Nhằm nâng cao ý thức, kiến thức PCCC và CNCH cho quần chúng nhân dân tại khu dân cư, hộ gia đình, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, tổ chức chữa cháy có hiệu quả hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra. Qua khảo sát phường đã thành lập được 12 “tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” và 7 “điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn phường. Mỗi “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy” tại khu dân cư gồm từ 05 đến 15 hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. “Điểm chữa cháy công cộng” được bố trí tại các ngõ sâu tập trung nhiều nhà có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Mỗi điểm bố trí 2 bình bột chữa cháy.
Các thành viên, hộ gia đình trong “Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” có nhiệm vụ triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước và quy định về phòng cháy chữa cháy. Nắm tình hình liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, kịp thời phản ánh với UBND phường và Công an phường để kịp thời xử lý. Tuyên truyền, vận động các thành viên hộ gia đình thuộc tổ liên gia tự giác chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có cháy, nổ, sự cố tại nạn xảy ra trong khu vực tổ liên gia.
Việc thành lập Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” sẽ góp phần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác phòng cháy chữa cháy. Qua đó, góp phần chủ động phòng ngừa, làm giảm thiểu các sự cố cháy, nổ tại khu dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Thu Hà |
Nguồn tin: Trung tâm VHTTTT&DL TP Thanh Hóa |
File đính kèm |