THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH
   

Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo và triển khai công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền

Ngày tạo:  24/04/2023 18:35:28
Ngày 21 tháng 4 năm 2023, Ban chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-BCĐ chỉ đạo và triển khai công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền năm 2023.

        Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước năm 2023 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh các nước lớn có chiều hướng gia tăng; xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Kinh tế - tài chính thế giới tiếp tục suy thoái, tình hình lạm phát, giá cả tăng cao. Dấu hiệu khủng hoảng kinh tế đã diễn ra ở một số nơi, khả năng xảy ra các mâu thuẫn xã hội và sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở các nước sẽ là thách thức lớn ảnh hưởng đến vấn đề dân chủ, nhân quyền trong thời gian tới. Trong nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội vẫn giữ được ổn định. Năm 2023, với vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia, đóng góp nhiều hơn trong việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác về vấn đề nhân quyền, góp phần xóa bỏ định kiến sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền trong nước, cải thiện hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. 

       Tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do tác động của tình hình chung, dự báo các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục gia tăng trên các lĩnh vực, nhất là lợi dụng các vấn đề về dân chủ, tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện, xóa đói giảm nghèo, những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội…. Các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động lợi dụng không gian mạng để viết, đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch, tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, kích động gây mất ANTT tại địa phương. 

       Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo trong công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai những chính sách, giải pháp trong thực hiện các công tác liên quan đến bảo đảm quyền con người, đưa công tác đấu tranh bảo vệ quyền con người từng bước đi vào nền nếp, có chiều sâu. Chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên các lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người; kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền tại địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; Ngày 21 tháng 4 năm 2023, Ban chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-BCĐ chỉ đạo và triển khai công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền năm 2023.

       Ban chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa xác định rõ công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị; do đó lãnh đạo các ban, ngành, địa phương phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ phụ trách thực hiện tốt các nhiệm vụ có liên quan đến công tác nhân quyền thuộc lĩnh vực đơn vị mình phụ trách; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định.

        Để đảm bảo các mục tiêu đề ra, Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa đã xác định các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện cụ thể: 

        - Tiếp tục phổ biến, quán triệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới; Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư, các Thông báo, Hướng dẫn của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ về công tác đấu tranh, bảo vệ quyền con người... Qua đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vấn đề nhân quyền; nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ và đấu tranh về quyền con người. 

          - Tăng cường thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và các quyền cơ bản của công dân, tập trung vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, đất đai, chính sách đối với nhóm đối tượng yếu thế, người dễ bị tổn thương trong xã hội. 

       - Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nắm tình hình, đánh giá, dự báo các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân chủ, nhân quyền; kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương trên các lĩnh vực thuộc đơn vị mình phụ trách; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, kịp thời phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước. 

      - Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cho cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân. Mỗi cơ quan, ban, ngành, địa phương phát huy vai trò của từng cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền về quyền con người; đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế, nhằm đưa công tác thông tin, tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thông tin trong giai đoạn hiện nay. 

     - Chủ động nắm tình hình, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, giữ ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và kêu gọi đầu tư, hợp tác nước ngoài. Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền trên địa bàn; quản lý chặt chẽ lĩnh vực báo chí, thông tin - truyền thông, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các đối tượng lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền các nội dung xấu, độc; chủ động cung cấp thông tin chính thống cho truyền thông nhằm định hướng dư luận, làm giảm sự tác động, ảnh hưởng của thông tin xấu, độc, sai lệch liên quan đến dân chủ, nhân quyền.

      Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh Thanh Hóa đã phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị chuyên môn như Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc, Các thành viên khác của Ban chỉ đạo, UBND cấp huyện.. trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được phân công cụ thể hóa nội dung để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch.

       Đối với Sở Tư pháp  được Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh giao chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện công tác hành chính, tư pháp tại địa phương. Phối hợp theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách đã ban hành; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, không để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương, đặc biệt là những văn bản pháp luật mới, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân… Thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cho nhóm người dễ bị tổn thương, người tàn tật, gia đình chính sách, người nghèo…

      Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị chung của các dân tộc, được ghi nhận và bảo vệ bằng luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945, Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 và hai Công ước về quyền con người năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị). Đối với vấn đề này, quan điểm và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt các thời kỳ lịch sử là tôn trọng và bảo đảm quyền con người; quyền con người là quan điểm, nội dung xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013. Tại Điều 2 Hiến pháp khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”. Đặc biệt, Hiến pháp đã dành riêng Chương II để quy định về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. 

       Do đó việc Ban chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-BCĐ chỉ đạo và triển khai công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền năm 2023, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và đoàn thể cấp tỉnh, UBND các cấp cơ sở thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Thanh Hóa về công tác nhân quyền, đồng thời qua đó đảm bảo tốt hơn nữa những giá trị về nhân quyền, nâng cao năng lực đóng góp của mỗi cá nhân cho công đồng, góp phần đảm bảo đời sống tiến bộ và hạnh phúc, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển giầu mạnh./. 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.