THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH
   

Một số giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở 2013

Ngày tạo:  20/12/2023 14:15:34
Đánh giá về kết quả qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có thể nhận thấy công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực như:

      Việc triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật giúp cho cán bộ và nhân dân hiểu và thực hiện tốt các quy định, đồng thời các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã giải quyết được nhiều vụ hòa giải thành công, những con số về việc tiến hành hòa giải ở cơ sở đã chứng minh rõ nét hiệu quả của công tác này. Thanh Hóa đã tiếp nhận trên 45.654 vụ việc, kết quả đã hòa giải thành là 38.860 vụ việc; đạt trên 85% (trong đó có nhiều đơn vị tỉ lệ hòa giải thành cao trên 90% như: Nga Sơn, Quan Hóa, Bỉm Sơn, Triệu Sơn, Lang Chánh, Mường Lát, Như Thanh, Nông Cống, Quan Sơn, Đông Sơn…). 

        Nhìn chung hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, UBND các cấp ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó, quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, thực hiện; sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật đã góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. 

      Công tác kiện toàn, củng cố và tập huấn nghiệp vụ cho các tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên luôn được thực hiện kịp thời. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, quy tụ được lực lượng nòng cốt, người có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư. Các tổ hòa giải ở cơ sở đều thực hiện đúng quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn vản hướng dẫn thi hành. 

- Chất lượng đội ngũ hòa viên đã từng bước được nâng lên. Công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Việc cung cấp văn bản, tài liệu cho các tổ hòa giải, hòa giải viên được thực hiện kịp thời. Nhiều địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện hòa giải, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.

Kết quả đó đã góp phần giảm thiểu số vụ, việc tranh chấp phải đưa lên cơ quan có thẩm quyền và Tòa án giải quyết; xây dựng đời sống văn hóa gia đình, cộng đồng, xã hội bình yên, ổn định và phát triển. 

Nguyên nhân những kết quả đó có được là do tổng thế nhiều yếu tố, xong có những nguyên nhân trọng tâm như: 

      Thanh Hóa đã làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, sự quan tâm của  UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan cấp tỉnh cũng như UBND cấp huyện và nhất là chính quyền cơ sở trong quá trình thực thi Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. 

        Đã quan tâm đến việc thực hiện quán triệt, triển khai, tuyên truyền các quy định pháp luật cho các tầng lớp cán bộ và Nhân dân trên địa bàn, đồng thời thực hiện tốt việc tập huấn nghiệp vụ về hòa giải cho đội ngũ cán bộ và hòa giải viên làm công tác hòa giải trên địa bàn.

          Thường xuyên thực hiện việc phát triển, kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ về Hòa giải ở cơ sở đảm bảo đội ngũ này đủ khả năng giải quyết các vụ việc thuộc phạm vi hòa giải trên địa bàn.

          Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, khen thưởng công tác hòa giải ở cơ sở hàng năm luôn được quan tâm thực hiện hàng năm, đảm bảo kịp thời và hiệu quả.

Hoạt động phối hợp trong công tác Hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ và triển khai chặt chẽ giữa các cơ quan Tư pháp, Mặt Trận, Tòa án, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân; Hội Luật gia các cấp, đảm bảo hiệu quả trong triển khai, thi hành các nhiệm vụ.

        Khó khăn, hạn chế

         Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như sau:

       Hiện nay, tính chất mức độ của các tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở ngày càng phức tạp. Việc tăng dân số, sức ép của việc làm, mặt trái của kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa nhanh...đã làm cho các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, người dân lao động ngày càng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực sở hữu tài sản, đất đai, hôn nhân gia đình. Trong khi đó hòa giải viên thường kiêm trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.... nên chưa phát huy hết tính tích cực, chủ động, chuyên tâm trong giải quyết các vụ việc. 

       Một số địa phương chưa kịp thời chỉ đạo kiện toàn về tổ chức; chưa quan tâm bố trí đảm bảo các nguồn lực dành cho công tác hòa giải ở cơ sở; chế độ thù lao, chế độ chính sách với hòa giải viên còn thấp, mang tính động viên, ở một số nơi việc này chưa được quan tâm.

          Một số hòa giải viên chưa thực sự phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc học tập, trang bị thêm nghiệp vụ, kiến thức pháp luật trong tổ chức hòa giải các tranh chấp. 

          Trong tổ chức và hoạt động: Một số hòa giải viên chưa mạnh dạn, ngại va chạm, thiếu nhiệt tình, thiếu tâm huyết nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh; một số nơi thường xuyên biến động, thay đổi về hòa giải viên nhưng không kịp thời kiện toàn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động hòa giải ở cơ sở; 

       Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và phổ biến kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên ở một số địa phương còn chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

       Nguyên nhân

      Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

       Một số địa phương cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải nên chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, sát sao đối với công tác này, chưa thường xuyên rà soát, có giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở một số nơi chưa nhận thức rõ vai trò, vị trí nòng cốt của mình trong công tác hòa giải, nên chưa tham gia tích cực, chủ động vào việc củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương.

       Nhận thức của một bộ phận dân cư về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của hòa giải viên, tổ hòa giải, hòa giải ở cơ sở chưa đúng nên có những vụ việc không thuộc phạm vi hòa giải vẫn yêu cầu hòa giải; hoặc các bên tranh chấp còn thiếu hợp tác với tổ hòa giải; hoặc thiếu tin tưởng vào kết quả hòa giải thành và chưa chủ động, tích cực giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật phát sinh tại cơ sở bằng biện pháp hòa giải ở cơ sở.

       Một số văn bản QPPL về hòa giải ở cơ sở có những điểm chưa phù hợp; quản lý nhà nước còn bất cập, chưa thực sự hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa thường xuyên. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm.

       Đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở số lượng ít, phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, lại chưa được chuẩn hóa. Năng lực của một bộ phận công chức nhất là ở cơ sở còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, và từ đó ảnh hưởng tới chất lượng tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

      Chưa huy động được đội ngũ luật gia, luật sư, công chức, thẩm phán, hội thẩm nhân dân… tham gia hỗ trợ hòa giải viên trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, dẫn đến việc bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho hòa giải viên chưa bài bản, thiếu hiệu quả.

        Việc đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở nói chung và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên hiện nay tại các địa phương không đồng đều, thiếu thống nhất, thiếu cơ chế đầu tư tổng thể, toàn diện từ Trung ương đến địa phương; không huy động được các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở.

       Ở một số địa bàn, nơi đời sống kinh kế còn thiếu thốn, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại nặng nề nên việc thuyết phục, giải thích cho các bên hiểu để hòa giải với nhau là rất khó khăn.

          Kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế.

     Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

     Để tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai, thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

     Một là:Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Quan tâm thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; phong trào xây dựng nông thôn mới. 

      Hai là: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở trong việc ổn định an ninh chính trị trong cộng đồng dân cư.

       Ba là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai, thực hiện.

           Bốn là: Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đảm bảo số lượng, chất lượng. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Chủ động cung cấp tài liệu cho hòa giải viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.

               Năm là: Quan tâm bố trí kinh phí cho tổ hòa giải, hòa giải viên và các điều kiện bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời tăng cường xã hội hóa và đa dạng các nguồn lực xã hội cho công tác hòa giải ở cơ sở. 

                Sáu là: Duy trì thường xuyên, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác hòa giải ở cơ sở.

               Bảy là: Kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình điểm, cá nhân điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở.

              Một số đề xuất, kiến nghị:

              Để công tác Hòa giải ở cơ sở phát huy tốt vai trò và ý nghĩa đối với xã hội, đề nghị Bộ Tư pháp cần quan tâm tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ tham mưu cho Ban Bí thư ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ này, qua đó có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác Hòa giải ở cơ sở. 

               Gắn công tác Hòa giải ở cơ sở với công tác dân vận, trong đó có sự vào cuộc của các đoàn thể và công an ở cơ sở, đảm báo sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ và phân rõ trách nhiệm vủa các bên.

         Hướng dẫn và chỉ đạo rõ trách nhiệm bố trí kinh phí cho công tác này, đảm bảo có nguồn lực để thực hiện một cách hiệu quả.

           Gắn hoạt động hòa giải với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dân tộc miền núi… để qua đó đảm bảo hiệu quả công tác hòa giải tại các địa phương, góp phần xây dựng cuộc sống của nhân dân ổn định.

            Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền cùng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có những giải pháp trọng tâm như trên, chắc chắn trong thời gian tới công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ở cộng đồng dân cư, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. 

 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.