THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH
   

Sở Tư pháp Thanh Hóa tham dự Hội thảo Đánh giá kết quả 10 năm Thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp tổ chức

Ngày tạo:  26/12/2023 13:59:38
Để có đánh giá toàn diện, tìm ra những giải pháp giúp công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn toàn quốc được thực hiện hiệu quả, đáp ứng tình hình mới, ngày 25 tháng 11 năm 2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Đánh giá kết quả 10 năm Thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Chủ trì buổi Hội thảo là đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục Trưởng Cục Phổ biến, giao dục pháp luật, Bộ Tư pháp, tham dự Hội nghị có Giám đốc các đại diện các cơ quan Trung ương như Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.. và Lãnh đạo các Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp các tỉnh trên địa bàn toàn quốc.

      Báo cáo tại Hội thảo đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tóm tóm tắt kết quả 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở. Đồng chí khẳng định, Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Qua tổng kết việc thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở 2013 cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm; không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững.

đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

 

       Khi tiến hành hoà giải, hoà giải viên có cơ hội lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở; khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác hoà giải ở cơ sở trong giữ gìn, vun đắp tình làng nghĩa xóm, xây dựng cơ sở, khu dân cư ngày càng ấm no, yên bình, hạnh phúc.

       Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hoà giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các hoà giải viên để hoạt động hòa giải có hiệu quả. Các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình hoà giải ở cơ sở hiệu quả phù hợp với đặc điểm của địa phương như các tổ hoà giải, tổ hoà giải điển hình tiên tiến, câu lạc bộ hoà giải, tổ hoà giải kiểu mẫu, tổ hoà giải 05 tốt,… Cụ thể, trung bình mỗi năm, các tổ hoà giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.000 vụ, việc và hoà giải thành trên 100.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiện được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

      Ngoài ra, hàng năm, đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở từ Trung ương đến địa phương được duy trì, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và các tổ hòa giải thường xuyên được rà soát, kiện toàn và bồi dưỡng nghiệp vụ đã góp phần đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp và đạt hiệu quả. 

toàn cảnh buổi Hội thảo

       Tại Hội thảo các đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế của công tác này cần có những giải pháp khắc phục, Tham dự Hội thảo, Sở Tư pháp Thanh Hóa có sự tham gia của đồng chí Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở, và Lãnh đạo Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật. 

       Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Bùi Đình Sơn đã báo cáo kết quả công tác hòa giải đã đạt được trong những năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà địa phương hiện có, để nâng cao hiệu quả công tác này đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa đã đi sâu phân tích những giải pháp cần triển khai cụ thể như: 

đồng chí Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa

       Cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Quan tâm thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; phong trào xây dựng nông thôn mới. 

       Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở trong việc ổn định an ninh chính trị trong cộng đồng dân cư.

        Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai, thực hiện.

       Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đảm bảo số lượng, chất lượng. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Chủ động cung cấp tài liệu cho hòa giải viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.

      Quan tâm bố trí kinh phí cho tổ hòa giải, hòa giải viên và các điều kiện bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời tăng cường xã hội hóa và đa dạng các nguồn lực xã hội cho công tác hòa giải ở cơ sở. 

      Duy trì thường xuyên, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác hòa giải ở cơ sở. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình điểm, cá nhân điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở.

        Để công tác Hòa giải ở cơ sở phát huy tốt vai trò và ý nghĩa đối với xã hội, Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa đã đề nghị Bộ Tư pháp cần quan tâm tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ tham mưu cho Ban Bí thư ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ này, qua đó có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác Hòa giải ở cơ sở. 

Gắn công tác Hòa giải ở cơ sở với công tác dân vận, trong đó có sự vào cuộc của các đoàn thể và công an ở cơ sở, đảm báo sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ và phân rõ trách nhiệm vủa các bên.

         Hướng dẫn và chỉ đạo rõ trách nhiệm bố trí kinh phí cho công tác này, đảm bảo có nguồn lực để thực hiện một cách hiệu quả.

          Gắn hoạt động hòa giải với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dân tộc miền núi… để qua đó đảm bảo hiệu quả công tác hòa giải tại các địa phương, góp phần xây dựng cuộc sống của nhân dân ổn định.

        Ngoài ý kiến của Sở Tư pháp Thanh Hóa, Hội thảo còn có nhiều ý kiến tham gia như của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hoà giải ở cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đời sống sinh hoạt cộng đồng. Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng đề nghị cần tăng cường công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương; đồng thời tranh thủ vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo làm nòng chốt trong thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở; Ý kiến của Sở Tư pháp Đăck Nông; Sở Tư pháp Đồng Tháp; Sở Tư pháp Tuyên Quang, Bộ Công an… Những ý kiến đó đã gợi ý những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo hiệu quả công tác này.

          Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong quá trình 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở. Để tiếp tục phát huy Luật Hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị, Sở Tư pháp cần tiếp tục quan tâm tổ chức thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tiến hành phân loại các địa bàn đã làm tốt, địa bàn chưa làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đối với địa bàn chưa làm tốt, đề nghị cơ quan tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để xây dựng kế hoạch khắc phục, tạo sự chuyển biến trên thực tế; đồng thời cần nghiên cứu đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu trong triển khai.

           Với sự quan tâm, vào cuộc của Bộ Tư pháp, các đơn vị Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có những giải pháp trọng tâm, chắc chắn trong thời gian tới công tác hòa giải trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng sẽ tiếp tục đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ở cộng đồng dân cư, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.