THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LUẬT GIA TỈNH
   

Tạo sức lan tỏa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại huyện Triệu Sơn

Ngày tạo:  17/04/2024 07:44:44
Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như: tuyên truyền miệng, phát hành tài liệu, tờ gấp pháp luật; trên các phương tiện thông tin đại chúng; phiên tòa giả định… Qua đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn huyện Triệu Sơn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

        Năm 2023 UBND huyện, Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện công tác PBGDPL. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị tùy theo tình hình thực tế của mình đã xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình PBGDPL tại địa phương. Kết quả, tính đến ngày 31/12/2023, UBND huyện, Hội đồng PHPBGDPL huyện đã ban hành 03 Quyết định, 14 Kế hoạch và 06 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn. 

Bà Lê Thị Phương- Phó Chủ tịch Thường Trực Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Triệu Sơn, Trưởng phòng Tư pháp phát biểu tại Hội nghị

           Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện, Phòng Tư pháp chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định số 2937/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Triệu Sơn với 25 thành viên, do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng và lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện làm thành viên, tất cả đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. - Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật huyện được kiện toàn với 11 thành viên (tại Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 31/3/2022) theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ và nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia. 

Các Đại biểu tham dự Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến pháp luât và Trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện Triệu Sơn

        Xác định công tác tuyên truyền miệng giữ vai trò quan trọng, UBND huyện đã ra Quyết định thành lập đội ngũ báo cáo viên với 15 người theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ Tư pháp quy định về Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật. Tất cả đều có trình độ chuyên môn từ đại học chuyên ngành trở lên, phân công phụ trách các lĩnh vực khác nhau, đều đảm bảo các tiêu chuẩn, số lượng, chất lượng theo quy định, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền trong tình hình mới tại địa phương. Bên cạnh đó, tại các xã, thị trấn, công tác củng cố, kiện toàn lại đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo theo đúng quy định. Hiện nay, 34/34 xã, thị trấn có 454 tuyên truyền viên pháp luật. 

         

Lễ ra mắt mô hình " Truyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người thành niên làm trái pháp luật, gắn với ứng dụng tiện ích VNeID" trên địa bàn huyện Triệu Sơn

          Trong đó, có 82 đồng chí có trình độ chuyên môn Luật, còn lại đã được bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật. 

Mặt khác, huyện Triệu Sơn cũng đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động cho đội ngũ làm công tác PBGDPL; thường xuyên tham gia và tổ chức cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên tham gia các lớp tập huấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này nâng cao trình độ kỹ năng, nghiệp vụ. Với các văn bản pháp luật được tuyên truyền tập trung chủ yếu có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Các Nghị quyết mới, gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng qu c gia đến hết năm 2023”; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính 3 sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia…

Nhằm tạo sức lan toả sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, huyện Triệu Sơn đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên cung cấp các văn bản về công tác tư pháp nói chung và các văn bản triển khai thực hiện công tác PBGDPL nói riêng cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện đăng tải trên Trang thông tin điện tử huyện. Các tin, bài, phóng sự, văn bản pháp luật được đăng tải trên Trang thông tin điện tử huyện, hệ thống truyền thanh truyền hình huyện, hệ thống loa truyền thanh không dây tại các xã, thị trấn; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện tổ chức cho các  xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện ký cam kết không vi phạm pháp luật trong các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán… 

        Năm 2023, huyện Triệu Sơn đã tổ chức được 121 cuộc hội nghị cho 31.039 lượt người tham dự. Trong đó, cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, các thành viên của Hội đồng đã tổ chức 15 hội nghị cho 2.250 lượt người tham dự; các cơ quan, đơn vị tổ chức 12 hội nghị cho hơn 6.000 lượt người tham dự và UBND các xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền phổ biến GDPL được 79 cuộc với 6.789 lượt người tham dự; cấp phát 35.000 tờ rơi, tờ gấp và tài liệu pháp luật. Tổ chức treo 86 băng rôn, 158 khẩu hiệu tại các tuyến đường chính và tại các trung tâm của các xã, thị trấn nhằm tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước liên quan thiết thực đến đời sống của cán bộ và nhân dân… Đồng thời, tổ chức được 15 cuộc tuyên truyền tại các trường học cho hơn 16.000 lượt người là cán bộ, giáo viên và học sinh. Nhìn chung, hình thức, nội dung tuyên truyền, PBGDPL phong phú, đa dạng đã đem lại hiệu quả đáng kể trong công tác PBGDPL trên địa bàn huyện. Đây là những hình thức PBGDPL thật sự cần thiết và bổ ích, các đối tượng được tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu, tạo được niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đa số nhân dân nhất là các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. 

           Song song với các hoạt động trên, công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cũng được địa phương quan tâm triển khai một cách có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 67 tủ sách pháp luật. Trong đó, tủ sách pháp luật của thôn là 24 tủ; tủ sách pháp luật của xã là 34 tủ; tủ sách của các cơ quan, đơn vị là 09 tủ. Về công tác hoà giải ở cơ sở, huyện đã triển khai thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn ra quyết định kiện toàn các tổ hòa giải, công nhận, cho thôi làm hòa giải viên theo đúng quy định pháp luật. Hiện tại trên địa bàn huyện có 254 tổ hòa giải với 1.642 hòa giải viên. Trong năm 2023, tại 34 xã, thị trấn đã thụ lý 164 trường hợp mâu thuẫn tranh chấp liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường và hôn nhân gia đình, đã hòa giải thành 164 trường hợp; giải quyết không thành chuyển lên cấp trên giải quyết 03 trường hợp, đạt 98%... Công tác hòa giải ở cơ sở cơ bản đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, hạn chế những mâu thuẫn, xung đột dẫn đến việc vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và chấp hành pháp luật trong nhân dân, giảm việc khiếu nại, đơn thư tố cáo trong nhân dân. Công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật dần đi vào nề nếp, tạo hiệu ứng tích cực trong việc thực hiện cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở, an ninh cơ sở và trật tự an toàn xã hội. 

         Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong tuyên truyền PBGDPL tại huyện Triệu Sơn đã ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày một khởi sắc.


Phương Linh
Nguồn tin: Phổ biến, giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.