THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH
   

Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ngày tạo:  17/10/2023 16:12:25
Để đảm bảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được triển khai hiệu quả và đồng bộ, ngày 14 tháng 8 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

          Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành ngày 10 tháng 11 năm 2022 và có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2023. Luật này quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

          Luật đã quy định rõ nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm: Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.

          Phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở là: Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú. Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định. Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.

          Để đảm bảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được triển khai hiệu quả và đồng bộ, ngày 14 tháng 8 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, Nghị định hướng dẫn các nội dung như: Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố để Nhân dân bàn và quyết định; quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; tổ chức hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư; Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị; ở doanh nghiệp nhà nước.

           Nghị định áp dụng đối với công dân Việt Nam cư trú tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị; doanh nghiệp nhà nước và người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn; trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tại các doanh nghiệp nhà nước.

          Nghị định có 31 điều luật được cấu trúc với 6 chương, xác định cụ thể những nội dung như sau: 

          - Chương 1: quy định về những quy định chung; 

          - Chương 2 quy định về việc tổ chức chuộc họp, hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư ; phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố để nhân dân bàn và quyết định; quy trình bầu, cho thôi làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; 

          - Chương 3 quy định hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. 

          - Chương 4 quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dan tại cơ quan, đơn vị. 

          - Chương 5 quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước;

          - Chương 6 quy định về điều khoản thi hành. 

          Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

          Như vậy, việc ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã góp phần đưa các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống, qua đó tiếp tục thực hiện tốt công tác thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta và Nghị quyết Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng đã xác định rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là "Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân"; "Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội"; đồng thời khẳng định và yêu cầu thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.