THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HIỆP HỘI CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH
   

Kết quả đạt được trong nhiệm vụ kiểm tra công tác chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  10/07/2024 09:47:18
Thực hiện theo đúng nội dung và thời gian dự kiến về việc Kiểm tra kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 theo Kế hoạch số 45/KH-STP ngày 24/01/2024 của Sở Tư pháp.

      Trong Quý II, Đoàn kiểm tra của Sở Tư pháp do đồng chí Lê Hữu Viên làm trưởng đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 cho 6 đơn vị cấp huyện bao gồm: UBND thành phố Thanh Hóa, huyện Yên Định, huyện Ngọc Lặc, huyện Quảng Xương, huyện Thạch Thành, huyện Như Thanh; cùng 13 phường, xã của các đơn vị gồm: xã Đông Vinh, phường Đông Hương, phường Quảng Thắng của TP. Thanh Hóa; xã Cao Ngọc, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc; Thị trấn Tân Phong, xã Quảng Long của huyện Quảng Xương; thị trấn Bến Sung, xã Phú Nhuận của huyện Như Thanh; xã Thành Thọ, Thành Công của huyện Thạch Thành. 

          Qua công tác kiểm tra của từng đơn vị, Sở Tư pháp đã có thông báo kết luận kiểm tra đến từng đơn vị. Tại thông báo kết luận, Sở Tư pháp đã chỉ ra những ưu điểm và những điểm cần khắc phục trong công tác xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của từng đơn vị.

         Qua kiểm tra thực tế cho thấy: Về công tác chỉ đạo, điều hành, quy trình tổ chức triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các địa phương đã xây dựng kế hoạch riêng để triển khai nhiệm vụ, phân công cụ thể các công chức đầu mối thực hiện đánh giá, chấm điểm, theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; quy trình thực hiện đánh giá, công nhận bảo đảm quy định, hồ sơ, tài liệu kiểm chứng cho một số chỉ tiêu, tiêu chí tương đối đầy đủ…

Đoàn công tác kiểm tra tại huyện Ngọc Lặc

       Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tại một số nơi chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, chưa xác định việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập, vẫn còn thực hiện hình thức để xét nông thôn mới; công chức chuyên môn còn lúng túng trong việc theo dõi, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được phân công theo dõi; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số đơn vị trong triển khai nhiệm vụ đối với một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật còn chưa đầy đủ; số liệu, thông tin giữa báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn và tài liệu đánh giá, minh chứng cho các chỉ tiêu, tiêu chí được lưu trữ còn chưa thống nhất; một số chỉ tiêu, tiêu chí thiếu tài liệu kiểm chứng; một số địa phương chưa quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí riêng cho công tác này.

        Để công tác tiếp cận pháp luật thực sự là đòn bẩy trong tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở, nâng cao trách nhiệm của cấp chính quyền gần dân nhất trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trong thời gian tới, Chính quyền các cấp, đặc biệt cấp cơ sở cần tiếp tục nhận thức đúng, đầy đủ về việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thực chất là đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền cấp xã nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trên địa bàn. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2022/TT-BTP là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức.

      Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật nói chung, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh cần nghiêm túc, sát sao hơn nữa. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện và từng thành viên Hội đồng trong việc rà soát, thẩm định kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp xã. Tuyệt đối không xem xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đạt nông thôn mới khi chưa đạt được các tiêu chí về tiếp cận pháp luật.

      Tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh việc tổ chức kiểm tra chuyên đề, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất giải pháp, chú trọng hướng dẫn các mô hình hay, hiệu quả, mô hình điển hình, chú trọng sơ kết, tổng kết, khen thưởng… để công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới bảo đảm thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

     Từ thông báo kết luận kiểm tra của Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố được kiểm tra đã báo cáo Kết quả thực hiện Kết luận kiểm tra công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật tại huyện, thành phố về Sở Tư pháp. Trong đấy nêu rõ những hạn chế của từng hồ sơ cấp xã còn vưỡng mắc và yêu cầu các xã bổ sung đầy đủ hồ sơ, đảm bảo đúng với các tiêu chí theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2022/TT-BTP.


Dương Minh
Nguồn tin: Phòng PBGDPL

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.