THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH
   

Thanh Hóa chỉ đạo công tác nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày tạo:  21/06/2023 11:13:39
Ngày 20 tháng 6 năm 2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá ban hành Kế hoạch nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh

      Nhằm triển khai có hiệu quả và kịp thời Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Hướng dẫn số 9102/CV-TCTTKĐA ngày 23/12/2022 của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về triển khai số hoá hộ tịch của Bộ Tư pháp trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Công văn số 1557/CV-TCTTKĐA ngày 15/3/2023 của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về việc triển khai số hoá hộ tịch của Bộ Tư pháp, ngày 20 tháng 6 năm 2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá ban hành Kế hoạch nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

          Việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo yêu cầu: Tập trung nguồn lực để tiến hành nhập dữ liệu hộ tịch từ các sổ hộ tịch đang được lưu trữ tại Sở Tư pháp, các phòng Tư pháp và UBND các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) trên địa bàn toàn tỉnh trên Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp và CSDLQGVDC để làm cơ sở cho việc đồng bộ, làm sạch dữ liệu hộ tịch điện tử và dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đầy đủ, đúng tiến độ. Phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch; tăng cường sự phối hợp giữa Sở Tư pháp, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và bí mật thông tin công dân, tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo việc nhập dữ liệu hộ tịch kịp thời, đúng tiến độ, thời gian.

          Kế hoạch đã xác định rõ các nội dung triển khai như: 

          - Phạm vi nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là những dữ liệu hộ tịch từ các loại sổ hộ tịch đang được lưu trữ tại UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện và Sở Tư pháp.

          - Phương thức và quy trình thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch được thực hiện theo Quy trình số 1292/HTQTCT-QLHC ngày 20/12/2022 của Cục Hộ tịch quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an đã hướng dẫn.

          - Việc thực hiện bắt đầu từ ngày 25 tháng 6 năm 2023 và hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2023 và giao nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện cụ thể như sau: 

          + Nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp: Công chức tư pháp cấp xã nơi tạo lập dữ liệu hộ tịch (đăng ký hộ tịch) và lưu giữ sổ hộ tịch có trách nhiệm chuẩn bị các loại sổ hộ tịch để phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp trên địa bàn thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch. Đối với dữ liệu hộ tịch của công dân đang lưu trữ tại các sổ hộ tịch giấy ở Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp có trách nhiệm cung cấp dữ liệu hộ tịch đó cho UBND cấp xã, Công an cấp xã nơi đặt trụ sở của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và cử công chức tham gia phối hợp thực hiện nhập dữ liệu. Công chức Tư pháp trực tiếp đối soát thông tin từ sổ hộ tịch và phối hợp với Công an cấp xã nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch vào phần mềm hệ thống CSDLQGVDC. 

          + Nhiệm vụ Công an cấp xã: Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp truy cập vào Phần mềm nhập liệu và thực hiện nhập liệu. Thực hiện đối soát thông tin và phối hợp với công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện nhập liệu từ sổ hộ tịch vào phần mềm nhập liệu.

          Để đảm bảo các nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành trong quá trình thực hiện như: 

          Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn, đôn đốc công chức tư pháp, Công an cấp xã phối hợp trong việc thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch. Cử công chức phối hợp với công chức tư pháp hộ tịch, công an cấp xã thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch của Sở Tư pháp. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị. Tổng hợp kết quả thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch của các địa phương, báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định và kịp thời báo cáo, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này tại các đơn vị, địa phương. Hướng dẫn, đôn đốc Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã chuẩn bị các loại sổ hộ tịch, sẵn sàng phối hợp với cơ quan Công an để nhập dữ liệu hộ tịch. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận dữ liệu hộ tịch (sau khi nhập) do cơ quan công an chuyển giao, đảm bảo an toàn và bí mật thông tin. Sau khi hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch theo kế hoạch này, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn lực để hoàn thiện việc số hóa sổ hộ tịch (scan, đính kèm trang sổ hộ tịch) tương ứng, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

          Công an tỉnh: Chủ động phối hợp với C06 - Bộ Công an để giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực công tác của ngành công an trong quá trình triển khai nhập dữ liệu hộ tịch trên nền CSDLQGVDC. Bố trí cán bộ, thực hiện bảo mật thông tin, đảm bảo an ninh, an toàn trang thiết bị, phần mềm trong quá trình phối hợp thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch. Kiểm tra an ninh, an toàn đối với trường hợp trưng dụng máy tính để thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch. Phối hợp với Sở Tư pháp thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Công an cấp xã thực hiện nhập dữ liệu, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc nhập và đối chiếu dữ liệu hộ tịch với dữ liệu dân cư theo Quy trình 1292/HTQTCT-QLHC và Kế hoạch này bảo đảm chất lượng, an toàn và bí mật thông tin.

          Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về Ngân sách nhà nước. Đối với các nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán, trên cơ sở các nhiệm vụ được phê duyệt, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí các nhiệm vụ chi thuộc nguồn sự nghiệp ngân sách tỉnh để thực hiện Kế hoạch.

          Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận dữ liệu hộ tịch (sau khi nhập) do cơ quan công an chuyển giao, đảm bảo an toàn và bí mật thông tin.

          Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo rà soát thống kê số liệu hộ tịch cần số hóa; bố trí cán bộ, công chức, viên chức; kinh phí, cơ sở vật chất, huy động nhân lực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo việc nhập dữ liệu đạt kết quả, đúng thời gian, tiến độ. Cử công chức Phòng Tư pháp, đơn vị có liên quan phối hợp với công chức Tư pháp hộ tịch, công an cấp xã thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch lưu tại Phòng Tư pháp. Triển khai các nội dung của Kế hoạch này đến Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và chỉ đạo UBND cấp xã bố trí đầy đủ cơ sở vật chất; lực lượng công chức, viên chức thực hiện số hóa. Chịu trách nhiệm về thời gian, tiến độ, chất lượng, bảo mật của dữ liệu hộ tịch được số hóa tại địa phương. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hàng tuần (thời gian trước 16 giờ ngày thứ 6), tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại kế hoạch này (công tác xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai, tiến độ thực hiện nhập dữ liệu (số liệu cụ thể), việc bố trí nhân lực, kinh phí…) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp huyện nếu không chỉ đạo quyết liệt ảnh hưởng đến tiến độ đã đề ra.

          Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương thành lập một hoặc một số tổ nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng CSDLQGVDC (thành phần gồm: Lãnh đạo UBND cấp xã làm tổ trưởng; thành viên: Công an cấp xã, Công chức Tư pháp - hộ tịch, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Văn phòng, Địa chính - Xây dựng; Văn hóa - Xã hội,…) để thực hiện các nội dung của Kế hoạch này. Chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu rà soát, thống kê về số lượng dữ liệu hộ tịch thực hiện số hóa; chuẩn bị đầy đủ sổ hộ tịch, sẵn sàng phối hợp với cơ quan công an cấp xã thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch. Rà soát trang thiết bị; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, máy tính để đảm bảo việc nhập dữ liệu đúng tiến độ (phối hợp với cơ quan Công an để kiểm tra an ninh, an toàn trước khi sử dụng). Chịu trách nhiệm về thời gian, tiến độ, chất lượng, bảo mật của thông tin hộ tịch được số hóa của đơn vị. Ủy ban nhân dân cấp xã định kỳ hàng tuần (thời gian trước 11 giờ ngày thứ 6), tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện (qua Phòng Tư pháp) kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại kế hoạch này (công tác xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai, tiến độ thực hiện nhập dữ liệu (số liệu cụ thể), việc bố trí nhân lực, kinh phí…) để tổng hợp, báo cáo Sở Tư pháp và Công an tỉnh. Trong quá trình nhập liệu, thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác, thống nhất thông tin giữa CSDLQGVDC với Sổ hộ tịch.

          Với những mục tiêu rõ ràng, các nhiệm vụ cụ thể cùng sự chỉ đạo đầy đủ, kịp thời của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở ngành và UBND các cấp có liên quan, chắc chắn công tác thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ đạt được kết quả cao, đảm bảo triển khai đầy đủ các nội dung theo đúng sự chỉ đạo của Trung ương và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của UBND tỉnh Thanh Hóa./.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.