THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND THỊ XÃ BỈM SƠN
   

Một số kết quả nổi bật trong 10 năm triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  04/10/2022 15:14:30
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã khẳng định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. 

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, với việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; xác lập trách nhiệm và cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Qua 10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực; đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của xã hội về pháp luật về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch của các chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin về pháp luật, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo công bằng và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Để có được kết quả đó, Thanh Hóa đã triển khai nhiều nội dung cụ thể trong 10 năm qua, trong đó phải kể đến những kết quả nổi bật như:

Đối với công tác chỉ đạo, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm triển khai như ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 11/9/2012 triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch PBGDPL, các ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên cơ sở Kế hoạch của cấp tỉnh đều ban hành Kế hoạch triển khai PBGDPL trong đơn vị, cấp mình. Ngoài ra, trên cơ sở trên cơ sở Kế hoạch của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai đúng với chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trưng ương.

Thanh Hóa đã áp dụng nhiều cách thức triển khai phong phú, đa đạng, tổ chức thực hiện phù hợp với từng đối tượng, địa bàn đảm bảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Cụ thể:

- Tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung cơ bản, hội nghị tập huấn Luật phổ biến giáo dục pháp luật và hội nghị tập huấn kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL cho lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy viên, thư ký HĐPH phổ biến giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ chủ chốt cấp huyện; đội ngũ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh.

- Chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL tại các huyện, thị xã, thành phố, công chức Tư pháp - Hộ tịch, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

- Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng thường xuyên tuyên truyền nội dung của Luật phổ biến giáo dục pháp luật trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đã liên tục tổ chức 02  buổi phỏng vấn; tổ chức giới thiêu luật phổ biến giáo dục pháp luật qua chuyên mục văn bản pháp luật mới, chuyên mục trên báo, đài. 

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh triển khai Ngày pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tổ chức giới thiệu Luật phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị.

Triển khai Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành, Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát văn bản pháp luật về PBGDPL do mình ban hành; văn chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát báo cáo viên pháp luật theo Thông tư số 10/2016/TT-BTP (trước đây là Thông tư số 21/2013/TT-BTP), củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện; sửa đổi, bổ sung Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp của cấp tỉnh, cấp huyện để phù hợp với các quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho PBGDPL theo thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP; tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật; tổ chức đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù; kiểm tra việc thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. 

 Kết quả tổ chức các hoạt động PBGDPL 

Nội dung PBGDPL:

Thực hiện Luật PBGDPL, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và bám sát nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã tập trung tuyên truyền các nội dung chính, trọng tâm, trọng điểm cần định hướng tuyên truyền, phổ biến, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, địa bàn gồm 3 nhóm chính:

- Phổ biến các luật mới được Quốc hội thông qua năm 2013 đến nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp, các ngành cấp tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các Luật được Quốc hội thông qua.

- Các Điều ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành và văn bản pháp luật của Trung ương và của tỉnh; Các chính sách liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; pháp luật liên quan đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; pháp luật về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; pháp luật về phòng, chống tội phạm, hội nhập quốc tế…

- Phổ biến một số nội dung pháp luật về gia đình, trẻ em; các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật; Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật …để làm sâu sắc hơn, sinh động hơn, thực tiễn hơn các quy định pháp luật, từ đó định hướng, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành  pháp luật. Ngoài ra, đối với tỉnh Thanh Hóa còn tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách do tỉnh ban hành, trong đó tập trung vào các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật:

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã vận dụng nhiều hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm của ngành, lĩnh vực, địa phương như: Hội nghị trực tiếp, Hội nghị chuyên đề, Hội nghị lồng ghép, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tổ chức “Ngày Pháp luật”; thông qua hoạt động hoà giải, trợ giúp pháp lý, sinh hoạt câu lạc bộ, xét xử lưu động, biên soạn đề cương, cấp phát các tài liệu, tờ rơi; tuyên truyền pháp luật kết hợp với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; phổ biến pháp luật mới trên báo, đài truyền hình, truyền thanh các cấp; tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan, thông qua sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; hình thức phổ biến qua tủ sách pháp luật bước đầu thực hiện việc luân chuyển sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và nhà văn hóa thôn, xóm, phố. Thông qua các hình thức này, các chủ trương, chính sách pháp luật đã được chuyển tải một cách sinh động tới người dân, kịp thời giải quyết những băn khoăn, vướng mắc và cả những bức xúc của người dân. Cụ thể kết quả triển khai thực hiện trên thực tế các hình thức PBGDPL quy định tại Điều 11 Luật PBGDPL như sau:

- Hội nghị tuyên truyền pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật:

 Định kỳ hàng năm UBND tỉnh tổ chức 02 hội nghị/năm quán triệt, triển khai Luật mới. Trong 10 năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai 30 Hội nghị quán triệt các văn bản pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật, cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn từ cấp huyện trở lên với tổng số hơn 15.000 lượt người tham gia, trong đó có 6 hội nghị trực tuyến. Sau Hội nghị trực tiếp triển khai ở tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp tục triển khai các luật trên cho cán bộ chủ chốt ở địa phương.

Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh đã tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật chuyên sâu, chuyên đề và lồng ghép vào các chương trình, đề án PBGDPL tổ chức 5.200 hội nghị cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 30.540 buổi tuyên truyền tập huấn, phổ biến luật cho gần 2.700.000 cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở về kỹ năng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ địa phương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Quá trình triển khai, hầu hết các đơn vị đều đánh giá hình thức này mang lại hiệu quả tương đối cao, có thể vận dụng linh hoạt sáng tạo bằng nhiều cách thức, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Đối với nhóm đối tượng nhỏ có thể triển khai qua hoạt động đối thoại, tọa đàm chính sách pháp luật. Với nhóm đối tượng đông có thể tổ chức hình thức PBGDPL trực tuyến. Qua đó truyền tải kịp thời, cung cấp thông tin pháp luật về các lĩnh vực cho cán bộ và Nhân dân, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

- Biên soạn và phát hành các loại tài liệu tuyên truyền pháp luật

Toàn tỉnh đã cấp phát 5.796.680 tài liệu, trong đó: Hội đồng phối hợp PBGDPL, Cơ quan thường trực Hội đồng và ban, ngành đoàn thể các cấp đã in và phát hành gần 600.000 bản đề cương pháp luật, 64.000 cuốn hỏi đáp pháp luật, hàng chục nghìn kg tờ rơi, tờ gấp các loại, gần 34.000 Bản tin tư pháp. Trên cơ sơ phân loại đối tượng về trình độ hiểu biết và điều kiện tiếp thu, để phát hành tài liệu đến các đối tượng phù hợp.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh và internet

Triển khai Luật phổ biến giáo dục pháp luật, Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và truyền thông đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh để phát sóng, đăng tải tuyên truyền các nội dung Hiến pháp và các nội dung pháp luật. Sở Tư pháp và nhiều sở, ngành đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Báo Thanh Hoá và Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa để mạnh công tác tuyên truyền Phổ biến giáo dục pháp luật trên Báo; xây dựng, thực hiện chuyên mục "Nhà nước và pháp luật" trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh. Đến nay tời lượng phát sóng, đăng tải các chương trình, chuyên trang, chuyên mục có nội dung tuyên truyền pháp luật trên các phương tiên thông tin đại chúng ngày càng tăng. Nội dung tuyên truyền luôn bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. 

Sau 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, đã đăng tải và phát trên phương tiện thông tin đại chúng 105.752 tin bài về pháp luật. Trong đó, Báo Thanh Hoá (Thanh Hoá thường kỳ, Thanh Hoá điện tử, Thanh Hoá hàng tháng) tại chuyên mục “Pháp luật và đời sống” (2 kỳ/tháng); trang “Bạn đọc” (1/2 trang/ tuần); “Tuyên truyền phổ biến pháp luật” (2 kỳ/tháng); chuyên mục Dân hỏi – Luật gia trả lời (1 kỳ/tháng);  “Thông tin Trợ giúp pháp lý” (1 kỳ/tháng), “an ninh trật tự", "trả lời bạn đọc", "Giải đáp pháp luật", "Ý kiến nhân dân"...đã tải hơn 60.000 tin, bài, ảnh liên quan đến hoạt động tuyên truyền PBGDPL ở nhiều lĩnh vực; giới thiệu các văn bản pháp luật mới, giới thiệu chính sách pháp luật.... Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thực hiện hơn 200 phóng sự, 40 cuộc toạ đàm, 32 phóng sự, 5 tiểu phẩm, gần 20.000 tin, bài phản ánh giới thiệu nhiều nội dung pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật trên các chuyên mục “tuyên truyền phòng, chống tham nhũng” 01 số/tháng;  “Tòa án” (mỗi tháng một chuyên mục phát vào tối thứ ba của tuần thứ ba), “An ninh Thanh Hóa” (với 26 chương trình)...Các Trang thông tin điện tử  của cơ quan, đơn vị, địa phương (công an tỉnh: 2.000 lượt tin, bài và văn bản pháp luật với trên 10.000 lượt truy cập), trang Phổ biến giáo dục pháp luật và trang mạng xã hội chính thống thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin, văn bản pháp luật tại các chuyên mục “hỏi đáp pháp luật”, “văn bản pháp luật”, tư vấn pháp luật. Đây thực sự là kênh thông tin pháp luật hữu hiệu, chính xác, hấp dẫn với người dân, là một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả cao trong thời đại công nghệ 4.0 và diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Hệ thống truyền thanh cơ sở đã duy trì hoạt động tuyên truyền pháp luật, trong 10 năm phát sóng 786.162 chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã. Ngoài ra một số đơn vị đã phối hợp với nhà mạng Vinaphone, Viettel gửi tin nhắn cho các thuê bao nội mạng tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, phòng chống bạo lực gia đình...; 

- Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật: Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật là hình thức tuyên truyền, PBGDPL đạt hiệu quả cao, thu hút được đông đảo cán bộ, Nhân dân tham gia. Đây cũng là sân chơi bổ ích để cán bộ, công chức và đảng viên hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong 10 năm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng khá rộng rãi cho các đối tượng bằng cả 3 hình thức thi viết, thi theo mô hình sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Cácsở, ngành, đoàn thể, địa phương đã hưởng ứng, triển khai 4.850 cuộc thi, tiêu biểu đã tích cực tham gia những cuộc thi lớn của Trung ương tổ chức (Thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Hội thi: Hòa giải viên giỏi, “Pháp luật học đường, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”…); đồng thời đã trực tiếp phát động, tổ chức nhiều cuộc thi gắn với hoạt động của ngành, của địa phương (Tuổi trẻ Thanh Hóa với an toàn giao thông, Tìm hiểu pháp luật về thuế, Cán bộ hòa giải lao động giỏi khối doanh nghiệp toàn tỉnh, Nét đẹp công chức trẻ, Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong tổ chức và điều hành, Tìm hiểu pháp luật dành cho cán bộ công chức ngành tư pháp; Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng do Ban Nội chính tỉnh ủy tổ chức; “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội” do Sở Lao động – Thương binh và xã hội tổ chức hàng năm,.. ) thu hút gần chục triệu người tham gia. Đây là môi trường tốt để người dân tiếp cận và tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua cuộc vận động thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, các lễ hội truyền thống.

- Quản lý và khai thác tủ sách pháp luật

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã xây dựng 1.121 tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; 1.150 tủ sách pháp luật ở các cơ quan đơn vị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; 100 trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh thanh hoá đều có tủ sách pháp luật, hoặc ngăn sách pháp luật; 116 tủ sách pháp luật của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; 825 tủ sách pháp luật ở thôn, bản, khu phố. Bình quân mỗi tủ sách từ 50-180 đầu sách và hàng năm đều bổ sung, trang bị thêm đầu sách từ nguồn ngân sách của xã, phường, thị trấn và các đầu sách do Sở Tư pháp biên soạn, cấp phát. Trong 10 năm qua Sở Tư pháp đã trang bị bổ sung sách pháp luật cho 902 tủ sách pháp luật với gần 40.000 cuốn sách pháp luật, hơn 5.000 cuốn Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một số địa phương tự trang bị, bổ sung thêm các loại sách pháp luật cần thiết khác để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân và quá trình áp dụng, giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã. 

Triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 26/11/2020  của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo đó chỉ đạo không tiếp tục duy trì tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị; sắp xếp theo hướng: chuyển về điểm bưu điện để khai thác tài liệu, từ năm 2022 tổ chức, lưu giữ, quản lý các sách, tài liệu pháp luật hiện có tại cơ quan, đơn vị theo quy định về quản lý tài sản công; lựa chọn sách, tài liệu phù hợp, có giá để số hóa, cập nhật trên dữ liệu thành phần của tủ sách pháp luật điện tử quốc gia theo phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm chuẩn bị các điều kiện khai thác tủ sách pháp luật điện tử theo lộ trình của Trung ương. Đối với tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo (gọi tắt là xã đặc biệt khó khăn): Vẫn tiếp tục duy trì tủ sách pháp luật; tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân: do Thủ trưởng của cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh) quyết định việc sắp xếp. 

- Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý

Thực hiện Luật phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng, Sở Tư pháp hàng năm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải ở các thôn, xóm, bản, khối phố, cụm dân cư. Cho đến nay, các tổ hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, kiện toàn và tích cực tham gia hoà giải các tranh chấp nhỏ tại cộng đồng dân cư và đã đạt được nhiều kết quả. Với gần 6.000 tổ hoà giải, gần 25.000 hoà giải viên, từ năm 2013 đến nay, bình quân hàng năm đã tiếp nhận 4.000 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành chiếm hơn 82%, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, giảm bớt khiếu nại tố cáo, ổn định an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư.

Cùng với việc triển khai lồng ghép tuyên truyền pháp luật qua hoạt động hòa giải, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã  lồng ghép tổ chức hàng trăm đợt trợ giúp pháp lý mỗi năm.  Trong 10 năm, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh, kết quả đã thực hiện 15.741 vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó tham gia tố tụng 3.730  vụ việc, tư vấn pháp luật miễn phí 11.731  vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 104 vụ việc, hòa giải 7 vụ việc); tổ chức 700 đợt truyền thông TGPL, Các hoạt động nêu trên đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc chuyền tải pháp luật đến quần chúng nhân dân.

Ngoài ra, việc tuyên truyền pháp luật thông qua phiên toà lưu động, thực hiện các phong trào, cuộc vận động do các cơ quan, tổ chức đoàn thể phát động cũng được TAND tỉnh, MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực triển khai, góp phần tích cực nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Phổ biến pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật

Cùng với việc tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức truyền thống theo quy định của Luật PBGDPL, mô hình Câu lạc bộ phát luật không ngừng được phát triển về số lượng và nâng cao, đổi mới chất lượng hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 130 câu lạc bộ pháp luật “Nông dân với pháp luât”. Các câu lạc bộ pháp luật thường xuyên duy trì nề nếp sinh hoạt, hằng năm tổ chức 12 buổi sinh hoạt/câu lạc bộ, hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng như: nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp, tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có chủ đề pháp luật. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật đã góp phần động viên hội viên tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Một số đơn vị đã thực hiện tốt như như: mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ.

 - Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân

Nhằm tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ về PBGDPL thuộc phạm vi trách nhiệm của nhà trường theo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Quyết định 3222/QĐ-UBND ngày 02/10/2012; Quyết định 2459/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 409/QĐ-TTg, kế hoạch thực hiện Quyết định 705/QĐ-TTg; Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường”. Sở Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Sở Tư pháp bản hướng dẫn các Phòng Giáo dục, các trường học thuộc phạm vi quản lý xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật trong nhà trường. Cho đến nay hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, các trường học đã bố trí được cán bộ, giáo viên làm đầu mối, kiêm công tác PBGDPL trong nhà trường. Hàng năm đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ, giáo viên dạy môn học pháp luật, môn giáo dục công dân trên toàn tỉnh được rà soát, kiện toàn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu PBGDPL trong nhà trường giai đoạn hiện nay. 

Kết quả triển khai PBGDPL cho đối tượng đặc thù quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Ngoại vụ, UBND các huyện biên giới, vùng biển... tích cực triển khai.  Các hình thức PBGDPL cho các đối tượng đặc thù đã có sự chọn lọc, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Bên cạnh việc duy trì và phát huy những hình thức PBGDPL truyền thống như: nói chuyện chuyên đề pháp luật; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phát hành tài liệu pháp luật…

Từ năm 2012 đến nay đã đạt nhiều kết quả, nổi bật như:

-Tổ chức PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân trên địa bàn tỉnh:

+ Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được chú trọng thực hiện. Trong 10 năm, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã triển khai 570 hội nghị tập huấn cho 52.150  đại biểu là cán bộ thôn, bản, người có uy tín, đại diện hộ gia đình tiêu biểu, hộ nghèo; in và phát 150.870 cuốn sổ tay tuyên truyền cấp phát cho 109 xã tại 7 huyện miền núi; sổ tay tuyên truyền chính sách pháp luật cho 75 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và 113 xã miền núi; xây dựng 20 tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật đi lưu diễn 40 đợt tại 11 huyện, thành phố biên giới, ven biển;

Tuyên truyền cho người dân vùng ven biển: Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND các huyện miền biển tổ chức 100 hội nghị PBGDPL cho hơn 10.770 cán bộ, công chức các xã, phường ven biển (cán bộ chủ chốt thôn, Bí thư chi bộ, chi hội trưởng hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh tổ an ninh xã hội; cán bộ chủ chốt Đoàn Thanh niên) về phương án đảm bảo an toàn thông tin trên biển; các quy định về trang bị, quản lý, khai thác, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc; phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ PCTT-TKCN khi có bão, ATNĐ, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp khác khi hoạt động trên biển các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc. 

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã hướng dẫn các huyện miền núi, miền biển lựa chọn các nội dung pháp luật phù hợp để tuyên truyền cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức: qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở, Tủ sách pháp luật cấp xã, hoạt động trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở…thông qua triển khai các Kế hoạch, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch, đề án PBGDPL. 

-  Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp: Sở Tư pháp, Liên Đoàn lao động tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn tập trung tuyên truyền cho người lao động các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật công đoàn và các quy định khác của pháp luật về lao động...thông qua việc phổ biến trực tiếp, tủ sách pháp luật, tờ gấp pháp luật. Trong 10 năm, đã tổ chức 50 lớp tập huấn về kiến thức pháp luật và các chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ; Bình đẳng giới cho 7.000 cán bộ Nữ công CĐCS; biên soạn và phát hành 400.000 tờ rơi một số điều cần biết về chế độ chính sách đối với lao động nữ cấp cho CNLĐ; 100.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở;  tư vấn tuyên truyền tại doanh nghiệp cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp (Cty TNHH Giầy Rollsport VN, Cty TNHH giầy Aleron VN, Cty TNHH IVORY thuộc huyện Triệu Sơn, Công ty TNHH giầy Venus VN thuộc huyện Hà Trung); tư vấn, hỗ trợ pháp luật tại khu nhà trọ, khu dân cư có đông công nhân lao động được. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người lao động thông qua sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hệ thống truyền thanh của doanh nghiệp. 

- Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật, người nghèo, trẻ em cũng được Sở Lao động thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội người khuyết tật, các trung tâm bảo trợ tổ chức triển khai thực hiện. Trong 10 năm đã  tổ chức 80 lớp tập huấn nâng cao năng lực Giảm nghèo cho đại diện người dân, người có uy tín ở cộng đồng với 8.900 hộ gia đình; tổ chức 130 lớp tập huấn truyền thông về giảm nghèo cho 11.173 người; 310 hội nghị truyền thông tại cộng đồng về ngăn ngừa giảm thiểu lao động trẻ em, trang bị kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc chương trình hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho 22.400 người.

- Tổ chức PBGDPL cho đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình:

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xây dựng các Câu lạc bộ pháp luật góp phần trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình như: Câu lạc bộ trợ giúp pháp luật cho phụ nữ; Câu lạc bộ không có người vi phạm pháp luật; Câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”; Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thành lập các “Địa chỉ tin cậy” tại các xã, thị trấn để tư vấn kiến thức pháp luật cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Sở Tư pháp đã xây dựng, biên soạn 25.000 tờ gấp pháp luật; biên soạn hơn 10.000 đề cương tuyên truyền pháp luật để phục vụ các đợt hội nghị, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới lồng ghép phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp với Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn cho hơn 700 lượt người dự; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 02 đợt nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới lồng ghép với phòng, chống bạo lực gia đình cho hơn 200 người tham dự; phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tổ chức 53 Hội nghị PBGDPL và 07 hội thi cho cán bộ, hội viên các cấp Hội.

-Tổ chức PBGDPL cho đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù, người đang áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc: 

Công an tỉnh và Công an các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động PBGDPL giúp cho người có hành vi vi phạm pháp luật ở Trại giam, nhà tạm giữ nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, hậu quả do hành vi phạm tội của họ gây ra. Trong 10 năm qua, đã phối hợp với Trại Giam Thanh Phong, Trại giam Thanh Lâm, Trại Giam Thanh Cẩm tổ chức tuyên truyền cho hơn 3.000 phạm nhân tại các phân trại được đặc xá và hết thời hạn chấp hành án phạt tù, giúp họ nhận thức rõ chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội, từ đó cố gắng cải tạo, rèn luyện, phấn đấu để sớm trờ về hòa nhập với cộng đồng. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức 700 buổi tuyên truyền các quy định về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho 12 lượt đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và người bị phạt tù được hưởng án treo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội.

Những kết quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh trong 10 năm qua, đã thể hiện được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tới nhân dân. Qua công tác này, nhận thức về pháp luật của đội ngũ cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được tuân thủ, các quy định của pháp luật được phổ biến và triển khai vào đời sống nhân dân trên địa bàn, chính những điều đó đã góp phần tích cực và mang tính quyết định tới thành công cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà nhà nước ta đang hướng tới được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và là tiền đề, là động lực để xây dựng Thanh Hóa phát triển giầu mạnh./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.