THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH
   

Cần thiết phải ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Ngày tạo:  25/06/2024 15:28:02
Việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội… Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCCC hiện hành là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trong thực tiễn. 

Mặt khác, qua giám sát tối cao của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018” đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập mà đến nay chưa được khắc phục triệt để như: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCCC và CNCH; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC; việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện; việc xây dựng lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở và dân phòng; việc tổ chức PCCC tình nguyện... Việc xây dựng, ban hành Luật PCCC và CNCH là cần thiết để khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập nêu trên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới; cụ thể:

- Quy định cụ thể về trách nhiệm PCCC và CNCH, đặc biệt là của người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, chủ đầu tư dự án, công trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thẩm định, thẩm tra về PCCC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định; quy định việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, CNCH phù hợp với thực tiễn; quy định về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện, bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện: quy định cụ thể hơn về PCC tình nguyện, xây dựng lực lượng PCCC và CNCH...

- Quy định về cơ sở đảm bảo bao quát, phù hợp với thực tiễn do thực tế hiện nay các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thường xuyên thay đổi, phát sinh mới; một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở và trong phạm vi một cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức thuê, mua, sử dụng mặt bằng để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

- Rà soát sửa đổi các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy để khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập, thống nhất với một số luật hiện hành có liên quan, bảo đảm tính khả thi; bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cụ thể: Rà soát, bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ đối với các loại hình nhà ở, nhà sử dụng để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, về sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa và các chất dễ cháy, nổ; quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong Luật Phòng cháy và chữa cháy cần rà soát điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính; rà soát quy định về PCCC rừng cho thống nhất với Luật Lâm nghiệp; rà soát quy định về tiêu chuẩn PCCC cho thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Phòng cháy và chữa cháy chưa phân định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thẩm định, thẩm tra về PCCC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định; về khái niệm thẩm duyệt thiết kế về PCCC cũng cần được điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xây dựng; quy định về điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy chưa bảo đảm tính khả thi; quy định về bồi thường tài sản tham gia chữa cháy còn quy định chung chung; về quy định xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy, phương án CNCH cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi; về xây dựng, bố trí lực lượng PCCC và CNCH cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và khả năng bảo đảm của từng loại hình cơ sở, từng địa phương. Về quy định trang bị phương tiện PCCC đối với các loại hình cơ sở, phương tiện giao thông cần được rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý. Rà soát, điều chỉnh quy định về thanh tra trong Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Thanh tra để bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Về bảo đảm điều kiện hoạt động PCCC, CNCH cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy không còn phù hợp với tình hình thực tế cần được sửa đổi như việc thực hiện yêu cầu khu dân cư phải có các quy định, nội quy về PCCC; bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù do hiện nay đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng trực tiếp; sửa đổi các quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng dân phòng cho đồng bộ, thống nhất với một số luật có liên quan...

Hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể như:

- Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC đề ra nhiệm vụ: Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC ở các cấp. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác PCCC. Ưu tiên đầu tư ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện và các điều kiện bảo đảm PCCC và CNCH; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ PCCC và CNCH ở trong nước.

- Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC, CNCH; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác PCCC; xây dựng chế độ, chính sách thu hút các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp trang thiết bị về PCCC và CNCH. Huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực từ bảo hiểm cháy, nổ để đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất phục vụ công tác PCCC, CNCH. Tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại. Kiện toàn, củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách PCCC tại cơ sở, có chế độ, chính sách phù hợp để phát huy vai trò của lực lượng này trong PCCC tại chỗ. Thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế về PCCC và CNCH.

- Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (CNCH); ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ CNCH, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.

Tuy nhiên việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về PCCC, CNCH, đặc biệt là nội dung xã hội hoá công tác PCCC còn hết sức hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách cũng như sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, thống nhất từ trung ương đến địa phương; chưa khuyến khích được doanh nghiệp, người dân cùng tham gia. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật PCCC và CNCH là thực sự cần thiết để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác PCCC, CNCH.

Việc xây dựng, ban hành Luật PCCC và CNCH cũng đã được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và được đưa vào chương trình Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Cụ thể:

- Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Tổng kết, rà soát, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy và các quy định của pháp luật có liên quan; chủ động rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bảo đảm ngân sách nhà nước cho hoạt động PCCC và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện quy định về hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng và đội PCCC cơ sở không chuyên trách. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC.

Tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) đề ra nhiệm vụ xây dựng dự án Luật điều chỉnh về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Đồng thời cần phải bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật.

- Hoạt động CNCH của lực lượng PCCC và CNCH có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH... và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy; đồng thời, qua rà soát các luật hiện hành cho thấy mới chỉ có quy định về hoạt động tìm kiếm, CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai, thảm hoạ, xảy ra trên quy mô lớn, diện rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, phòng thủ dân sự, năng lượng nguyên tử, hóa chất, biển, hải đảo, môi trường…, còn đối với hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và CNCH đang thực hiện như sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ (các sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày hiện nay đang được quy định trong Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy).

- Thực tiễn hiện nay cho thấy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quản lý nhà nước về CNCH và là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thường trực trong công tác CNCH, có đầy đủ các điều kiện, khả năng để thực hiện nhiệm vụ; cụ thể:

+ Về lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được bố trí từ trung ương đến cơ sở. Ở trung ương có Cục Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc Bộ Công an (trong đó đã thành lập Phòng CNCH), có Trường Đại học PCCC đào tạo chuyên sâu về công tác PCCC và CNCH. Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều xây dựng, bố trí lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH với các phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, các đội Cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm, khu vực và các đội, tổ Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ PCCC và CNCH.

+ Về trang bị phương tiện PCCC và CNCH, hiện nay lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong toàn quốc đã được trang bị xe chuyên dùng các loại phục vụ công tác PCCC và CNCH, bao gồm: Xe chữa cháy, xe CNCH, xe thang chữa cháy và CNCH, xe chuyên dùng khác; được trang bị tàu, xuồng, cano chữa cháy, CNCH, máy bơm chữa cháy, máy bơm nổi... Đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án, dự án trang bị phương tiện PCCC và CNCH. Hằng năm, nhà nước đều bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC, CNCH.

+ Theo thống kế trong 10 năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH được 20.857 vụ; trong đó thực hiện CNCH đối với 13.613 vụ cháy; cứu được 6.468 người; tìm kiếm được 3.129 xác nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. 

- Bên cạnh lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nòng cốt, chuyên trách thì còn có các lực lượng PCCC ở địa phương, cơ sở đang được giao tham gia thực hiện nhiệm vụ PCCC, CNCH, bao gồm: Lực lượng PCCC chuyên ngành (đã thành lập 685 đội với 11.179 đội viên); lực lượng PCCC cơ sở (đã thành lập 440.482 đội với 2.788.121 đội viên); lực lượng dân phòng đang được giao tham gia thực hiện các nhiệm vụ PCCC và CNCH và được thành lập ở thôn, tổ dân phố (toàn quốc đã thành lập được 79.672 đội với 808.118 đội viên); lực lượng PCCC tình nguyện (đã thành lập 2.419 đội với 24.299 đội viên).

- Nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giao nhiệm vụ CNCH cho lực lượng PCCC và CNCH chuyên trách làm nòng cốt đảm nhiệm; bên cạnh đó, tham gia phối hợp còn có các lực lượng khác ở cơ sở đã đem lại hiệu quả cao trong công tác CNCH khi xảy ra các tình huống, sự cố. 

Từ phân tích nêu trên cho thấy, cần phải quy định đầy đủ trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các nội dung về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và CNCH đang thực hiện và chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự; bao gồm, sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác chưa được quy định trong văn bản luật; đồng thời, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các quy định về: Tổ chức, hoạt động, phạm vi CNCH, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác CNCH; công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về CNCH và những vấn đề khác có liên quan tới công tác CNCH để vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; vừa tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể những nhiệm vụ mà lực lượng chức năng được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện trong công tác CNCH để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải pháp phòng ngừa, phân công, phân cấp gắn trách nhiệm trong hoạt động PCCC, CNCH. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.