THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HIỆP HỘI CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH
   

Một số trao đổi về nội dung "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX".

Ngày tạo:  16/06/2022 11:20:05
Các bộ phận cấu thành của công tác tư tưởng phải kể đến như công tác lý luận, công tác tuyên truyền, công tác cổ động, công tác văn hóa văn nghệ, công tác nắm bắt tình hình và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.... trong đó công tác tuyên truyền nhằm phổ biến, truyền bá đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng.

Một số trao đổi về nội dung "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX". 

 

Công tác tư tưởng là một bộ phận hợp thành trong hoạt động lãnh đạo của tổ chức Đảng, một mặt công tác trọng yếu của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Công tác tư tưởng có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển kinh tế; chính trị; văn hóa; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện. Công tác tư tưởng góp phần hình thành bản chất giai cấp công nhân, tính tiền phong của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có sức chiến đấu cao và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Công tác tư tưởng tham gia bảo đảm quy trình lãnh đạo của Đảng, có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đưa đường lối, chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với mỗi người dân; khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhằm biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Công tác tư tưởng xác lập nền tảng tư tưởng của xã hội, có vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự thống nhất cao trong tổ chức đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xây dựng con người mới, xã hội mới, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Các bộ phận cấu thành của công tác tư tưởng phải kể đến như công tác lý luận, công tác tuyên truyền, công tác cổ động, công tác văn hóa văn nghệ, công tác nắm bắt tình hình và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.... trong đó công tác tuyên truyền nhằm phổ biến, truyền bá đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng.

Xác định tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác tư tưởng trong ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu là "tăng cường xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, nhất là văn hóa trong thực thi công vụ, văn hóa phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng". Trong đó có xác định giải pháp để thực hiện nhiệm vụ là "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng; tập trung làm chuyển biến về nhận thức, đổi mới tư duy, tinh thần chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Thực hiện tốt việc nắm tình hình và kịp thời định hướng dư luận xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Làm tốt công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên".

Để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp quan trọng và thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và trong thời gian tới tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được giao. 

          VAI TRÒ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT 

          Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, công tác này càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Chính vì vậy, sau khi Đảng ta đề ra chủ trương đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì công tác PBGDPL ngày càng được quan tâm và được coi là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.

          Trong những năm qua, công tác PBGDPL đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là một bộ phận không thể tách rời của quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật. Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi tính tối thượng của pháp luật. Mọi công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ này, PBGDPL được coi là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Nhà nước ta luôn đại diện và thể hiện ý chí, nguyện vọng, mong muốn của đông đảo quần chúng Nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng được mọi người trong xã hội biết đến, chủ động tìm hiểu, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm túc. Vì vậy PBGDPL chính là phương tiện truyền tải những thông tin, những yêu cầu, nội dung các quy định pháp luật đến với người dân, giúp cho người dân hiểu biết, nắm bắt kịp thời mà không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu, tự học tập.

Pháp luật chỉ có thể được mọi người tuân thủ khi họ có niềm tin pháp luật. Việc tạo lập niềm tin vào pháp luật cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó PBGDPL là một trong những yếu tố quan trọng để mọi người hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật. Pháp luật cũng như mọi hiện tượng khác trong xã hội bao giờ cũng có hai mặt, không phải lúc nào nó cũng thỏa mãn hết, phản ánh được đầy đủ nguyện vọng, mong muốn của tất cả mọi người trong xã hội. Quá trình điều chỉnh pháp luật sẽ lấy lợi ích của đông đảo Nhân dân trong xã hội làm tiêu chí, thước đo, do đó sẽ có một số ít không thỏa mãn được lợi ích từ các quy định pháp luật. Chính các yếu tố hạn chế của các quy định pháp luật càng tạo nên sự cần thiết của công tác PBGDPL để mọi người hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ pháp luật. Có như vậy mới hình thành lòng tin vào pháp luật của đông đảo nhân dân trong xã hội.

          Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân chỉ có thể được nâng cao khi công tác PBGDPL cho nhân dân được tiến hành thường xuyên, kịp thời và có tính thuyết phục. PBGDPL không đơn thuần là phổ biến các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua, mà còn phổ biến các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân, các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; đồng thời lên án các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó hình thành dư luận và tâm lý đồng tình, ủng hộ các hành vi thực hiện đúng pháp luật, nâng cao sự hiểu biết pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống.

Phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.Vai trò quan trọng này của công tác PBGDPL bắt nguồn từ chính vai trò và giá trị xã hội của pháp luật là phương tiện hàng đầu để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. PBGDPL giúp cho mọi người có tri thức pháp lý, tình cảm pháp luật đúng đắn và hành vi hợp pháp, tạo tiền đề cho việc sử dụng quyền lực nhà nước, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ và quyền tự do của mỗi người. Phổ biến, giáo dục pháp luật đồng thời tạo ra khả năng đổi mới các quan hệ xã hội trong môi trường quản lý nhà nước bằng pháp luật, hình thành các điều kiện và nhân tố thuận lợi cho quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội; tạo ra khả năng phát hiện và loại trừ những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý.

  Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL, Đảng ta đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường, phát huy hiệu quả công tác PBGDPL, tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: “Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”.  Ngày 09/12/2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL và Kết luận số 74-KL/TW, Kết luận số 04-KL/TW về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Năm 2012 Quốc hội đã ban hành Luật PBGDPL, đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PBGDPL, Bộ Tư pháp ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn thi hành; các Chương trình PBGDPL giai đoạn 5 năm cũng được Chính phủ ban hành như Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL đáp ứng tình hình mới hiện nay, bảo đảm phù hợp, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả; định hướng các giải pháp đổi mới công tác PBGDPL theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế nhằm tăng cường công tác tổ chức thực hiện pháp luật; phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật, ngày 20/6/2020 Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đã tiếp tục khẳng định PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng như vai trò nòng cốt của Nhà nước trong công tác PBGDPL và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 để thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, Theo đó Ban Bí thư chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trên toàn quốc quan tâm chỉ đạo công tác PBGDPL, coi đây là một trong những nhiệm vụ của công tác giáo dục chính trị tư tưởng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị.

          Nhằm thực hiện tốt công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản để triển khai và thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL trên địa bàn, trong đó phải kể đến là Kế hoạch số 211-KH/TU ngày 21/8/2020 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác PBGDPL xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; lấy ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả của công tác PBGDPL. Nhất là phải bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa PBGDPL với tổ chức thi hành pháp luật, góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hàng năm UBND tỉnh ban hành nhiều Kế hoạch về công tác PBGDPL trên địa bàn đảm bảo công tác PBGDPL được triển khai đầy đủ, thống nhất và hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.

          NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

          Trong nhiều năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng nhằm nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu theo đúng mục tiêu mà cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh ta đang phấn đấu. Chính vì vậy các cấp uỷ, chính quyền luôn xác định công tác PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia; đề cao trách nhiệm của các chủ thể, từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; gắn kết chặt chẽ với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.Trong khuôn khổ thời lượng cho phép báo cáo viên xin chỉ ra một số trong rất nhiều các kết quả nổi bật góp phần vào thành tích toàn diện của công tác PBGDPL đó là:

          Về công tác chỉ đạo điều hành

          Chỉ tính từ năm 2017 đến 2021, UBND tỉnh đã ban hành 40 Quyết định, Kế hoạch, 93 công văn của các Sở, ngành chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện, các đơn vị đã ban hành hơn 200 Kế hoạch PBGDPL hàng năm thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn, các địa phương đã ban hành 342 Kế hoạch, 370 công văn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn 2017-2021 thể hiện sự nổ lực, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành qua đó tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, đảng viên ở mọi cấp, mọi ngành về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ và Nhân dân, qua đó xác định rõ vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác PBGDPL trong tình hình hiện nay.

         Về triển khai thực hiện

- Hằng năm trên địa toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động PBGDPL với các hình thức đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2017 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức được 43.409 cuộc PBGDPL trực tiếp cho hơn 4 triệu người tham gia. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Đối với cán bộ, công chức, đến nay 100% văn bản được triển khai qua hệ thống phần mềm quản lý công việc; nhiều đơn vị đã vận dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền pháp luật, góp phần đưa nhanh các văn bản pháp luật mới được ban hành đến với cơ sở. Trên các kênh truyền thanh - truyền hình, trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương đã thường xuyên cập nhật, đăng tải các tin, bài, nội dung tuyên truyền pháp luật, phản ánh sâu sắc, đa chiều việc chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân (tiêu biểu như website của Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động. Mặt trận tổ quốc tỉnh...). Đã tổ chức được 607 cuộc thi về tìm hiểu pháp luật (cả những cuộc thi trực tuyến và những cuộc thi trực tiếp) với 343.717 lượt người tham gia. Đã có hơn 4,2 triệu tài liệu về pháp luật các loại được phát hành để cấp phát cho các đối tượng được tuyên truyền trên địa bàn, đăng tải 210.814 tin bài pháp luật. 

- Ngoài ra việc tuyên truyền pháp luật còn được thực hiện thường xuyên trên kênh thông tin của các báo, đài. Báo Thanh Hoá đã thực hiện chuyên mục: “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”, “Thông tin trợ giúp pháp lý” 2 số/tháng, với 12 số/6 tháng; Chuyên mục “Bầu cử Quốc Hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”, “Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”; Chuyên mục An toàn giao thông 24 giờ của Báo Thanh Hóa Điện tử phát hành hàng ngày. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã triển khai chuyên mục: An toàn giao thông 24h, phát sóng hàng ngày; hộp thư truyền hình, phát sóng thứ 2 hàng tuần; Nhà nước và pháp luật, phát sóng thứ 5 hàng tuần; phòng chống tham nhũng, phát sóng thứ 3 hàng tuần, trả lời bạn nghe đài, góc nhìn luật sư phát sóng thứ 2 hàng tuần; ngoài ra còn lồng ghép tuyên truyền PBGDPL trong các bản tin thời sự, trò chơi truyền hình, sân khấu truyền hình, tọa đàm, các buổi trao đổi về pháp luật ... 

        Một số dẫn chứng cụ thể

     Có thể những số liệu trên mới giúp chúng ta hiểu về bức tranh chung trong công tác PBGDPL mà chưa chứng minh cụ thể, rõ nét hiệu quả của công tác PBGDPL đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, tôi xin đơn cử một số ví dụ cụ thể để làm rõ điều này.

          - Minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả công tác PBGDPL trong năm 2020, 2021 phải kể đến là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để góp phần vào thành công cũng như chào mừng Đại hội đảng các cấp, thành công của cuộc bầu cư đại biểu Quốc Hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với kết quả bầu cử toàn tỉnh có  2.631.533 cử tri/2.638.256 cử tri đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 99,75%, là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, các huyện như: Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Như Xuân có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 100%. Về kết quả bầu cử ĐBQH khóa XV, tỉnh Thanh Hóa đã bầu 14 ĐBQH khóa XV với số phiếu tập trung, đúng định hướng; đảm bảo cơ cấu, thành phần theo phân bổ (người trúng cử cao nhất có tỷ lệ phiếu bầu đạt 97,72%, thấp nhất đạt tỷ lệ 81,17%). Về kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp: Đã bầu đủ 85 đại biểu HĐND tỉnh với số phiếu tập trung, đúng định hướng, đảm bảo cơ cấu, thành phần theo phân bổ (người trúng cử cao nhất có tỷ lệ phiếu bầu đạt 99,00%, thấp nhất đạt tỷ lệ 79,69%). Cùng với đó, bầu được 918/920 đại biểu HĐND cấp huyện và 13.140/13.269 đại biểu HĐND cấp xã. Phát biểu đánh giá công tác sau bầu cử, đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp; song cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thành công rất tốt đẹp, bảo đảm các quy định của pháp luật, thể hiện sự dân chủ, tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Có được thành công đó, đồng chí nhấn mạnh, công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử và các quy định của pháp luật về bầu cử được thực hiện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các ngành chức năng đã được Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban Bầu cử tỉnh xác định đóng vài trò then chốt; nên ngay từ rất sớm đã được triển khai đồng bộ có hiệu quả. 

          - Một minh chứng khác đóng góp của công tác PBGDPL đối với hoạt động xây dựng kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh ta là hiệu quả trọng công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với công tác xây dựng nông thôn mới. Hiện nay toàn tỉnh đã xây dựng thành công 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đã xây dựng được 332 xã đạt chuẩn nông thôn mới 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 xã đạt chẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có được kết quả này là sự lỗ lực của cả hệ thông chính trị trong đó có sự đóng góp của công tác PBGDPL, qua hoạt động PBGDPL làm cho nhân dân tin, đồng lòng và góp sức xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân mọi công tác của chính quyền được tiến hành thuận lợi và đạt hiệu quả.

          - Hay xa hơn nữa ta trở về với năm 2016, khi đó một bộ phận Nhân dân thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn) biểu tình phản đối dự án Quy hoạch không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, Đây là chủ trương đúng của tỉnh nhưng nhân dân lại chưa ủng hộ. Khi đó các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đều nhận định, "công tác tuyên truyền chưa đạt dẫn đến chuyện người dân chưa hiểu được chủ trương chính sách của tỉnh. Trong khi đó, dân lại tin một luồng thông tin xuyên tạc rằng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa bán biển cho Tập đoàn FLC. “Việc tuyên truyền chưa đạt vì dân chưa hiểu là trách nhiệm của chính quyền cơ sở và của các ngành chức năng của tỉnh, của thị xã Sầm Sơn”. Sau khi có sự vào cuộc của Lãnh đạo tỉnh, các cấp các ngành, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và chính sách của tỉnh đến đầy đủ với nhân dân đã giúp cho Nhân dân Sầm Sơn hiểu và ủng hộ dự án của tỉnh, đến nay do làm tốt công tác tuyên truyền mà trong quá trình phát triển của Sầm Sơn có nhiều sự chính sách của tỉnh, của thành phố Sầm Sơn được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Qua những số liệu và minh chứng rõ nét trên càng làm cho ta thấy rõ hoạt động tuyên truyền đã tạo sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác PBGDL đối với hiệu quả thực thi công vụ và từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân trên địa bàn, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, chính quyền tỉnh ta cùng Đảng, Nhà nước xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, quản lý xã hội bằng pháp luật.

         PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP 

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần phải quan tâm đến những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới.

        Về phương hướng:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng tỉnh Thanh Hóa góp phần cùng cả nước bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cùng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền con người và quyền công dân được thực thi trên địa bàn; coi đó là một bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp; 

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác PBGDPL; xác định các cơ quan Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong công tác PBGDPL, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn dân trong việc tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành Hiến pháp, pháp luật; 

- Xác định giáo dục pháp luật là tiền đề mang tính quyết định đến việc hình thành và nâng cao ý thức pháp luật cho mọi người, là một trong những biện pháp cơ bản có ý nghĩa chiến lược nhằm bồi dưỡng, xây dựng, hình thành nhân cách thế hệ con người mới, đáp ứng các yêu cầu của xã hội hiện tại và tương lai trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

         Nhiệm vụ, giải pháp

- Tiếp tục quán triệt đầy đủ, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là trách nhiệm được giao trong các văn bản liên quan đến triển khai nhiệm vụ PBGDPL trên địa bàn toàn tỉnh; 

- Tiếp tục có giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; 

- Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới được các cơ quan Trung ương, và Tỉnh ban hành; tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm;

- Đổi mới tổ chức bộ máy cán bộ, củng cố, kiện toàn đội ngũ người làm công tác PBGDPL gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, Ban Thư ký giúp việc và của cơ quan thường trực Hội đồng; xây dựng các giải pháp nhằm thắt chặt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong PBGDPL; 

- Thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và PBGDPL cho đối tượng đặc thù, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo; 

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phù hợp về ngân sách, tài chính phục vụ công tác PBGDPL theo hướng coi công tác PBGDPL là những hoạt động đặc thù mang tính mục tiêu trong đó chú trọng đến các địa phương khó khăn trên địa bàn.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin điện tử, mạng internet...; 

- Phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí; tăng cường chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên cơ sở ưu tiên “giờ vàng” cho các chuyên mục này.

            Với những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng, cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, công tác PBGDPL trên địa bàn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng, hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, để sớm góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh Kiểu mẫu như lời Bác Hồ mong muốn! 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.