THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH TỈNH
   

Thanh Hóa chỉ đạo khắc phục những hạn chế trong đánh giá, chấm điểm công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Ngày tạo:  10/03/2023 08:03:57
Ngày 07 tháng 3 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND khắc phục hạn chế trong đánh giá, chấm điểm công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và những năm tiếp theo.

     Trong năm 2021, việc đánh giá, chấm điểm công tác phòng, chống tham nhũng được Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo thực hiện. Điều đó đã giúp số điểm đánh giá của Thanh Hóa là khá cao và được Thanh tra Chính phủ ghi nhận điểm đánh giá công tác phòng chống tham nhũng tỉnh Thanh Hóa đạt 71,55/100 điểm, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành trên toàn quốc; là một trong 9 tỉnh, thành vẫn duy trì kết quả khá tốt, nằm trong nhóm có điểm số cao so với bình quân chung của cả nước (cao hơn điểm bình quân chung cả nước là 9,43 điểm), cao hơn so với năm 2020. Qua kết quả đánh giá công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN: Chỉ số thành phần trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đạt điểm tuyệt đối; trong việc tổ chức thực hiện cũng có kết quả tốt hơn. Qua kết quả đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng: Thanh Hóa là một trong 10 địa phương có điểm cao nhất trong phòng ngừa tham nhũng. Các chỉ số thành phần như: Thực hiện công khai, minh bạch; Thực hiện cải cách hành chính; Ban hành, thực hiện định mức, chế độ, tiêu chuẩn; Triển khai thực hiện rà soát xung đột lợi ích; Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; Kiểm soát tài sản thu nhập và  Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đạt kết quả tốt. Qua kết quả đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng: Chỉ số thành phần như Phát hiện hành vi tham nhũng qua điều tra, truy tố, xét xử; Xử lý kỷ luật hành chính đối với cá nhân; Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu,cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng; Số lượng tiền, tài sản kiến nghị thu hồi; Việc xử lý vi phạm quy định về định mức, chế độ, tiêu chuẩn, có chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.  Qua kết quả đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng: Chỉ số thành phần thu hồi bằng biện pháp hành chính tiếp tục được giữ vững, hiệu quả hơn, đạt điểm số tuyệt đối. 

     Với những kết quả đạt được này đã thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh tới công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn. Tuy nhiên, qua công tác chấm điểm, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, vẫn còn một số những hạn chế, tồn tại như: Kết quả việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh đạt 0,33/2 điểm. Kết quả kiểm soát xung đột lợi ích đạt 3/4 điểm. Kết quả công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước đạt 1/5 điểm. Kết quả phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, đạt 0,12/4 điểm; qua phản ánh, tố cáo tham nhũng đạt 2,75/4 điểm; Kết quả xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính đối với tổ chức đạt 0/2,5 điểm; Kết quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN (xử lý vi phạm trong thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị theo Điều 81 Nghị định 59/2019/NĐ-CP; xử lý vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Điều 83 Nghị định 59/2019/NĐ-CP; Xử lý vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác; Xử lý vi phạm quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng theo Điều 85 Nghị định 59/2019/NĐ-CP; Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai TSTN và xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát TSTN theo Điều 20, 21 Nghị định 130/2020/NĐ-CP), đạt 1,88/7 điểm. Kết quả thu hồi bằng biện pháp tư pháp đạt 0,5/5 điểm.

  Nhằm đánh giá đúng, khách quan và khuyến khích những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác PCTN. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Khắc phục những hạn chế, tồn tại dẫn đến điểm chỉ số thành phần thấp, ảnh hưởng đến kết quả công tác PCTN của tỉnh; có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCTN để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cải thiện kết quả xếp loại công tác PCTN năm 2022 của tỉnh và những năm tiếp theo. Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện công tác PCTN năm 2021 dẫn đến những nội dung tiêu chí chỉ số thành phần đạt điểm thấp; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời.

  Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN); Văn bản số 204/TTCP-C.IV ngày 17/01/2023 của Thanh tra Chính phủ về điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Ngày 07 tháng 3 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND khắc phục hạn chế trong đánh giá, chấm điểm công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và những năm tiếp theo.

    UBND tỉnh đã xác định rõ yêu cầu của việc khắc phục hạn chế trong đánh giá, chấm điểm công tác phòng, chống tham nhũng như: Công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh là nhiệm vụ định kỳ hàng năm, triển khai tổ chức thực hiện phải khách quan, toàn diện, trung thực, công khai, minh bạch và cụ thể, bám sát Bộ tiêu chí của Thanh tra Chính phủ ban hành. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương trong công tác PCTN nói chung và công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh nói riêng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời quán triệt, công khai kết quả điểm đánh giá công tác PCTN năm 2021 của tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được biết. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương; kịp thời rà soát lại, xây dựng kế hoạch khắc phục các chỉ số thành phần đạt điểm thấp thuộc phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình; thực hiện nghiêm túc việc báo cáo (định kỳ, đột xuất) kết quả thực hiện; thu thập hồ sơ, tài liệu kiểm chứng theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ được quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá.

  Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân của từng hạn chế, bám sát mục đích và yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng , Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo và giao rõ nhiệm vụ cho Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện tốt các giải pháp PCTN tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; đồng thời tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp cụ thể như:

  Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật về PCTN; tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực, đổi mới cách thức thực hiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm với nhiệm vụ được giao; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị và địa phương về công tác PCTN thuộc phạm vi quản lý nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN… phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong công tác PCTN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi pham nhũng, xung đột lợi ích; cương quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; thực hiện thu hồi triệt để tiền, tài sản tham nhũng về ngân sách nhà nước. 

  Thanh tra tỉnh: Chủ trì, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh năm 2021 của UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh trong những năm tiếp theo; tiến hành đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ tại Kế hoạch PCTN năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công 6 tác PCTN trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo đánh giá công tác PCTN hàng năm để báo cáo Thanh tra Chính phủ. 

    Ban Tiếp công dân tỉnh: Chủ trì, tham mưu công tác tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật. 

     Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành để triển khai thực hiện pháp luật về PCTN. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các lĩnh vực, chú trọng triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. 

     Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của UBND tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Báo Thanh Hóa, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCTN, tiêu cực bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể, bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Trung ương và tỉnh. Tiếp tục tham mưu việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước.

      Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên kiểm tra việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo việc xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kỷ luật hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng.   

     Sở Tài chính: Chủ trì, hướng dẫn thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, mua sắm tài sản công... Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn; việc thực hiện công khai, minh bạch trong bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác để kịp thời phát hiện và báo cáo UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm; Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản công, việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh. 

  Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ quy định của pháp luật về đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện việc công khai minh bạch về lĩnh vực đầu tư công theo quy định. 

  Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa: Chủ trì, công khai danh sách các Tổ chức tín dụng; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức tín dụng theo quy định tại các Điều 53, 54, 55 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ. 

     Đề nghị Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Tăng cường phối hợp trong công tác PCTN; chú trọng việc phát hiện và xử lý đối với hành vi tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ theo Kết luận số 50-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thưc hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án tham nhũng, tập trung truy xét, thu hồi tài sản cho Nhà nước; nâng cao hiệu quả tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến tham nhũng và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. Phối hợp với Thanh tra tỉnh thực hiện công tác đánh giá, chấm điểm xếp loại công tác PCTN của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo ở một số nội dung, gồm: Công an tỉnh: Chủ trì tham mưu đánh giá Kết quả điều tra tội phạm tham nhũng. Viện Kiểm sát nhân tỉnh: Chủ trì tham mưu đánh giá Kết quả truy tố tội phạm tham nhũng; Tòa án nhân dân tỉnh: Chủ trì tham mưu đánh giá Kết quả xét xử tội phạm tham nhũng; Cục thi hành án Dân sự tỉnh: Chủ trì tham mưu đánh giá Kết quả thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng qua thi hành các bản án hình sự; Kết quả thu hồi đất đai do tham nhũng qua thi hành các bản án hình sự. 

     Những chỉ đạo, yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, cải thiện kết quả xếp loại công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2022 và những năm tiếp theo, qua đó góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào các cấp chính quyền, thúc đẩy kinh tế phát triển hướng tới đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho Nhân dân./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.