THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH
   

Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo tuyên truyền nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới

Ngày tạo:  05/07/2023 14:29:16
Ngày 04 tháng 7 năm 2023, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND tuyên truyền nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới.

Nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo đảm quyền con người; những thành tựu của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực, giúp cho các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.  Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vấn đề quyền con người và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, đấu tranh về quyền con người; từ đó nêu cao trách nhiệm và ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá ta. Đồng thời thông qua công tác tuyên truyền góp phần đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền vu cáo, xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trên địa bàn tỉnh.

  Trên cơ sở Kế hoạch số 04/KH-BCĐNQ ngày 12/5/2023 của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ về triển khai hoạt động tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2023); Ngày 04 tháng 7 năm 2023, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND tuyên truyền nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới.

  Việc thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền phải đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức; phát huy được vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác thông tin, tuyên truyền thành tựu của Việt Nam đã đạt được trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người.

  Trên cơ sở mục đích đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra những nhiệm vụ công tác trọng tâm:

  - Tăng cường công tác nắm tình hình, tổng hợp, phân tích thông tin, dự báo âm mưu, ý đồ hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá ta để tham mưu định hướng nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp; chú trọng khai thác thế mạnh của nền tảng số, mạng xã hội nhằm truyền tải kịp thời thông tin chính thống đến quần chúng nhân dân, đa dạng các hình thức tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào trong tôn giáo.

  Tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm quyền con người; các Công ước về quyền con người của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; pháp luật về quyền con người ở Việt Nam như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD); Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Trẻ em; Luật Đặc xá; Luật An ninh mạng… 

  - Chủ động thông tin, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền con người ở địa phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó tập trung làm nổi bật những thành tựu trên các lĩnh vực mà các thế lực thù địch quan tâm lợi dụng như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo; công tác dân tộc, xóa đói giảm nghèo; công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chế độ, chính sách đối với người có công, đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính; công tác bảo đảm bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và xâm hại trẻ em; công tác đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng, quản lý, giáo dục can phạm, phạm nhân…

  - Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin truyền thông, Internet; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Huy động tối đa các lực lượng tham gia đấu tranh, phản bác kịp thời, có sức thuyết phục đối với những luận điệu vu cáo, tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. 

   - Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 96/KH-BCĐ ngày 21/4/2023 của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh về công tác bảo đảm và đấu tranh về Nhân quyền năm 2023.

  Để các nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn cũng như đề nghị các cơ quan liên quan triển khai và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ như: Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Văn Phòng UBND tỉnh,  Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Ngoại vụ, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Tư pháp; Sở Nội vụ; Ban Dân tộc; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới.

  Cùng với Kế hoạch số 183/KH-UBND tuyên truyền nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới, trước đó ngày 21 tháng 4 năm 2023, Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-BCĐ về công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền năm 2023. 

     Tại Kế hoạch này Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh đã xác định năm 2023, tình hình thế giới, khu vực và trong nước dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh các nước lớn có chiều hướng gia tăng; xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Kinh tế - tài chính thế giới tiếp tục suy thoái, tình hình lạm phát, giá cả tăng cao. Dấu hiệu khủng hoảng kinh tế đã diễn ra ở một số nơi, khả năng xảy ra các mâu thuẫn xã hội và sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở các nước sẽ là thách thức lớn ảnh hưởng đến vấn đề dân chủ, nhân quyền trong thời gian tới. Trong nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội vẫn giữ được ổn định. Năm 2023, với vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia, đóng góp nhiều hơn trong việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác về vấn đề nhân quyền, góp phần xóa bỏ định kiến sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền trong nước, cải thiện hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do tác động của tình hình chung, dự báo các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục gia tăng trên các lĩnh vực, nhất là lợi dụng các vấn đề về dân chủ, tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện, xóa đói giảm nghèo, những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội…. Các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động lợi dụng không gian mạng để viết, đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch, tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, kích động gây mất ANTT tại địa phương. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; Ban chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền năm 2023 và quan tâm triển khai các nội dung như:

  - Tiếp tục phổ biến, quán triệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới; Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư, các Thông báo, Hướng dẫn của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ về công tác đấu tranh, bảo vệ quyền con người... Qua đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vấn đề nhân quyền; nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ và đấu tranh về quyền con người.

  - Tăng cường thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và các quyền cơ bản của công dân, tập trung vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, đất đai, chính sách đối với nhóm đối tượng yếu thế, người dễ bị tổn thương trong xã hội. 

  - Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nắm tình hình, đánh giá, dự báo các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân chủ, nhân quyền; kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương trên các lĩnh vực thuộc đơn vị mình phụ trách; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, kịp thời phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước. 

  - Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cho cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân. Mỗi cơ quan, ban, ngành, địa phương phát huy vai trò của từng cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền về quyền con người; đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế, nhằm đưa công tác thông tin, tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thông tin trong giai đoạn hiện nay. 

  - Chủ động nắm tình hình, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, giữ ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và kêu gọi đầu tư, hợp tác nước ngoài. Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền trên địa bàn; quản lý chặt chẽ lĩnh vực báo chí, thông tin - truyền thông, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các đối tượng lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền các nội dung xấu, độc; chủ động cung cấp thông tin chính thống cho truyền thông nhằm định hướng dư luận, làm giảm sự tác động, ảnh hưởng của thông tin xấu, độc, sai lệch liên quan đến dân chủ, nhân quyền.

  Qua các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là các sở ngành chuyên môn và UBND các cấp. Các nhiệm vụ về bảo vệ nhân quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được triển khai và thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tốt hơn các quyền lợi của người dân đồng thời nâng cao những giá trị cuộc sống mà Nhân dân được thụ hưởng, đáp ứng được xu hướng phát triển của thế giới trong tình hình hiện nay./.


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.