THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BÁO THANH HÓA
   

Tìm hiểu quy định của pháp luật về các điều kiện để kết hôn

Ngày tạo:  03/10/2022 16:21:47
Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn, nội dung này được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Như vậy, khi nam, nữ có mục đích chung sống lâu dài và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc họ tiến hành đăng ký kết hôn khi đáp ứng các điều kiện theo quy định thì họ được xác lập quan hệ hôn nhân.

Hôn nhân là mối quan hệ gắn liền với nhân thân của hai bên nam nữ với tư cách là vợ chồng. Và quan hệ vợ chồng sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định cho các bên. Hôn nhân cũng là sự kết hợp của vợ chồng về tình cảm, xã hội, tôn giáo hợp pháp…Bên cạnh, việc xác lập quan hệ hôn nhân với mục đích chung sống với nhau thì cũng có những trường hợp xác lập quan hệ hôn nhân không nhằm mục đích sống chung và xây dựng gia đình, mà vì mục đích khác để kết hôn giả tạo, thì quan hệ hôn nhân đó không được pháp luật thừa nhận, đồng thời các bên không phát sinh quan hệ hôn nhân trước pháp luật. Tại Khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình cũng quy định kết hôn chính là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau. Có thể thấy, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Và khi kết hôn, cả hai bên nam, nữ đều phải tuân thủ các điều kiện kết hôn theo quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền.

          Tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ việc kết hôn phải tuân theo các điều kiện sau đây:

          - Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

          - Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

          - Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

          - Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định.

          Như vậy, với quy định trên, để hai bên nam và nữ được tiến hành kết hôn phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc.

          Đối với điều kiện về độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới đủ tuổi kết hôn (đây là điểm mới so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thì điều kiện về tuổi kết hôn là nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên, nội dung độ tuổi kết hôn được nâng lên nhằm đảm bảo cho các các cặp nam nữ kết hôn có điều kiện tốt hơn trong việc thực hiện các quan hệ hôn nhân).

           Đối với quy định việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được hiểu là mỗi bên nam nữ được tự mình quyết định việc kết hôn. Mọi hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối để kết hôn, cản trở việc kết hôn tự nguyện, tiến bộ đều bị coi là vi phạm pháp luật. 

          Đối với nội dung điều kiện hai bên nam nữ hoặc một trong hai bên không bị mất năng lực hành vi dân sự là điều kiện bắt buộc, đảm bảo cho hôn nhân bền vững (việc xác định một người có thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hay không được quy đinh tại khoản 1 Điều 22, Bộ luật dân sự năm 2015: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự).

          Đối với điều kiện việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định. Tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân năm 2014 đã quy định các trường hợp bị cấm kết hôn như: Kết hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

          Đối với vấn đề hôn nhân đồng giới thì tại khoản 2 điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính quy định này có khác với quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 là cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, như vậy đã có sự thay đổi trong quy định của pháp luật từ việc cấm sang việc không công nhận kết hôn giữa những nười cùng giới tính.

          Như đã phân tích ở trên với mục đích của việc xác lập quan hệ hôn nhân là để hai bên nam, nữ cùng nhau chung sống và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Do đó việc quy định của pháp luật để nhằm đáp ứng và đạt được mục đích của hôn nhân là cần thiết, nên việc quy định hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ, đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng. Để đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, Luật Hôn nhân và gia đình quy định cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc cấm người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ, do đó những người cùng giới tính không thể xác lập quan hệ hôn nhân với nhau; Hôn nhân là sự liên kết trên cơ sở tự nguyện của hai bên nam nữ nên hai bên nam nữ có quyền tự mình quyết định việc kết hôn, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối và cũng không bị cản trở. Sau khi kết hôn, việc duy trì hay chấm dứt quan hệ hôn nhân dựa trên sự tự nguyện của mỗi bên vợ, chồng; Nam nữ khi tham gia quan hệ hôn nhân được hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật. Trong gia đình, mỗi bên vợ chồng có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt. Ngoài xã hội, với tư cách là công dân, mỗi bên vợ, chồng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân đã được Hiến pháp công nhận. Quyền bình đẳng giữa vợ và chồng còn thể hiện trong việc không phân biệt vợ chồng là người Việt Nam hay người nước ngoài, người thuộc dân tộc hoặc tôn giáo nào, quan hệ hôn nhân của họ đều được pháp luật quy định tôn trọng và bảo vệ. 

          Gia đình là tế bào của xã hội, việc xây dựng quan hệ hôn nhân được thực hiện xuất phát từ tình cảm của hai bên nam, nữ và đáp ứng các điều kiện của pháp luật là hết sức quan trọng, nó góp phần xây dựng gia đình bền vững, đảm bảo và thực hiện đầy đủ cũng như tốt nhất các chức năng của gia đình, trên nền tảng ấy góp phần thực hiện bình đẳng giới, làm giảm và chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện để xã hội ổn định và phát triển.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.