THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND THÀNH PHỐ THANH HÓA
   

Một số điều cần biết về Thừa phát lại

Ngày tạo:  27/02/2024 08:02:09
I. Khái niệm "Thừa phát lại " Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (sau đây viết tắt là Nghị định 08/2020/NĐ-CP), Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

        II. Điều kiện bổ nhiệm Thừa phát lại

        Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại như sau:

       1. Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

        2. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

       3. Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

       4. Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.

       5. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

       III. Công việc Thừa phát lại được làm

       Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại được làm các công việc sau:

       1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu.

       2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

       3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

       4. Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.

      IV. Thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại

     Điều 32 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây:

    - Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;

    - Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

     V. Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại

    Khoản 1, Điều 36 và Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại, như sau:

    Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp sau:

    Một là, những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

    Hai là, Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

    Ba là, Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

    Bốn là, Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

   Năm là, Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

    Sáu là, Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

    Bảy là, Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

    Tám là, Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

    Chín là, Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

    * Lưu ý:

    - Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

    - Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

    - Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

      VI. Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại

      Điều 43 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại như sau:

     Một là, Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

     Hai là, Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

     VII. Thẩm quyền thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự của Thừa phát lại

    Điều 51 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại như sau:

     Một là, Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:

    - Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

    - Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

    - Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

     Hai là, Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

    VIII. Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại 

     Điều 61 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại như sau:

     Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu./.

     IX. Tổ chức Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

    Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 04 Văn phòng Thừa phát lại, đó là Văn phòng thừa phát lại Thành phố Sầm Sơn, Văn phòng thừa phát lại Thành Phố Thanh Hóa, Văn phòng thừa phát lại Thị xã Nghi Sơn và Văn phòng thừa phát lại Thị xã Bỉm Sơn. Các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều hoạt động hành nghề trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành đóng góp tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh    tế - xã hội của tỉnh.

 


Phương Linh
Nguồn tin: Phổ biến, giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.