THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HIỆP HỘI CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH
   

BỘ TƯ PHÁP TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2021 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2022

Ngày tạo:  22/12/2021 15:14:46
Sáng ngày 21/12/2021, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Sáng ngày 21/12/2021, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Dự tại điểm cầu Trung ương còn có các đồng chí: Phạm Bình Minh – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Thành Long - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng, nhưng ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Điểm nổi bật là ngành Tư pháp đã tập trung phối hợp với các cơ quan tham mưu Chính phủ, chính quyền các cấp xây dựng, hoàn thiện các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch bệnh. Năm 2021, Bộ Tư pháp đã thẩm định 43 đề nghị xây dựng, 232 dự thảo, nổi bật là “chùm” hơn 30 nghị định về xử lý vi phạm hành chính và “chùm” 30 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành…

Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm, tập trung xử lý. Các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong gần 494 nghìn việc với trên 45 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 4 nghìn tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Cũng trong năm, Bộ Tư pháp đã thẩm định 31 điều ước quốc tế (giảm 14 văn bản so với cùng kỳ năm 2020); góp ý 194 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (tăng 75 văn bản so với cùng kỳ năm 2020); đã tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả 2.556 yêu cầu ủy thác tư pháp; cấp 11 ý kiến pháp lý cho các Hiệp định vay nước ngoài. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tiếp cận pháp luật hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm; nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, nổi bật là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Công tác quản lý hoạt động đấu giá tài sản, trọng tài thương mại được tăng cường bám sát; Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản đã từng bước vận hành hiệu quả, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu giá tài sản…

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: số liệu về kết quả hoạt động khá nhiều lĩnh vực giảm so với năm 2020, tình trạng chậm ban hành văn bản vẫn còn; chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật của các bộ, ngành, địa phương còn thấp; vẫn còn tình trạng ban hành quyết định thi hành án thiếu chính xác, phải thu hồi, hủy bỏ; hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản còn có nhiều sai phạm…

Báo cáo cũng đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2022, cụ thể như: tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự khi được Quốc hội thông qua; triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; tích cực tham mưu với Chính phủ trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp phức tạp trong hoạt động đầu tư quốc tế…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành tư pháp năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số điểm mới của năm 2021 nằm trong diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, cả nước đã đồng lòng, giữ vững ổn định kinh tế xã hội - chính trị, an ninh an toàn cho nhân dân được đảm bảo; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Tư pháp, đồng chí Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt biểu dương những kết quả đạt được của ngành Tư pháp trong năm 2021 vừa qua. Đồng chí cũng lưu ý những điểm hạn chế, tồn tại.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Thủ tướng Chính phủ nhận định những khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Từ đó, toàn ngành Tư pháp phải chuẩn bị “tâm thế, tư thế” để nỗ lực thực hiện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đây là năm bản lề thúc đẩy thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng, tạo cơ sở, tiền đề cho các năm tiếp theo; do đó đòi hỏi phải có môi trường pháp lý cao hơn để nhân dân được “sống và làm việc theo pháp luật”, đồng thời môi trường pháp lý cũng phải cao hơn để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Trước hết phải nâng cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp lý, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, giải quyết được các vấn đề trong thực tiễn. Thấm nhuần tư tưởng, lấy “người dân, doanh nghiệp là chủ thể” để hướng tới, mục tiêu cao quý nhất là đảm bảo cho người dân được ấm no, hạnh phúc; mọi chính sách hướng đến “người dân và doanh nghiệp”. Thứ 2, cần bám sát chủ trương đường lối của Đảng để thể chế hóa, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, sát với thực tiễn, lấy thực tiễn là thước đo, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện của đất nước; đặc biệt phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nút thắt từ thể chế. Đồng chí gợi mở, cái gì mới chưa rõ thì có thể “làm thí điểm”. Thứ 3, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, huy động sức mạnh tập thể, sức mạnh của người dân, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức để thực thi pháp luật. Thứ 4, phải đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cả về chất lượng và số lượng; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất; chính sách chế độ tương xứng với sức lao động, hài hòa hợp lý với tổng thể các ngành khác. Tăng cường công tác thi hành án dân sự. Thứ 5, đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả gắn với  cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân. Tăng cường phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng ngay từ khi xây dựng thể chế, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nâng cao hơn nữa công tác phối hợp. Tranh thủ các ý kiến, sáng tạo, phát huy trí tuệ của “con người Việt Nam”, tham vấn của Hội Luật gia, các tổ chức khác, tham khảo tổ chức quốc tế để xây dựng Luật, quy định quan trọng…

Cũng tại Hội nghị, nhiều cá nhân và tổ chức được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ ngành Tư pháp thời gian qua./.


Bích Phương - Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.