THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH
   

Tìm hiểu một số nội dung của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024

Ngày tạo:  26/05/2025 14:42:40
Những điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ?

Trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy còn hiệu lực, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tiếp tục bổ sung các quy định mới, điều chỉnh các quy định còn chưa cụ thể, đầy đủ nhằm bảo đảm toàn diện, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện. Cụ thể là:

1. Bổ sung quy định cụ thể các hoạt động cứu nạn, cứu hộ có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà chưa được quy định trong văn bản Luật, gồm các nội dung cơ bản sau: (1) phân định rõ các tình huống cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ trì thực hiện; (2) quy định cụ thể về trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ; (3) quy định về người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; (4) quy định cụ thể về việc huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ; (5) quy định về công tác phối hợp của lực lượng phòng cháy, chữa cháy với các lực lượng khác khi tham gia cứu nạn, cứu hộ đối với các tình huống thảm họa, thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể như: bổ sung trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; bổ sung trách nhiệm của chủ hộ gia đình trực tiếp sử dụng nhà ở; bổ sung trách nhiệm của những người có liên quan đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ nhà ở; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... 

3. Bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn về yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo đó, khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng cấp độ quy hoạch, cụ thể: quy hoạch chung phải có nội dung phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch phân khu phải có nguồn nước và phương án tổ chức mạng lưới cấp nước chữa cháy, mạng lưới giao thông phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, vị trí, quy mô của trụ sở đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy hoạch chi tiết phải có đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống bảo đảm cho xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai hoạt động, nguồn nước chữa cháy, nguồn điện phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, địa điểm cho đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4. Bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy cho một số đối tượng nhà, công trình mà Luật hiện hành chưa điều chỉnh, cụ thể là điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, bổ sung quy định đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương mà thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy thì phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định; đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

5. Điều chỉnh các quy định của Luật hiện hành liên quan đến hoạt động thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về xây dựng và các pháp luật chuyên ngành khác. Theo đó, sẽ thay hoạt động thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy thành hoạt động thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Phân định rõ thẩm quyền thực hiện công tác thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy cho các cơ quan chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; cụ thể giao cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với nội dung thuộc chuyên môn về xây dựng như khoảng cách phòng cháy, chữa cháy, đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, giải pháp thoát nạn, dự kiến bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, giải pháp chống khói; cơ quan đăng kiểm thẩm định thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với các phương tiện có yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy như giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cho hệ thống cung cấp năng lượng, nhiên liệu và động cơ, hệ thống, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ; cơ quan Công an thẩm định thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với hệ thống điện phục vụ phòng cháy, chữa cháy và phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy

6. Bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về phòng cháy, chữa cháy điện trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh; quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thiết bị điện và đơn vị bán lẻ điện trong việc hướng dẫn về bảo đảm an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất.

7. Bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về hoạt động chữa cháy, gồm quy định cụ thể trách nhiệm chữa cháy; việc huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy; nguồn nước chữa cháy; người chỉ huy chữa cháy; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy; việc tổ chức khắc phục hậu quả vụ cháy; công tác bảo vệ hiện trường, điều tra vụ cháy; việc chữa cháy trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế…

8. Bổ sung các quy định nhằm xây dựng và củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc thành lập, quản lý lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành, lực lượng dân phòng để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng này trong thực tiễn; bổ sung quy định ưu tiên thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tham gia Đội dân phòng cũng như bổ nhiệm Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng để phù hợp với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Để khuyến khích người dân tự nguyện tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung quy định cụ thể về việc đăng ký, huấn luyện, bồi dưỡng cũng như chính sách phát triển phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện. Đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung quy định Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đào tạo, bồi dưỡng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng như người được huy động, tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, đã bổ sung quy định sĩ quan, hạ sĩ quan điều khiển, vận hành phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ theo pháp luật về Công an nhân dân; góp phần tháo gỡ khó khăn về chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ lái xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên cả nước.

9. Sửa đổi các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, đã bãi bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm xã hội hóa hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện thông thoáng cho cơ sở, doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra giám sát quản lý của cơ quan nhà nước, theo đúng chủ trương của Đảng về việc “đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy”, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Sau khi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành, việc quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy tiếp tục hoạt động và tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh, các quy định khác của pháp luật có liên quan.

10. Bãi bỏ quy định về kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thay vào đó, quy định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi lưu thông trên thị trường phải bảo đảm về chất lượng, đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy nhập khẩu phải đúng với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Trường hợp giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau được thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy phải được cấp phép trước khi lưu thông trên thị trường.

11. Bổ sung các quy định bao quát, cụ thể hơn về chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để phù hợp với yêu cầu, tính chất đặc biệt nguy hiểm, nặng nhọc của ngành nghề này. Bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đầu tư, xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

12. Bổ sung quy định về việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành. Bổ sung quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực đô thị không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã quy định việc xử lý đối với đối tượng này theo hướng giao UBND cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý; giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý; giao người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực có các công trình xây dựng không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở. Quy định như trên là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của các chủ thể được giao nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, thống nhất khi triển khai trên thực tiễn.

13. Về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: sau khi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.