THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH
   

Cần thiết phải ban hành Luật Phòng không nhân dân

Ngày tạo:  25/06/2024 15:43:43
Ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới. PKND là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương. Thế trận PKND là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ. Hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta; ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường. Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng lực lượng PKND, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.

 Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND sẽ phần nào làm hạn chế quyền con người, quyền công dân, theo quy định của Hiến pháp nên cần phải được quy định trong văn bản luật.

 Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ PKND, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động PKND để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5000 mét đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay tàu bay không người lái đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao. Ở trong nước, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không.

Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật PKND là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật về PKND, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Việc xây dựng luật đảm bảo quan điểm: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; sự điều hành thống nhất của Chính phủ; sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Quốc phòng; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành trung ương và địa phương trong xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động công tác PKND; Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về công tác PKND đã được thực tiễn kiểm nghiệm vẫn còn phù hợp, đồng thời bổ sung những quy định mới để giải quyết những vấn đề thực tiễn yêu cầu về công tác PKND đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; Phù hợp với thực tiễn và xu thế tác chiến phòng không hiện nay, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nguồn lực của đất nước để xây dựng, tổ chức hoạt động PKND. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và PKND trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.