THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH
   

Việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại Sở Tư pháp Thanh Hóa

Ngày tạo:  30/09/2024 14:06:37
Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-BCĐ ngày 26/4/2024 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số UBND tỉnh về việc kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024; Ngày 27/9/2024, Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa (gồm các đồng chí Cao Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ là trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Duy Tự - Phó Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm phó đoàn và các đại diện thuộc các cơ quan Sở Khoa học và Công nghệ, Thanh Tra tỉnh, Sở Công thương) đã có buổi làm việc tại Sở Tư pháp.

      Đoàn Kiểm tra thực hiện kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số tại Sở Tư pháp, qua đó nắm bắt, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về chuyển đổi số để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện. Giúp nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về chuyển đổi số. Nội dung được quan tâm kiểm tra thuộc các nhóm chỉ tiêu gồm:  Nhóm phát triển hạ tầng số: 04 chỉ tiêu;  Nhóm ứng dụng CNTT trong CQNN: 05 chỉ tiêu;  Nhóm ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: 04 chỉ tiêu;  Nhóm phát triển KTS: 05 chỉ tiêu; -Nhóm xây dựng XHS: 10 chỉ tiêu; Nhóm bảo đảm ATTT: 04 chỉ tiêu.

     Qua buổi kiểm tra, Đoàn Kiểm tra đã đánh giá Sở Tư pháp đã chủ động trong triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực. Sở Tư pháp đã đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong toàn Ngành Tư pháp; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và của sở, ngành Tư pháp. Quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Thường xuyên quán triệt, triển khai đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nộp hồ sơ TTHC trực tuyến, tra cứu tiến độ giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử qua Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; qua đó đã giúp người dân tiếp cận dịch vụ được nhanh nhất, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại; tăng tính công khai, minh bạch về TTHC; giúp giảm nhiều giấy tờ và giảm các chi phí khác trong thực hiện TTHC.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số UBND tỉnh về việc kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số tại Sở Tư pháp

    Chú trọng xây dựng, triển khai các phần mềm, ứng dụng số; chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính; chuyển đổi số trong các hoạt động của Sở, ngành Tư pháp như: (1) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Trang thông tin điện tử về PBGDPL,với nhiều nội dung phong phú; (2) trong lĩnh vực công chứng, đã xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng đã được cài đặt tại Sở Tư pháp và các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh (tổng số giao dịch công chứng đã được cập nhật là 711.033 dữ liệu; thông tin tài sản đã và đang được ngăn chặn trên cơ sở dữ liệu công chứng là 2.040 dữ liệu); (3) trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 20/6/2023 về thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Sở Tư pháp đã tạo 1.500 tài khoản cho lãnh đạo UBND, công chức tư pháp hộ tịch và văn thư các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện TTHC liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế và đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng.

     Tiếp tục số hoá, cập nhật, quản lý và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: năm 2024 đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp 20.538 hồ sơ, thông tin Lý lịch tư pháp; cập nhật đầy đủ, kịp thời 45 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên Trang thông tin cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật; thường xuyên cập nhật kết quả rà soát đội ngũ đấu giá viên, trợ giúp viên pháp lý lên phần mềm chuyên ngành để phục vụ hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả. 

Thực hiệu có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đối với các nhiệm vụ như: đổi mới cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp trên cổng dịch vụ công quốc gia; hướng dẫn số hóa dữ liệu hộ tịch; thực hiện đơn giản hóa hồ sơ, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính đối với dịch vụ công thiết yếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành (hộ tịch, lý lịch tư pháp…) với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.

Định kỳ hàng năm, Sở đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức pháp luật mới về CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động động của ngành Tư pháp cho đội ngũ công chức, viên chức Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

      Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm của chuyển đổi số của Sở Tư pháp đã góp phần tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; qua đó góp phần tích cực trong thực hiện mực tiêu xây dựng, phát triển Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay Sở Tư pháp vẫn gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến triển khai nhiệm vụ như: Hệ thống mạng LAN của Sở được trang bị từ năm 2009, một số máy tính, máy in, thiết bị mạng được trang bị từ năm 2011 đến nay một số đã xuống cấp, lạc hậu dẫn đến nhiều nhiệm vụ, nhiều yêu cầu về kết nối chia sẻ chưa đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật và an toàn thông tin. Thiết bị CNTT tuy đã được chú trọng đầu tư, nhưng việc đầu tư chưa đồng bộ, một số công chức, viên chức vẫn còn phải sử dụng những dòng máy tính cũ, lạc hậu, không mang lại hiệu quả cao trong công việc. 

      Để tiếp tục đạt hiệu quả trong công tác chuyển đổi số đối với những nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả chuyển đổi số của cả tỉnh, ngoài những ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được, Đoàn Kiểm tra đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục quan tâm hơn công tác chỉ đạo, các hoạt động triển khai cũng như khắc phục những tồn tại đảm bảo nhiệm vụ được giao được triển khai với hiệu quả cao nhất, góp phần thực hiện thành công công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giúp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng./.


Lâm Anh
Nguồn tin: Phòng PBGDPL

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.