THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HIỆP HỘI CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH
   

Hiệu quả của công tác truyền thông chính sách góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  26/06/2024 11:15:13
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực đối với các lĩnh vực thuộc nhiệm vụ về phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của người dân.

        Để triển khai thống nhất, hiệu quả công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh, thực hiện Quyết định 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Sở Tư pháp đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 01/6/2022 về việc triển khai, thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch và Công văn triển khai thực hiện;  các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện và quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan đơn vị, đồng thời ban hành Kế hoạch triển khai hoặc ban hành lồng ghép nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án 407 và Kế hoạch số 150/KH-UBND trong Kế hoạch công tác hoặc Kế hoạch triển khai thực hiện công tác PBGDPL hằng năm của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” trên địa bàn huyện. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 

       Trong 02 năm triển khai thực hiện Đề án 407 và Kế hoạch 150/KH-UBND, các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã chủ động thực hiện truyền thông dự thảo chính sách bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Tuyên truyền thông qua Hội nghị (Hội nghị triển khai Luật mới); Thực hiện đăng tải, cập nhật nội dung dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử tỉnh,Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ năm 2022 đến nay, Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật, kịp thời đăng tải toàn bộ nội dung dự thảo văn bản Luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đầu thầu, Luật Giao dịch điện tử....; Xây dựng nội dung truyền thông; xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, Tổ chức truyền thông thông qua báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tổ chức các buổi tọa đàm, buổi sinh hoạt và bằng các hình thức phù hợp khác, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các tọa đàm, diễn đàn cung cấp thông tin về chính sách được sửa đổi, bổ sung trong các đạo luật, qua đó tạo đồng thuận trong xã hội đối với nội dung dự thảo, giúp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hội nghị triển khai Luật Đấu thầu, Luật Giao dịch điện tử

 

       Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xác định mục tiêu cần thực hiện đó là triển khai toàn diện, có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động; tăng cường năng lực phản ứng chính sách; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xác định chính sách có tác động lớn đến xã hội cần truyền thông nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin rộng rãi tạo sự tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Hội nghị triển khai Luật Căn cước, Luật Nhà ở sửa đổi 

     Bám sát nội dung, định hướng của Đề án, sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những tác động tích cực và đạt được một số kết quả: 

     Thứ nhất: Trong công tác tổ chức quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, thực hiện kịp thời, chủ động. Tại Sở Tư pháp, thực hiện các nhiệm vụ được giao, ngay sau khi Kế hoạch triển khai Đề án được ban hành, Sở Tư pháp đã khẩn trương tổ chức Hội nghị Tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách và các văn bản liên quan để thực hiện truyền thông chủ động, linh hoạt, hiệu quả dành cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh, cán bộ các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, công chức pháp chế các sở, ban, ngành, đoàn thể và báo cáo viên pháp luật huyện, thị xã, thành phố.

     Thứ hai: Tại các sở, ban, ngành đoàn thể và cấp huyện: Nhìn chung, việc triển khai Đề án đã được quan tâm, chủ động thực hiện qua đó góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa, góp phần nâng cao chất lượng văn bản QPPL, phù hợp với thực tiễn, tạo đồng thuận xã hội và là tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi văn bản được ban hành. Trên cơ sở Đề án, công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật đã được quan tâm và triển khai có hiệu quả.

     Thứ ba: Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đã có tác động đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, thể hiện quyết tâm chính trị của các bộ, ngành, địa phương trong việc phát huy dân chủ rộng rãi, theo nguyên tắc bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, qua đó tạo dựng niềm tin của Nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước sau khi được ban hành. Việc triển khai Đề án còn khẳng định đây là hướng đi, cách thức làm hết sức khoa học, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế để huy động trí tuệ các tầng lớp Nhân dân, định hướng dư luận xã hội, cung cấp cho cơ quan soạn thảo những góc nhìn khách quan để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm hiểu kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và Nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Hội nghị triển khai Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở tại thành phố Thanh Hóa

      Công tác truyền thông chính sách là một nhiệm vụ trọng tâm cần phát huy vai trò của nhiều cơ quan, ban, ngành và địa phương. Do vậy, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới, cần tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội theo quy định tại Quyết định số 407/QĐ-TTg, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách…; Phát huy vài trò của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; Đa dạng các hình thức truyền thông dự thảo chính sách nhằm đảm bảo thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện; Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách và cơ quan thông tin báo chí trong việc tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội được xác định tại Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

      Có thể nói rằng, truyền thông chính sách tốt sẽ là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, qua đó đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kết qủa đối với công tác Tư pháp nói riêng trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa./.


Hoàng Anh
Nguồn tin: Phổ biến giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.