Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Việt Nga nhấn mạnh: đề cao vai trò của việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hành dân chủ, đảm bảo kỷ cương xã hội, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua 6 luật quan trọng, với nhiều chính sách mới, tiến bộ, cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương. Để các Luật mới đi vào cuộc sống, UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Thanh tra tới cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Phạm Xuân Dũng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh triển khai các nội dung mới của Luật Thanh tra; Đồng chí Hà Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LNPN tỉnh giới thiệu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Đồng chí Phan Văn Đại, Trưởng phòng PBGDPL Sở Tư pháp giới thiệu các nội dung chính của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật Thanh tra gồm 8 chương, 118 điều (tăng 1 chương và 40 điều so với Luật Thanh tra năm 2010). Luật có một số điểm mới mới đáng chú ý như: UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở; Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra tại Luật Thanh tra 2022; Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra; Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên; Bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra… Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023.
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật đã thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở; cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật đã cụ thể hoá đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng như cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có 6 chương, 56 điều (tăng 10 điều so với Luật năm 2007). Luật có nhiều điểm mới quan trọng như: Sửa đổi khái niệm bạo lực gia đình; Mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài quan hệ hôn nhân; Bổ sung thêm quy định về hành vi bạo lực gia đình, hình thức tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình, biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình... Các quy định này góp phần tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Các nội dung liên quan đến các văn bản Luật trên có nhiều quy định mới quan trọng, vì vậy, đề nghị các đại biểu tham dự cần tập trung lắng nghe, nghiên cứu kỹ tài liệu, có những định hướng cụ thể trong công tác quản lý Nhà nước và tham mưu cho các cơ quan chuyên môn tăng cường trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ phân công để tổ chức triển khai kịp thời các văn bản pháp luật đến cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân.
Ghi nhận những nỗ lực, thành tích nổi bật của các tập thể và cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở, UBND thành phố trao giấy khen cho 6 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Thùy Dung |
Nguồn tin: Trung tâm VHTTTT&DL TP Thanh Hóa |
File đính kèm |