THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH
   

Hoạt động thừa phát lại mang lại lợi ích thiết thực cho dân

Ngày tạo:  15/05/2021 08:34:00
Thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp trong đó có công tác thi hành án dân sự (THADS). Chế định thừa phát lại (TPL) đã được thực hiện thí điểm tại tỉnh ta từ năm 2013. Đến nay, 4 văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh (gồm các văn phòng: TPL TP Thanh Hóa, TPL TP Sầm Sơn, TPL thị xã Bỉm Sơn, TPL thị xã Nghi Sơn) đã lập được 193 vi bằng. Tổng doanh thu của các văn phòng đạt 10,55 tỷ đồng, nộp vào Ngân sách Nhà nước 1,055 tỷ đồng.

Tầm quan trọng của lập vi bằng

“Lập vi bằng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các văn phòng TPL và nó mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân. Thực tiễn hoạt động của TPL những năm qua cho thấy có nhiều người dân nhờ lập vi bằng mà đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình” – đó là trao đổi của Trưởng Văn phòng TPL TP Thanh Hóa Nguyễn Thị Vân Quỳnh với chúng tôi về tầm quan trọng của lập vi bằng.

Theo chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh, từ năm 2019 đến nay, văn phòng lập được rất nhiều vi bằng các loại, chủ yếu tập trung vào những sự kiện liên quan đến tài sản, như: ghi nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; ghi nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; ghi nhận tình trạng nhà khi mua nhà; ghi nhận tình trạng nhà đất bị lấn chiếm; ghi nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật; ghi nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế, ghi nhận cuộc họp gia đình, quyền thăm nuôi con sau khi ly hôn... Như trường hợp của gia đình anh C., ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, khi khởi công xây dựng nhà ở, anh lo việc đào móng nhà sẽ làm ảnh hưởng tới nhà bên cạnh nên đã mời cán bộ Văn phòng TPL TP Thanh Hóa xuống ghi nhận hiện trạng căn nhà của hai nhà bên cạnh để khi có tình huống xảy ra còn có cơ sở pháp lý để xử lý. Hay như một công ty ở TP Thanh Hóa cho trung tâm thể hình thuê mặt bằng nhưng nhiều tháng liền trung tâm không trả tiền thanh toán thuê mặt bằng. Công ty đã nhờ Văn phòng TPL TP Thanh Hóa ghi nhận lại quá trình di dời tài sản của trung tâm thể hình để đề phòng tranh chấp giữa hai bên.

Cũng có những trường hợp, người dân đến Văn phòng TPL TP Thanh Hóa nhờ lập vi bằng để làm căn cứ khởi kiện ra tòa. Ví như trường hợp ông B. ở TP Thanh Hóa bị nói xấu trên mạng xã hội facebook nên ông B. đã nhờ cán bộ Văn phòng TPL TP Thanh Hóa lập vi bằng hành vi nói xấu ông trên mạng xã hội. TPL TP Thanh Hóa đã xác nhận nội dung các dữ liệu điện tử liên quan đến hành vi vu khống và nói xấu sau đó mô tả lại trong vi bằng kèm theo các tài liệu hỗ trợ như chụp ảnh, video... có cơ sở pháp lý để xử lý theo quy định của pháp luật...

Theo ông Lê Đăng Tuấn, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Thọ Xuân: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 về tổ chức và hoạt động của TPL. Vi bằng còn là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân

Không chỉ bảo đảm quyền lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc lập vi bằng mà những năm qua, 4 văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh còn tống đạt 88.752/154.701 văn bản, tài liệu cần tống đạt đến các cơ quan tòa án, thi hành án 2 cấp.

Đánh giá về kết quả từ khi thực hiện thí điểm chế định TPL tại tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Sự ra đời của văn phòng TPL đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp, góp phần giảm tải công việc của cơ quan tư pháp, trước hết là cơ quan THADS, tòa án Nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh để các cơ quan này tập trung thực hiện chuyên môn, đồng thời nâng cao hiệu quả của cơ quan tố tụng. Tạo điều kiện cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc THADS có thêm công cụ hỗ trợ tích cực để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong quá trình tổ chức thi hành án. Hỗ trợ tích cực cho công dân khi quyền lợi dân sự bị xâm phạm cần được xác nhận, bảo đảm quyền lợi khi cần khởi kiện. Đồng thời, giảm tải công việc của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương khi phải xem xét, giải quyết các quyền lợi của công dân trong tranh chấp dân sự. Hiệu quả mang lại là vậy, nhưng hiện nay cả tỉnh mới có 4 văn phòng TPL, chỉ tập trung ở thành phố, thị xã, trong khi đó nhu cầu về hồ sơ, tài liệu, giấy tờ của THADS tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, THADS và tòa án Nhân dân của 27/27 huyện, thị xã, thành phố cần tống đạt rất lớn. Vì vậy, chưa thực hiện hết công việc của tòa án Nhân dân, THADS giao.

Nhu cầu lập vi bằng của tổ chức, cá nhân cũng rất lớn trong khi đó số lượng của tổ chức TPL nguồn nhân lực không đáp ứng được để thực hiện tại các địa phương có khoảng cách địa lý xa trụ sở các văn phòng TPL. Việc tổ chức thi hành án ở các bản án còn hạn chế.

Chính từ thực trạng trên, ngày 8-4-2021, UBND tỉnh có Quyết định số 1137/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, trong giai đoạn thực hiện đề án từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập 14 văn phòng TPL tại các địa phương. Cụ thể, tại khu vực đô thị là thành phố, thị xã, thành lập 4 văn phòng TPL; khu vực các huyện ven biển, thành lập 4 văn phòng TPL; khu vực các huyện miền núi thành lập 3 văn phòng TPL; khu vực các huyện đồng bằng thành lập 3 văn phòng TPL. Loại hình văn phòng TPL tổ chức hoạt động theo 2 loại hình: Văn phòng TPL do 1 TPL thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; văn phòng TPL do 2 TPL trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật của văn phòng TPL là trưởng văn phòng TPL; trưởng văn phòng TPL phải là TPL. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của TPL là tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.

“Với việc phát triển văn phòng TPL đủ số lượng, bố trí đều trên địa bàn các vùng miền của tỉnh sẽ bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phục vụ kịp thời, thuận lợi cho tổ chức, công dân cũng như các việc do tòa án Nhân dân, THADS giao. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tham gia phát triển các văn phòng TPL nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hoạt động hiệu quả của cơ quan tư pháp mà trực tiếp là cơ quan thi hành án và tòa án Nhân dân. Đồng thời, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hạn chế khiếu kiện đến các cơ quan Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh” – đồng chí Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh.

 


Bài và ảnh: Ngân Hà
Nguồn tin: (Baothanhhoa.vn)

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.