THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HIỆP HỘI CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH
   

Tìm hiểu về quyền nuôi con nuôi

Ngày tạo:  26/05/2024 15:50:28
Theo Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì nuôi con nuôi được hiểu là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi

      Luật nuôi con nuôi cũng quy định rõ việc nuôi con nuôi nhằm mục đích xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

    Việc nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương và tinh thần, trách nhiệm và mối quan hệ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Là biện pháp tích cực giúp đỡ trẻ em không nơi nương tựa có mái ấm gia đình, được chăm sóc và phát triển trong điều kiện tốt nhất, đồng thời việc nuôi con nuôi còn giảm được gánh nặng về tài chính, kinh tế cho nhà nước ta trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

     Nuôi con nuôi là lĩnh vực nhậy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi giữa các bên, đặc biệt là đối với trẻ em, để việc áp dụng pháp luật được diễn ra đúng quy định, không trái với đạo đức xã hội thì cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên về cả nhân thân và tài sản giữa các bên trong mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi. 

     Nuôi con nuôi là quyền nhân thân trong quan hệ hôn nhân và gia đình và tại Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định cá nhân có quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi. Đồng thời Luật Nuôi con nuôi cũng quy định cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

     Khi đăng ký nuôi con nuôi thì hai bên sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và tại Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:  Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi. Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quyền, nghĩa vụ của cha đẻ, mẹ đẻ và con đã làm con nuôi của người khác được thực hiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự.

      Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện theo đúng nguyên tắc, tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc. Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước. Việc thực hiện đúng các nguyên tắc này góp phần bảo vệ quyền lợi của trẻ em, tránh những vi phạm pháp luật đặc biết những tội phạm về buôn bán trẻ em có thể xẩy ra.

     Nhà nước bảo hộ quyền nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi theo quy định, đồng thời Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc hỗ trợ nhân đạo không được ảnh hưởng đến việc cho nhận con nuôi.

     Trong quá trình thực hiện nuôi con nuôi thì thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện theo quy định ưu tiên thứ tự như sau: Đầu tiên là ưu tiên cho cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; Tiếp đến ưu tiên cho công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; tiếp sau đó là Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; tiếp đến là Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; và nhóm chủ thể cuối cùng trong việc cho con nuôi là Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài. Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất. Như vậy với những quy định về thứ tự ưu tiên này để hướng tới trẻ em được ưu tiên sống trong môi trường gia đình gốc và hướng tới những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em được nhận làm con nuôi.

     Luật Nuôi con nuôi cũng quy định rõ người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi. Trường hợp  người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được nhận làm con nuôi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Để đảm bảo mối quan hệ nuôi dưỡng được thực hiện thuận lợi thì Luật nuôi con nuôi cũng quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Đồng thời Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

      Để thiết lập mối quan hệ nuôi con nuôi thì Luật đã giao thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi. Đối với trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thẩm quyền được giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

      Trong mối quan hệ nuôi con nuôi, pháp luật có quy định về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi thì cũng quy định rõ thẩm quyền chấm dứt việc nuôi con nuôi thuộc về Tòa án nhân dân.

      Để bảo vệ trẻ em được cho làm con nuôi thì Luật Nuôi con nuôi cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong việc thực hiện nuôi con nuôi như: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi; Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

      Với những quy định của pháp luật trong đó có các văn bản như Bộ Luật dân sự 2015; Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015; Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Luật Hộ tịch 2014 và đặc biệt các văn bản pháp luật về Nuôi con nuôi như Luật Nuôi con nuôi 2010; Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi ... đã quy định rõ quyền trong việc nuôi và được nhận làm con nuôi của cá nhân, đồng thời cũng tạo hành lang pháp lý để đảm bảo các mối quan hệ trong việc nuôi con nuôi được thực hiện đầy đủ, giúp đảm bảo quyền lợi của cả người được nhận nuôi và bố mẹ nuôi, đồng thời cũng có cơ chế phòng ngừa những vi phạm pháp luật, giúp cho những giá trị về tình cảm đạo đức được phát huy, thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.