, Sở LĐTBXH tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử và đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Năm 2023, Sở LĐTBXH đã thanh tra, kiểm tra 4 đơn vị trực thuộc sở để đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để các đơn vị có những giải pháp khắc phục kịp thời. Công tác kiểm soát TTHC cũng được thực hiện thường xuyên. Trong năm qua, Sở LĐTBXH đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 7 quyết định công bố 4 TTHC mới ban hành, 14 TTHC sửa đổi, bổ sung và 13 TTHC bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Việc mở rộng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Theo đó, Sở LĐTBXH đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục 2 TTHC lĩnh vực người có công thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đưa vào thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh. Đó là thủ tục cấp trích lục hoặc sao hồ sơ người có công với cách mạng và TTHC di chuyển hồ sơ khi người hưởng trợ cấp ưu đãi thay đổi nơi thường trú. Việc công khai tất cả các TTHC thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và trên Trang thông tin điện tử của sở được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó, sở đã niêm yết công khai nội dung “ba không” để tổ chức, công dân được biết và giám sát trong quá trình cung cấp các dịch vụ công theo chức năng quản lý của sở.

     Thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực của ngành, Sở LĐTBXH đã đẩy mạnh sử dụng các phần mềm ứng dụng để cung cấp các dịch vụ công và giải quyết công việc. Nổi bật là phần mềm trực tuyến người có công, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, kế toán, quản lý tài sản, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức... Sở cũng thực hiện số hóa đối với các thành phần hồ sơ người có công mới phát sinh và đã có trên 330.000 hồ sơ người có công (đạt tỷ lệ 100%) được số hóa phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin và giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi được thuận tiện, dễ dàng so với trích lục hồ sơ giấy. Ngoài ra, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh hướng dẫn người lao động sử dụng dịch vụ công trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

       Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2023, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở LĐTBXH đã tiếp nhận 229.952 hồ sơ giải quyết TTHC. Kết quả, đã giải quyết 227.149 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn là 227.140 hồ sơ; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 2.803 hồ sơ, quá hạn 9 hồ sơ. Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, nguyên nhân dẫn đến 9 hồ sơ quá hạn đến từ yếu tố khách quan do các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chậm trễ trong việc phối hợp cung cấp bản trích lục hồ sơ thương binh và không có văn bản phúc đáp nên Sở LĐTBXH không có căn cứ để giải quyết TTHC và trả kết quả cho công dân.

       Nhằm tạo bước đột phá trong công tác cải cách hành chính, nhất là hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ hồ sơ chậm thời gian, tăng chỉ số hài lòng của tổ chức, công dân, thời gian tới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực của công tác CCHC mà trọng tâm là cải cách TTHC nhằm tạo ra nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa trong những năm tiếp theo.

 


Đức Mạnh
Nguồn tin: Phổ biến, giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.