THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH
   

Một số kết quả đạt được trong các năm 2021-2022 và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  02/03/2023 08:45:34
Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, trong 02 năm qua (2021-2022), Sở Tư pháp Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, góp phần hoàn thành tiêu chí, đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

          Trong 02 năm qua (2021-2022), công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng và nổi trội trên nhiều lĩnh vực, những kết quả đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân và thúc đẩy kinh tế Thanh Hóa phát triển. 

          Để hoàn thành các mục tiêu đề ra và đáp ứng được các quy định về việc đánh giá xây dựng nông thôn mới của Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở nhiệm vụ được giao phụ trách tiêu chí Chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) thuộc tiêu chí 18.4 đối với đánh giá xã nông thôn mới; tiêu chí 16 đối với đánh giá xã nông thôn mới nâng cao và tiêu chí 9.6 đối với đánh giá huyện nông thôn mới. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, trong 02 năm qua (2021-2022), Sở Tư pháp Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, góp phần hoàn thành tiêu chí, đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

          Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu hơn 30 Kế hoạch, Chương trình, văn bản cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai công tác thực hiện tiêu chí Chuẩn tiếp cận pháp luật một cách đầy đủ, rộng khắp và toàn diện (như: Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 09/02/2021 về công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL năm 2021; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 05/4/2021 về công tác PBGDPL tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật năm 2021; Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL năm 2021.. Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 29/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 23/2/2022 về công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL năm 2022 trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 05/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh năm 2022...). 

          Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã ban hành hơn 30 Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và xây dựng chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh (như: Kế hoạch số 65/KH-STP ngày 23/2/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL năm 2022; Kế hoạch số 84/KH-STP ngày 03/3/2022 kiểm tra thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022; Công văn số 459/STP-PBGDPL ngày 24/3/2022 hướng dẫn thực hiện chỉ đạo điểm về xây dựng chuẩn TCPL; Công văn số 1448/STP-PBGDPL ngày 22/8/2022 hướng dẫn tiêu chí TCPL trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn...). Từ những văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp đã đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai nhiệm vụ xây dựng, đánh giá chuẩn TCPL trên địa bàn toàn tỉnh.

         Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, văn bản hướng dẫn của Sở Tư pháp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã ban hành Kế hoạch và đôn đốc, chỉ đạo cấp xã nghiêm túc triển khai các giải pháp nâng cao trách nhiệm trong việc triển khai các nhiệm vụ chuẩn TCPL, góp phần đảm bảo nhu cầu tìm hiểu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân tại cơ sở. Đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ; thường xuyên tiến hành kiện toàn Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và thực hiện đầy đủ việc hướng dẫn các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ nội dung phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật.

         Công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật đã được Sở Tư pháp quan tâm, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, trong năm 2021 và năm 2022, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã tổ chức 04 Hội nghị triển khai Luật mới bằng hình thức trực tuyến với tất cả các điểm cầu của cấp huyện và cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thuộc 3 cấp quản lý, tổ chức 42 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho gần 12.000 lượt người; phối hợp với Ban Dân tộc, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh triển khai 23 hội nghị tập huấn pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với Báo Thanh Hóa thực hiện chuyên mục “Tuyên truyền phổ biến pháp luật", định kỳ đăng tải 02 bài viết/tháng; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đăng 130 tin, bài, phóng sự trên chuyên mục Nhà nước và pháp luật. Biên tập, phát hành 4.800 cuốn Bản tin Tư pháp, 9000 Cuốn Cẩm nang pháp luật và hơn 150.000 Tờ gấp các loại có nội dung phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật tại các đơn vị, địa phương để cấp cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

      Các huyện, thị xã, thành phố, hàng năm đều quan tâm tổ chức từ 1 đến 2 hội nghị hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ liên quan đến công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu về ý nghĩa, mục đích về xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở bằng nhiều hình thức và phù hợp với nhiều đối tượng.

       Nhằm triển khai các nội dung, nhiệm vụ mới trong xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như kịp thời nắm bắt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương. Hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL tiến hành kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật tại 06 đơn vị cấp huyện. Riêng công tác kiểm tra xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 2 năm qua Sở Tư pháp đã kiểm tra tại 11 huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nghi Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa và Nông Cống. Thông qua kiểm tra, bên cạnh việc đánh giá kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế, nắm bắt các vước mắc, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật tại các đơn vị, qua đó hướng dẫn đôn đốc tháo gỡ những vướng mắc đề các đơn vị kịp thời triển khai các nội dung, nhiệm vụ xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo theo quy định.

        Từ kết quả chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ của UBND tỉnh, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, cùng sự phối hợp của các sở, ngành liên quan nên công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật nhìn chung đã đi vào nề nếp, đạt được hiệu quả cao và góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua thống kê, năm 2021 toàn tỉnh có 408 xã và 87 phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, đạt tỷ lệ 88,5%. Năm 2022 toàn tỉnh có 436 xã; 88 phường, 27 thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỉ lệ 93.25%.

      Năm 2021, Sở Tư pháp đã kiểm tra hồ sơ, xác minh và trả lời kết quả thực hiện tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật cho 54 xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, Sở Tư pháp đã kiểm tra hồ sơ, xác minh và trả lời kết quả thực hiện tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật cho 32 xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống, Sầm Sơn.

      Để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cần phải thực hiện tổng thể các giải pháp trong đó đặc biệt quan tâm đến sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành và UBND các cấp để thực hiện nhiệm vụ đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và lưu ý một số giải pháp như:

      Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức trong cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP gắn với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh qua thay đổi nhận thức của Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trọng việc thực hiện nhiệm vụ này. Gắn trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã trong việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

      Bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực chuyện môn và nghiệp vụ để thực hiện những nhiệm vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đồng thời hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền.

      Đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ từ cấp huyện đến cấp xã theo hướng các đơn vị bố trí kinh phí riêng, tránh trường hợp thực hiện nhiệm vụ bằng kinh phí lồng ghép từ các nhiệm vụ khác ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả.

     Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận tức pháp luật cho người dân, đồng thời qua đó giúp cho người dân hiểu rõ chính sách xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và chung tay xây dựng quê hương.

       Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, đảm bảo việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai đầy đủ, thực chất và hiệu quả góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, đảm bảo tốt quyền lợi cho Nhân dân.

          Với những kết quả đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong hai năm 2021-2022, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành, cùng sự bám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ cấp xã thì chắc chắn công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ đạt được những kết quả cao hơn nữa, góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đồng thời hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đối với các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa./. 


Cao Phong.

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.