THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH
   

Tìm hiểu một số giải pháp nâng cao hiệu quả của động hòa giải ở cơ sở

Ngày tạo:  07/05/2023 11:39:42
Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành ngày 20/6/2013, đến nay đã 10 năm được triển khai thi hành trên thực tế, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực

          Hòa giải ở cơ sở thực chất là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở. 

        Các quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

          Trên tinh thần nguyên tắc đó, trong nhiều năm qua Hòa giải ở cơ sở đã được khẳng định là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bằng việc vận dụng những quy định pháp luật để giải thích, phân tích, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, hòa giải viên đã giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.

          Trong tình hình hiện nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân ngày càng được coi trọng. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của hoạt động hoà giải ở cơ sở cần quan tâm, tiến hành các giải pháp đồng bộ trong đó trọng tâm vào các giải pháp sau đây: 

          1. Quan tâm chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở

        Kết quả hòa giải thành ở cơ sở phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, bởi nội dung thỏa thuận khi hòa giải thành là ý chí của các bên tranh chấp, các bên hài lòng với giải pháp đã thống nhất nên thường tự giác thi hành một cách nhanh chóng (đa số các trường hợp không cần tòa án công nhận). Vì thế, các mâu thuẫn được triệt tiêu hoàn toàn nên không có khiếu kiện (bao gồm cả khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài). Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. 

Chính vì vậy, để giảm tải cho chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo hiệu quả thực hiện hòa giải ở cơ sở thì cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Cấp ủy cần chỉ đạo thực hiện, các Đoàn thể vào cuộc và sự quan tâm của UBND các cấp thì vai trò hòa giải ở cơ sở sẽ phát huy hiệu quả. Qua đó sẽ phát huy vai trò phổ biến, giáo dục pháp luật trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

      2. Đảm bảo sự phối hợp trong quá trình triển khai

      Công tác hòa giải ở cơ sở không chỉ là trách nhiệm của riêng một ngành, một lĩnh vực, một cán bộ quản lý, để phát huy hiệu quả trong công tác này cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận liên quan, ngoài sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, ở cơ sở công tác này cần có sự quan tâm phối hợp của cán bộ Tư pháp - hộ tịch, Công an xã, tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác mặt trận ở cơ sở và đặc biệt phát huy vai trò của thành viên các tổ hòa giải. Trong hoạt động trực tiếp hòa giải các chủ thể này sẽ chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, làm công tác dân vận… giúp mang lại hiệu quả trong công tác hòa giải, qua đó lan truyền các quy định của pháp luật tới các đối tượng liên quan.

        3. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ Hoà giải viên

        Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức cho các Hòa giải viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, vì thế hàng năm, UBND các cấp (mà Tư pháp là đơn vị tham mưu) cần có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ Hòa giải viên. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật có thể tổ chức định kỳ mỗi năm ít nhất 1 lần, hoặc tổ chức theo chuyên đề để cập nhập kịp thời những văn bản pháp luật mới vừa được thông qua, các văn bản pháp luật này liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân địa phương. Nội dung tập huấn nên xây dựng mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hoà giải ở địa phương. Có thể tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải và phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở hoặc giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động hoà giải ở cơ sở. Trước khi tổ chức tập huấn đơn vị tổ chức cần quan tâm đến nhu cầu cập nhật kiến thức chuyên môn của đội ngũ hòa giải viên để đảm bảo công tác tập huấn được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người học và phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở.

        4. Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động

         Các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên là một trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có sức hấp dẫn và hiệu quả, thông qua các hội thi những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; đối tượng của hội thi rất rộng rãi, tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thoải mái và hoàn toàn chủ động, qua đó khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao. Vì vậy, pháp luật có điều kiện lan tỏa, phát huy rộng rãi trong cuộc sống người dân.

        Các hội thi này một mặt khuyến khích, động viên phong trào hoà giải, mặt khác còn là dịp tốt để các Hoà giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hoà giải. Ngoài ra, có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các Hoà giải viên, đưa công tác hoà giải lồng vào các hoạt động phong trào khác của địa phương, như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...

          Việc tổ chức Hội thi cần có sự chỉ đạo và vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, nên trong quá trình tổ chức Hội thi, đơn vị tổ chức cần xây dựng kế hoạch và có những tham mưu chỉ đạo cụ thể, tạo sự ủng hộ của các cấp, các ngành.. Trong quá trình chuẩn bị ở cơ sở, đơn vị dự thi cần có sự vào cuộc không chỉ các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở mà cần có sự tham gia của các đoàn thể tại địa phương và nhân dân, qua đó góp phần cho Hội thi thành công và đạt hiệu quả, mang lại sức lan tỏa, tính tuyên truyền và hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân.

       5. Cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật  cho đội ngũ Hoà giải viên.

        Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những  nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể gồm các đề cương tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Vì vậy, các cơ quan tư pháp ở địa phương cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để tham mưu cho cấp chính quyền cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các Tổ hoà giải. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các Hoà giải viên.

     Trong thời điểm hiện nay, khi môi trường mạng phát triển nhanh chóng, ngoài việc cung cấp tài liệu thông qua sách, báo... cho đội ngũ hòa giải viên, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cách tiếp cận rộng hơn, thông qua áp dụng việc cung cấp tài liệu trên môi trường mạng, đảm bảo cho hòa giải viên tìm kiến tài liệu nhanh chóng, dễ dàng, chính xác, đảm bảo hiệu quả. Do đó, các cơ quan chủ động xây dựng các tủ sách pháp luật điện tử, cũng như cung cấp thông tin pháp luật trên môi trường mạng là hết sức quan trọng, tạo thuận lợi cho người tra cứu. Đây cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

        6. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hay toạ đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải

         Đây là công việc cần thiết phải làm thường xuyên, một mặt theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức và đội ngũ Hòa giải viên của các Tổ hòa giải, mặt khác đây còn là diễn đàn để các Hoà giải viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết về hoạt động hòa giải ở cơ sở giúp chính quyền địa phương có điều kiện hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, kết quả cũng như kiến nghị về công tác hòa giải nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.

          Trên cơ sở kết quả hội nghị sơ kết, tổng kết, chính quyền cần có những chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó để thúc đẩy công tác hòa giải đạt hiệu quả cao hơn. Từ những nội dung được chỉ ra mà chính quyền các cấp giải quyết chắc chắn sẽ tạo động lực cho đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở, tạo hiệu ứng cộng đồng, nâng cao sức mạnh và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ... điều đó là quan trọng để phát huy hiệu quả từ công tác hòa giải góp phần xây dựng địa phương.

        7. Bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật

        Để nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hiện nay. Ngày 30/7/2014 Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã có Thông Tư liên tịch số  100/2014/TT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Đây là căn cứ pháp lý để các địa phương thực hiện việc bố trí kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức; bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải; sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng công tác hòa giải; tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên; tổ chức thi Hòa giải viên giỏi; chế độ thù lao cho Hòa giải viên;.. nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.

      Chính sách của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở từ năm 2013 đến nay là luôn nhất quan với tinh thần khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở các hình thức hòa giải thích hợp khác. Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện, hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở, khuyến khíc tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở. Như vậy để thực hiện tốt quan điểm đó, cùng với bám sát thực tiễn của đời sống, đảm bảo các giải pháp được thực hiện trên thực tế chắc chắn công tác hòa giải ở cơ sở sẽ phát huy vai trò 

       Với vai trò là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn hiệu quả; Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội; Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài; Công tác hòa giải ở cơ sở giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để; ít tốn kém về thời gian, nhân lực và chi phí; Kết quả hòa giải thành ở cơ sở phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, góp phần giảm khiếu kiện của nhân dân; Trong đó hiệu quả nổi bật của hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Nếu chính quyền các cấp biết quan tâm, thực hiện hiệu quả và phát huy tốt vai trò công tác này, chắc chắn công tác hòa giải ở cơ sở sẽ góp phần tích cực trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền được nhanh chóng và hiệu quả./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.