THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH
   

Một số kết quả trong thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  21/11/2022 08:12:53
Ngày 08 tháng 7 năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

 Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; Ngày 08/7/2019 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Bên cạnh đó, hằng năm Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải để giải quyết kịp thời, hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến toàn diện công tác hòa giải ở cơ sở ở địa phương.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Tư pháp đã ban hành nhiều Kế hoạch văn bản triển khai (Kế hoạch số 281/KH-STP ngày 20/5/2020 về tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở năm 2020; Kế hoạch số 632/KH-STP ngày 31/10/2020 trang bị sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải; Kế hoạch số 139/KH-STP ngày 12/3/2021 về triển khai thực hiện hướng dẫn và tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 2021; Căn cứ Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 21/3/2022 của Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa về triển khai thực hiện hướng dẫn và tổ chức hoạt động Hòa giải ở cơ sở năm 2022), 100% các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành văn bản triển khai (kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện..) và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án được duy trì thành nề nếp, thường xuyên. Hằng năm, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh tham mưu Hội đồng phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh (như: Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 01/10/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2019; Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh về kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2020; Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh về việc kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021; Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 05/10/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc kiểm tra công tác PBGDPL, công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022);

Qua kiểm tra đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở, cung cấp tài liệu cho các tổ hòa giải, hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên, hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải theo quy định Thông tư liên tịch 100/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Hội đồng phối hợp cấp huyện cũng thường xuyên tiến hành tự kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, thông qua đó đã hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên ở cơ sở.

Một số kết quả nổi bật như:

- Hoạt động phát hành các tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ; tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên, tập huấn viên: Căn cứ khung chương trình đào tạo do Bộ Tư pháp ban hành, Sở Tư pháp đã rà soát, lựa chọn các nội dung và đăng tải trên trang Webesite của Sở để hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trong giai đoạn 2019-2022, Sở Tư pháp đã cấp phát 4.366 cuốn sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. biên soạn, in ấn, cấp phát hơn 15.000 tờ gấp pháp luật trong đó có lồng ghép vào các nội dung về hòa giải ở cơ sở. Cấp phát gần 5.000 cuốn sổ tay về hòa giải.

- Công tác xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện: Thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ tập huấn viên tại Đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định công nhận 05 tập huấn viên cấp tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố hiện có tổng số 68 tập huấn viên cấp huyện. Đội ngũ tập huấn viên của tỉnh là những người có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; luôn bám sát vào tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện các hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định của pháp luật.

- Công tác xây dựng đội ngũ hòa giải viên, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ báo cáo viên hòa giải viên

Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh rà soát, kiện toàn các tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4.151 tổ hòa giải với 26.909 hòa giải viên. Các tổ hòa giải được kiện toàn theo thôn, xóm, tổ dân phố (trung bình mỗi thôn, phố một tổ hòa giải) đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn; thành phần Tổ hòa giải là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; cán bộ MTTQ, thanh niên, phụ nữ, già làng, chức sắc tôn giáo; đa số tổ trưởng Tổ hòa giải là Bí thư chi bộ kiêm nhiệm. Các tổ hòa giải đã kiện toàn thành viên nữ tham gia; đối với những địa phương có người dân tộc sinh sống đã bổ sung thành viên tổ hòa giải là người dân tộc tham gia thành viên tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Sở đã tổ chức 18 hội nghị triển khai hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho 5.000 hòa giải viên; hơn 300 đợt tuyên truyền kết hợp với tư vấn pháp luật, trợ giúp miễn phí tại cơ sở cho hơn 6.500 hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật và Nhân dân tại các xã vùng bãi ngang, ven biển, khu vực miền núi, biên giới thuộc các đơn vị Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nghi Sơn, Sầm Sơn và các xã miền núi, vùng dân tộc tại huyện Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn.....

Sở Tư pháp đã mở các lớp tập huấn chuyên sâu kỹ năng về hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Sở đã chủ trì tổ chức      18 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL, tập huấn cho hơn 5.000 hòa giải viên; phối hợp với Hội đồng phối hợp cấp huyện tổ chức 100 hội nghị tập huấn cho 17.590 tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở, thành viên các câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật. 

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn nhằm trang bị thêm kiến thức pháp luật, phương pháp, kỹ năng PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, giải quyết, xử lý các tình huống cụ thể trong từng lĩnh vực pháp luật.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên là một trong những vấn đề cần thiết. Để tăng cường hiệu quả tập huấn, nội dung bài giảng được đầu tư xây dựng, sử dụng công nghệ thông tin kết hợp hình ảnh, văn bản… tạo ra sự sống động, dễ tiếp thu, dễ nhớ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời hướng dẫn hòa giải viên chủ động truy cập vào các trang website như: Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Trang thông tin về pháp luật để nghiên cứu các văn bản luật khi cần thiết.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 29/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 11/10/2019 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan như Sở Thông tin và truyền thông, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan xây dựng Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Thanh Hóa (tên miền: http://pbgdpl@thanhhoa.gov.vn). Trang gồm 15 chuyên mục trong đó có chuyên mục công tác hòa giải ở cơ sở và có sự liên kết với Cổng/Trang của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và đơn vị các sở, ban ngành đoàn thể và 27  huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu chung của Đề án và thực tiễn của địa phương. Các sở, ban ngành và địa phương đã bố trí đường dẫn, biểu tượng tại vị trí dễ nhận biết dẫn đến Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thanh Hóa; cử cộng tác viên tham gia viết tin, bài, phổ biến pháp luật trên Trang. Đến nay Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã đăng tải được nhiều tin, bài, ảnh thu hút lượng lớn truy cập tìm kiếm thông tin.

Việc xây dựng Trang thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật Thanh Hóa là một trong những kết quả nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nói chung và công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng; đây là một kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là địa chỉ cung cấp văn bản pháp luật mới cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ hòa giải viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. 

Đánh giá chung:

Trong những năm qua công tác hòa giải được các cấp, các ngành xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy công tác hòa giải luôn được quan tâm sâu sát. Qua triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được các mục tiêu đề ra, cụ thể như sau: Đội ngũ hòa giải viên đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình khung của Bộ Tư pháp; 100% hòa giải viên được nghiên cứu, cập nhật bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải; 100% hòa giải viên được cung cấp các tài liệu về hòa giải và các văn bản liên quan. Hàng năm các hòa giải viên được kiện toàn đảm bảo số lượng, cơ cấu, thành phần theo quy định. 

Công tác hòa giải được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của hòa giải viên nâng lên, hiểu rõ tầm quan trọng của hòa giải cơ sở trong việc đảm bảo tình hình trật tự, an toàn xã hội, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư tại địa phương. Kết quả: Trong giai đoạn 2019-2022, các tổ hòa giải đã hòa giải thành trung bình đạt trên 82%. Tình hình vi phạm pháp luật giảm so với giai đoạn trước. Nội dung các vụ, việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư chủ yếu là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, thừa kế, các mâu thuẫn, xích mích trong đời sống. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. 

Để công tác hòa giải tiếp tục đạt được những kết quả cao thì trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở; sự phối hợp của UBMTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tăng cường tuyên truyền, PBGDPL về hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp, các ngành và toàn xã hội với công tác này.

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở để hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của công tác hòa giải. Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở cả về kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng nhiều và phức tạp nảy sinh do sự phát triển kinh tế - xã hội, sự hội nhập hiện nay; đồng thời giúp cho đội ngũ này có đủ năng lực để hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp ngay từ đầu, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến phức tạp, kéo dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, nâng cao năng lực cho những người làm công tác hòa giải, nhất là đội ngũ hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đây là công việc cần phải được triển khai thực hiện thường xuyên để đội ngũ hòa giải viên cập nhật kịp thời nội dung các văn bản pháp luật được cơ quan có thẩm quyền mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.

- Tăng cường theo dõi, kiểm tra về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổng kết kinh nghiệm hoạt động của các tổ hòa giải ở địa phương. Quan tâm bố trí, kinh phí hỗ trợ cho hòa giải viên, tổ hòa giải đảm bảo động viên, khuyến khích hòa giải viên trong công tác hòa giải.

Công tác hòa giải có vai trò to lớn đối với xã hội như: Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn hiệu quả; Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội; Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài; Hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; Công tác hòa giải ở cơ sở giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để; ít tốn kém về thời gian, nhân lực; Kết quả hòa giải thành ở cơ sở phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, góp phần giảm khiếu kiện của nhân dân; Tiết kiệm chi phí... trong thời gian qua công tác hòa giải và đặc hiệt là những người làm công tác hòa giải đã có những đóng góp tích cực cho sự ổn định và phát triển của xã hội, để tiếp tục phát huy những kết quả đó cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền và hệ thống chính trị tới công tác này, góp phần xây dựng xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày một giàu mạnh, bình yên và hạnh phúc./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.