THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HIỆP HỘI CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH
   

Học nghề để lập nghiệp

Ngày tạo:  14/05/2024 10:57:10
(Baothanhhoa.vn) - "Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” - quan niệm của người xưa hiện vẫn còn nguyên giá trị. Bởi, dưới sự định hướng của nhà trường, gia đình và sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, nhiều bạn trẻ đã nhận thức đại học không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời và lập thân lập nghiệp, thay vào đó đã mạnh dạn chọn nghề để học.
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa trong giờ thực hành.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021-2022, em Lê Doãn Dũng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) đăng ký học nghề nấu ăn mà không nộp hồ sơ xét tuyển cao đẳng, đại học. Dũng chia sẻ: "Gia đình em chỉ có mẹ làm giáo viên, bố làm nông nghiệp đã nuôi 2 anh chị học đại học, nhưng sau khi ra trường chỉ có chị gái được tuyển dụng có việc làm ổn định, còn anh trai hiện vẫn chưa xin được việc. Sau khi tìm hiểu và nắm bắt thị hiếu, em nhận thấy, hiện tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung đang phát triển du lịch, ngày càng có nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn... có nhu cầu về đầu bếp nên em quyết định theo học trung cấp nấu ăn, rồi đi làm ở một số nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội để trải nghiệm. Đến nay, kinh nghiệm đã có và tích lũy được số vốn nhất định, em quyết định về quê để tự mở quán kinh doanh".

Trước đây, ai cũng quan niệm phải có bằng đại học mới xin được việc tốt, thu nhập cao, nhưng thực tế đã chứng minh, có nhiều bạn trẻ thành công khi lựa chọn học nghề, thậm chí nhiều bạn đã cầm trên tay tấm bằng đại học nhưng vẫn từ bỏ để theo đuổi nghề mình yêu thích. Từng học 4 năm chuyên ngành kế toán doanh nghiệp tại Học viện Tài chính, khi ra trường, em Đỗ Nhật Anh ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) làm việc tại một số công ty, doanh nghiệp tại Hà Nội. Sau một thời gian làm việc thấy công việc gò bó, thu nhập không như mong đợi nên Nhật Anh đã quyết định nghỉ việc và đi học thêm phun, xăm thẩm mĩ. Hiện tại Nhật Anh đã mở 3 địa chỉ làm đẹp cho khách hàng đặt lịch trước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa. Với sự cần cù, ham học hỏi, tay nghề cao, lượng khách hàng tìm đến cơ sở làm đẹp của Nhật Anh ngày càng đông. Bên cạnh đó, Nhật Anh còn nhận đào tạo học viên tại nhà và không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để mang tới những điều tốt đẹp nhất cho khách hàng.

Những suy nghĩ, lựa chọn học nghề của Dũng và Nhật Anh cũng là suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Thậm chí, ngay cả nhiều phụ huynh cũng có cái nhìn thoáng hơn về học nghề so với trước kia. Bà Nguyễn Thị Nga, xã Nga Tân (Nga Sơn) có con đang học lớp 12 cho biết: "Học đại học hay học nghề đều không quan trọng, mà hiệu quả việc học đem lại như thế nào cho tương lai, cuộc sống và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mỗi gia đình để trở thành người có ích, tự lao động để ổn định cuộc sống mới là điều quan trọng nhất. Con tôi nếu đủ năng lực và lựa chọn học đại học hay chọn học nghề yêu thích để sớm lập nghiệp thì tôi và gia đình đều ủng hộ".

Những năm gần đây, công tác hướng nghiệp được chú trọng ngay từ bậc THCS. Việc này giúp bản thân người học nhận thức được năng lực, xác định sở thích, mong muốn nghề nghiệp trong tương lai để có lựa chọn phù hợp. Học nghề là một trong những lựa chọn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống trong tương lai. Các cơ sở đào tạo nghề cũng đẩy mạnh các chương trình liên kết nhằm tạo cơ hội cho học viên thực hành, tiếp cận với doanh nghiệp, tăng khả năng có việc làm sau khi ra trường.

Học sinh học nghề may tại Trường Trung cấp nghề Nga Sơn.

Nắm bắt được thực trạng này, đồng thời nhằm trang bị cho lực lượng lao động trẻ hành trang lập nghiệp chắc chắn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) triển khai nhiều hoạt động truyền thông về đào tạo nghề. Qua đó, nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan, nhất là với các em học sinh THPT, THCS. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong thực hiện phân luồng học sinh, định hướng các em đăng ký học nghề tại cơ sở GDNN, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, các cấp, ngành và cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân, trong đó có đối tượng là học sinh THPT, THCS về hiệu quả công tác dạy nghề; lợi ích khi có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng khi tham gia thị trường lao động. Cùng với đó, các cơ sở GDNN và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan để tổ chức ngày hội việc làm; phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tháng; phiên giao dịch việc làm lưu động; phiên giao dịch việc làm online; các buổi ngoại khóa, hội nghị tư vấn, trao đổi với nhà tuyển dụng để tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, người lao động về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Với những giải pháp tích cực, năm 2023, toàn tỉnh đã có 83.080 người được tuyển sinh và đào tạo nghề, trong đó: tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là 48.200 người (cao đẳng 3.600 người, trung cấp 9.200 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 35.400 người); kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề là 34.880 người, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 18,5% so với năm 2022. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%. Riêng quý I/2024, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyển sinh khoảng 14.500 người, bằng 17,4% kế hoạch năm và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước...

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyển sinh GDNN, các cơ sở GDNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các trường THPT, THCS và các cấp, ngành liên quan, địa phương để tổ chức hoạt động tuyên truyền hướng nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thông qua đó, giúp các em học sinh có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp trước khi tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, dù lựa chọn học đại học hay học nghề, các bạn trẻ cũng cần xác định được thế mạnh của bản thân, nhu cầu thực tế của địa phương, tránh lựa chọn nghề theo xu hướng, sở thích nhất thời. Lựa chọn học nghề cần xuất phát từ mong muốn lập nghiệp và cống hiến trên quê hương.


Bài và ảnh: Trường Giang
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.