THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BÁO THANH HÓA
   

Thanh Hóa chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo năm 2023

Ngày tạo:  06/05/2023 14:28:35
Ngày 05 tháng 5 năm 2023 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

      Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và nhận được sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh. Để triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền và ban hành Kế hoạch hành động, thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia  giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 . Các địa phương đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong Nghị quyết của cấp ủy, Kế hoạch thực hiện của chính quyền giai đoạn 5 năm, hằng năm và chỉ đạo triển khai thực hiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để giám sát và thực hiện. Các thành viên Ban chỉ đạo là cơ quan chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần luôn có sự phối hợp, thống nhất trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương. Qua đó góp phần triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của Chương trình MTQG GNBV được nhanh chóng, thuận tiện. Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ và sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan quản lý Chương trình. Các Bộ, ngành Trung ương đã hướng dẫn và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình thực hiện, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. 

      Với sự quan tâm trong chỉ đạo và điều hành đó, công tác giảm nghèo, năm 2022, kết quả thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt được những kết quả tích cực: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,79%; từ 6,77% xuống còn 4,99% (giảm 17.791 hộ; từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra (mục tiêu đề ra giảm 1,5%); Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,37%; từ 27,23% xuống còn 19,86%, (giảm 9.879 hộ; từ 42.052 hộ xuống còn 32.173 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra (mục tiêu đề ra là giảm 3%); Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5,4%; từ 32,88 xuống còn 27,48%, (giảm 4.766 hộ; từ 29.590 xuống còn 24.824 hộ) vượt kế hoạch đề ra (mục tiêu đề ra là giảm từ 4 - 5%). 

Để công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn đạt được hiệu quả cao, ngày 05 tháng 5 năm 2023 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

     Năm 2023, việc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều thuận lợi. Cùng với việc triển khai quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tạo thuận lợi cho phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế, tăng thu nhập cho người dân góp phần giảm nghèo bền vững. Tại tỉnh Thanh Hóa, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện; tập thể lãnh đạo quản lý, điều hành của tỉnh năng động, quyết liệt, quyết đoán, sẵn sàng hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa nâng cao vị thế, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư trong, ngoài nước. Đồng thời, Trung ương đã ban hành Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. 

      Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những khó khăn thách thức cần vượt qua. Các nguy cơ, thách thức của nền kinh tế trong nước như: nợ xấu có xu hướng tăng, áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng; trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoan ngày càng khó lường... tác động trực tiếp đến thành quả trong công tác giảm nghèo. Ở trong tỉnh, những khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế, như: Chất lượng tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, số lượng người nghèo, cận nghèo còn cao, tập trung tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin...; doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội như: Việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục; những thách thức về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường... là những yếu tố tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội, đến công tác giảm nghèo của tỉnh. 

      Để đạt mục tiêu như: giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% trở lên, thì UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện: 

      - Thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. 

     - Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

      - Thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. 

      - Thực hiện Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng.

      - Thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững . 

      - Thực hiện Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

      - Thực hiện Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

      - Thực hiện Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình. 

     Để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các nọi dung và các dự án đề ra theo quy định, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như:

     Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến thông tin về Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động số 30-KH/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 và Kế hoạch này đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của Nhân dân ta đối với người nghèo. 

     Tiếp tục thực hiện Kế hoạch phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, của tỉnh và xã hội, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”. 

      Thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện Chương trình. Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất. 

       Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng đã được cấp có thẩm quyền quyết định. 

Lồng ghép các nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. 

      Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định; nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc theo dõi, giám sát tình hình thực hiện Chương trình, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. 

     Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình; làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của Chương trình đến môi trường sinh sống của cộng đồng. 

     Chỉ đạo địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. 

     Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành; các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. 

      Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.

      UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo rõ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Đồng thời UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia thực hiện Chương trình; tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

       Với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tinh Thanh Hóa, cùng sự vào cuộc của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và sự đồng tình ủng hộ cũng như sự tham gia tích cực của nhân dân, chắc chắn công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giầu mạnh./.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.